Tẩy chay thực phẩm bẩn
Một mùa Trung thu nữa lại đến. Trên các ngả đường, trong trung tâm thương mại, nhiều ki ốt bán bánh kẹo phục vụ Trung thu mọc lên nhan nhản với các loại bánh dẻo, bánh nướng, từ của các hãng bánh có thương hiệu bấy lâu nay cho đến các cơ sở sản xuất theo mùa vụ…
Và cũng nhân dịp này, người tiêu dùng một lần nữa quan tâm đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Bởi, ngoài những hãng bánh kẹo nổi tiếng, có thương hiệu như nói ở trên, vẫn còn đó những sản phẩm bánh, kẹo, mứt có xuất xứ không rõ ràng, được bày bán khắp nơi, người mua khó lòng phân biệt đâu là thật, đâu là giả.
Chẳng phải, mới đây, tại Hà Nội, các cơ quan chức năng đã kiểm tra đột xuất cơ sở chế biến nông sản tại xã La Phù, huyện Hoài Đức, phát hiện một kho tập kết 14.000 chiếc bánh Trung thu mini nhập lậu từ Trung Quốc.
Theo nhiều người rao bán online, loại bánh Trung thu 40g này có lớp vỏ bánh mềm và thơm ngon, nhân bên trong ngọt ngọt thanh thanh, không ngọt đậm như bánh Trung thu của Việt Nam.
Đã vậy, giá của bánh Trung thu mini này khá rẻ, bán sỉ là 320.000 đồng/thùng, nếu mua 5 thùng thì giá chỉ còn 300.000 đồng/thùng, được khoảng 130 – 135 chiếc, tức là mỗi chiếc bánh trung thu Trung Quốc này chỉ có giá 2.200 đồng, giá bán lẻ cũng chỉ 3.000 - 5.000 đồng/chiếc…
Như vậy, người tiêu dùng có quyền nghi ngờ về chất lượng của loại bánh Trung thu “siêu rẻ” này, có nguồn gốc từ nước ngoài.
Có thể nói, bấy lâu nay, chuyện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đã trở thành chuyện “biết rồi, khổ lắm” nhưng vẫn phải... “nói mãi”. Đã có rất nhiều vụ việc vi phạm nghiêm trọng đến vệ sinh an toàn thực phẩm bị các cơ quan chức năng phát hiện và xử lý mà các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin.
Thế nhưng, như con bạc đang khát nước, vì siêu lợi nhuận, các đối tượng bất chấp đạo đức xã hội, bất chấp sức khỏe của cộng đồng, bất chấp luật pháp để trục lợi bất chính bằng hành vi gian dối, can thiệp thô bạo vào thực phẩm gây nguy hiểm với người tiêu dùng.
Tại tỉnh ta, từ đầu năm đến nay, Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh tiến hành kiểm tra nhiều cơ sở kinh doanh bánh kẹo, đặc biệt là trong dịp Trung thu và cũng đã phát hiện nhiều vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cơ sở này. Chi cục cũng đã tiến hành xử lý hành chính, phạt tiền đối với các cơ sở kinh doanh không đảm bảo chất lượng sản phẩm.
Tuy nhiên, hiện nhiều loại bánh kẹo không rõ nguồn gốc, hết hạn hoặc gần hết hạn sử dụng vẫn được gian thương “tuồn” về vùng sâu, vùng xa để bán, nhưng vẫn chưa được kiểm soát chặt chẽ. Bởi, tại các xã vùng sâu, việc kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm được giao cho UBND các xã chịu trách nhiệm, trong khi đó những người làm công tác này kiêm nhiệm, chưa có chuyên môn nên các mặt hàng trên vẫn “thả trôi, thả nổi”, là điều không thể tránh khỏi.
Có thể khẳng định, chất lượng sản phẩm thực phẩm vẫn luôn là mối quan tâm hàng đầu, vì ảnh hưởng trực tiếp và lâu dài đến sức khỏe của người tiêu dùng. Và người dân vẫn bất an khi hàng ngày vẫn chứng kiến những vụ vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm còn diễn ra.
