Tăng thuế VAT- đừng để “lợi bất cập hại”
Mới đây, Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế VAT từ 10% lên 12%, được thực hiện từ năm 2019. Lý do Bộ Tài chính đưa ra bắt buộc phải tăng thuế VAT là vì mức thu hiện tại tương đối thấp so với các nước trong khu vực, không phù hợp với thông lệ quốc tế và để bù lại nguồn thu ngân sách bị thiếu hụt do xoá bỏ hàng rào thuế quan khu vực ASEAN kể từ năm 2018.
Phương án tăng thuế VAT theo đề xuất của Bộ Tài chính lần này đã vấp phải phản ứng mạnh mẽ từ nhiều tầng lớp khác nhau trong xã hội; đặc biệt là phía người dân, các doanh nghiệp và các chuyên gia kinh tế…
Dư luận xã hội cho rằng, tăng thuế VAT sẽ là lợi bất cập hại, bởi không khéo có thể xảy ra những tác động tiêu cực đến đời sống của người dân, nhất là những người nghèo. Bên cạnh đó, thuế VAT tăng cũng là nguyên nhân làm cho tình trạng lạm phát có cơ hội bùng phát mạnh mẽ…
Những người có trách nhiệm ở Bộ Tài chính cho rằng, tăng thuế VAT ít ảnh hưởng đến đời sống của người nghèo, bởi những mặt hàng lương thực, thực phẩm, giáo dục, y tế không chịu điều chỉnh của thuế VAT (lý do người nghèo dành tới 59% để mua sắm những mặt hàng này).
Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế và dư luận xã hội không đồng tình với nhận định trên. Họ cho rằng những tác động của việc tăng thuế VAT đến tầng lớp người nghèo là không hề nhỏ, kể cả tác động trực tiếp và gián tiếp. Bởi người nghèo có thu nhập thấp, nên mọi sự biến động giá cả thị trường dù nhỏ vẫn ảnh hưởng đến đời sống của họ. Trong khi đó, với người có thu nhập cao thì sự gia tăng thêm 2% thuế VAT với họ có thể là không lớn so với thu nhập; vì vậy sự tác động đời sống của người giàu đối với sự gia tăng thuế VAT là không lớn.
Xin đơn cử, ví dụ người dân ra chợ mua mớ rau hay cân thịt, lúc này người dân không phải nộp thuế VAT hoặc chỉ hưởng mức thuế ưu đãi 5% ở một số mặt hàng. Nhưng những hàng hóa mà người tiêu dùng mua đó cũng phải được vận chuyển từ nơi sản xuất đến nơi bán… thì chi phí vận chuyển cũng sẽ tăng theo khi thuế VAT xăng, dầu tăng. Như vậy cho dù là mớ rau hay cân thịt, thì giá cũng sẽ tăng lên theo. Và tất nhiên, người dân nghèo có thu nhập thấp là người bị ảnh hưởng không hề nhỏ.
Đối với người dân nghèo hay viên chức có thu nhập thấp, việc mua sắm thứ gì để phục vụ trong sinh hoạt đều được họ tính toán hết sức chi li, tiết kiệm mới đủ trang trải cùng hàng trăm khoản phải trả từ tiền điện, tiền nước, xăng xe đi lại… Nên tăng thuế VAT lên 12%, cộng các khoản tăng của các loại thuế khác như thuế bảo vệ môi trường với xăng từ mức 3.000 đồng lên 8.000 đồng/lít… thì sức ép lên đời sống của người dân nghèo là rất lớn. Bởi, với tầng lớp trung lưu hay tầng lớp giàu trong xã hội thì việc tăng thuế VAT từ 10% lên 12% với họ không tác động nhiều đến đời sống và thu nhập nhưng với những hộ cận nghèo và hộ nghèo thì khoảng tăng trên tác động không nhỏ; có thể những hộ cận nghèo sẽ thành hộ nghèo và các hộ nghèo thì nguy cơ thiếu đói là điều không tránh khỏi.
Xét ở khía cạnh kinh tế, những ý kiến phản biện trên không phải là không có lý. Bởi thực chất của thuế VAT là nhằm vào người tiêu dùng, tức là mặt hàng người dân mua sẽ có giá cao hơn khi chưa tăng thuế. Tuy nhiên, trên thực tế thì nếu tăng thuế VAT, các doanh nghiệp cũng sẽ gián tiếp bị thiệt hại, nếu người tiêu dùng thực hiện tiết kiệm, giảm các khoản chi mua sắm, bởi giá cả hàng hóa đắt đỏ. Và tất nhiên, doanh thu của các doanh nghiệp này cũng sẽ giảm sút.
Sau nhiều năm kinh tế gặp khó khăn, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ dường như bế tắc trong thương trường. Họ đang rất cần một cơ chế thông thoáng, giảm các sắc thuế để họ có cơ hội tăng thêm thu nhập, tái đầu tư, mua sắm máy móc, công nghệ tiên tiến để mở rộng kinh doanh. Việc tăng thuế VAT chính là gián tiếp đánh vào sản phẩm mà họ làm ra trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt của kinh tế thị trường, hàng hóa ngoại nhập cũng như sự lựa chọn của người tiêu dùng. Tăng thuế VAT làm cho giá thành sản phẩm của doanh nghiệp trong nước sẽ tăng lên do giá đầu vào của quá trình sản xuất tăng, một khi mở cửa hàng rào thuế quan khu vực ASEAN (thuế suất nhập khẩu 0%) vào năm 2018 thì sức cạnh tranh của doanh nghiệp yếu đi; thậm chí thị trường hàng hoá trong nước sẽ bị hàng hoá các nước ASEAN thâu tóm, không ít doanh nghiệp trong nước đứng nguy cơ phá sản.
Mặt khác, theo các nhà nghiên cứu kinh tế, khi giá cả hàng hoá tăng, người dân ở mọi thành phần xã hội sẽ tính toán lại kế hoạch chi tiêu gia đình nhằm đảm bảo tích luỹ và dự phòng rủi ro. Vì vậy, tổng sức mua hàng hoá xã hội sẽ giảm xuống, sản xuất trong nước vì thế cũng ảnh hưởng, tác động đến tăng trưởng kinh tế. Và như vậy, mục tiêu “cơ cấu lại ngân sách nhà nước theo hướng bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô” theo Nghị quyết số 07-NQ/TW của Bộ Chính trị mà Chính phủ và Bộ Tài chính lấy làm căn cứ để trình Quốc hội Dự án Luật sửa đổi, bổ sung 5 luật thuế sẽ không đạt được; vì sự giảm sút sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và tiêu dùng xã hội do tăng thuế VAT (như đã phân tích ở trên) chắc chắn sẽ tác động xấu tới tăng trưởng kinh tế và nguồn thu cả trong ngắn hạn, trung và dài hạn; mặc dù trước mắt tăng thuế VAT có thể bù đắp phần nào khoảng thâm hụt nguồn thu ngân sách.
Đồng thời, việc tăng thu như trên sẽ làm yếu đi nguồn lực xã hội, không đảm bảo nguyên tắc nuôi dưỡng nguồn thu, một trong những chính sách nhằm bảo đảm tăng thu ngân sách theo hướng bền vững trong tương lai. Trong khi đó, theo số liệu thống kê, nguồn từ thuế VAT - loại thuế đánh trực tiếp vào người tiêu dùng - là nguồn thu cao nhất trong các loại thuế, cao hơn thuế thu nhập cá nhân và thu nhập doanh nghiệp, chiếm khoảng 28% tổng thu ngân sách nhà nước hàng năm.
Tuy nhiên Bộ Tài chính cũng nên cân nhắc bởi không thể vì lý do là loại thuế dễ thu, dễ đảm bảo mục tiêu thu mà đề xuất áp dụng một cách chủ quan, dễ gây ra hậu quả lợi bất cập hại cho nền kinh tế, thậm chí là giá cả tăng cao, đồng tiền mất giá, sẽ đẩy mạnh lạm phát như đã nói ở trên.
Theo thống kê của các cơ quan chức năng, tính hết tháng 7/2017, mức chi thường xuyên của ngân sách tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2016 và chiếm tới hơn 2/3 tổng số chi ngân sách nhà nước. Cho nên để giảm bội chi ngân sách, cái “phần gốc” cần giải quyết chính là cần kiểm soát chặt chẽ chi tiêu ngân sách, chi không hiệu quả, lãng phí vào các công trình, dự án… chứ không phải thông qua việc tăng thuế để tăng nguồn thu ngân sách.
Hơn nữa, nếu cứ bội chi ngân sách thì Bộ Tài chính lại tính đến việc tăng thuế để “bù vào”, thay vì tìm cách tiết kiệm, cắt giảm, kiểm soát chi tiêu, thì không khác gì dùng biện pháp tận thu người dân, nhưng lại dung dưỡng cho việc chi tiêu dễ dãi, thiếu kiểm soát…
Mới đây, để phản bác ý kiến một lãnh đạo của Bộ Tài chính và một chuyên gia kinh tế thế giới rằng, tăng thuế VAT sẽ không ảnh hưởng đến người nghèo; Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh - Đại học FulBright Việt Nam đã nói: “Trong nền kinh tế, người nghèo bao giờ cũng là những cánh chim cuối đàn. Các chuyên gia kinh tế quốc tế hay ví von, tốc độ bay của đàn chim không phải phụ thuộc vào những con chim đầu đàn khỏe nhất mà thực ra lại phụ thuộc vào chính những con chim yếu nhất ở cuối đàn...”. Và, ông lưu ý hãy cân nhắc khi tăng thuế VAT, vì chắc chắn rằng nó sẽ tác động tiêu cực đến đời sống người nghèo…
Dư luận xã hội và các chuyên gia kinh tế cho rằng, thay vì tăng thuế VAT, Nhà nước nên tìm giải pháp tối ưu bằng cách tăng cường hiệu quả quản trị nhà nước và quản trị doanh nghiệp nhà nước; xây dựng bộ máy nhà nước tinh giản, hiệu quả, tránh cồng kềnh nhằm giảm mức chi ngân sách thường xuyên hiện đang quá cao (hiện đang chiếm trên 70% chi ngân sách), tăng cường hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, chống thất thoát, lãng phí, tham ô, tham nhũng trong đầu tư công; đồng thời, ngành Thuế cần tìm giải pháp thu đúng, thu đủ thuế, chống trốn thuế. Như vậy, mục tiêu thu ngân sách tái cơ cấu ngân sách nhà nước theo hướng an toàn, bền vững, giảm nợ công sẽ đạt được như mong muốn.
Mọi tầng lớp nhân dân đang mong chờ sự cầu thị, lắng nghe của những người có trách nhiệm ở Bộ Tài chính, bởi đừng để việc tăng thuế VAT tạo ra những hệ luỵ “lợi bất cập hại”, gây ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế của đất nước và đời sống nhân dân…
Dương Đức Nhuận