Đó không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật, mà còn là vấn đề đạo đức gây nhức nhối lương tâm con người. Hậu quả của việc sản xuất, kinh doanh chỉ chạy theo lợi nhuận, ưu tiên cho lợi ích cá nhân mà xem thường sức khỏe, tính mạng của người khác chính là cái “vòng luẩn quẩn” hại người, hại mình mà không mấy người nhận ra.
Chẳng hạn người trồng rau không dám ăn rau mình trồng, do sợ thuốc trừ sâu, nhưng lại ăn phải thịt bẩn, cá bẩn do người khác bán ra thị trường.
Các ngành chức năng cũng nhận định, mấu chốt của vấn đề đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm là trách nhiệm và đạo đức của các doanh nghiệp. Bởi mặc dù có nhiều đợt thanh tra, kiểm tra nhưng những hành vi vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm như một căn bệnh ung thư, dẹp trừ chỗ này lại phát triển chỗ khác.
Thêm vào đó, hiện nay lực lượng thanh tra, đặc biệt là thanh tra chuyên ngành thực phẩm vẫn còn hạn chế, trong khi đó số cá nhân, đơn vị sản xuất thực phẩm lại quá lớn. Chính vì vậy bên cạnh việc các cơ quan chức năng ráo riết vào cuộc thì việc tự đề cao đạo đức của những người sản xuất kinh doanh là yếu tố vô cùng quan trọng, quyết định đến chất lượng thực phẩm.
Chỉ khi nào nhà sản xuất, kinh doanh thực phẩm có đạo đức, thì khi đó mới không còn những thực phẩm bẩn nhiễm khuẩn, mất an toàn, ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng.
Giá như chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm cũng nghĩ được rằng càng có trách nhiệm đối với thực phẩm đưa tới người tiêu dùng thì chắc chắn công việc kinh doanh sẽ thuận lợi hơn thì sẽ phần nào hạn chế được vấn nạn thực phẩm bẩn.
Nhưng, vì lợi nhuận, vẫn còn những cơ sở sản xuất, kinh doanh bằng mọi giá đưa người tiêu dùng vào ma trận thực phẩm thật giả lẫn lộn.
Nên, để khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm, thì thái độ của người tiêu dùng cũng đóng vai trò quan trọng không kém. Nếu mọi người cùng đồng lòng tẩy chay đối với những sản phẩm kém chất lượng, không đảm bảo an toàn thực phẩm, không dán nhãn mác, đồng thời lựa chọn những sản phẩm tại các cơ sở có uy tín, thực phẩm đã được kiểm định, có nguồn gốc rõ ràng… thì doanh nghiệp làm ăn gian dối sẽ không còn tồn tại.
Bên cạnh đó, phải làm thế nào để người tiêu dùng hiểu rõ quyền lợi và nghĩa vụ của mình trong lĩnh vực an toàn thực phẩm. Đó là quyền khiếu nại, trách nhiệm khai báo, tố giác hành vi vi phạm của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Nhiều ý kiến cho rằng, chỉ khi nào hành vi vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm bị xử lý hình sự hoặc mức phạt hành chính phải cao gấp nhiều lần so với lợi nhuận mang lại từ kinh doanh thực phẩm bẩn, thì mới đủ sức răn đe…
Thực tế trên thị trường hiện nay vẫn luôn có những địa chỉ uy tín cung cấp thực phẩm sạch, nguồn gốc rõ ràng, tuy nhiên vẫn chưa đủ sức để đẩy lùi thực phẩm bẩn. Bởi ngoài đạo đức kinh doanh của doanh nghiệp, thị trường thực phẩm vẫn còn bị chi phối từ yếu tố lợi nhuận, giá cả, thói quen tiêu dùng…
Vì một thị trường thực phẩm sạch, an toàn, đảm bảo sức khỏe cho mọi người, mọi nhà, người tiêu dùng hãy kiên quyết tẩy chay thực phẩm bẩn.
Dương Đức Nhuận