Tăng cường trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm
“Tăng cường trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm” đó là chủ đề của Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2018 đang diễn trên cả nước. Ở tỉnh ta, tháng hành động này được Ban Chỉ đạo liên ngành An toàn thực phẩm tỉnh phát động từ ngày 21/4 đến ngày 20/5.
Có lẽ chưa khi nào, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm lại được người dân quan tâm và tốn nhiều giấy mực của báo chí như hiện nay. Bởi tình hình an toàn thực phẩm trên cả nước cũng như ở tỉnh ta còn diễn biến phức tạp.
Thực tế, tình trạng sử dụng chất cấm trong sản xuất, chăn nuôi, kinh doanh thực phẩm bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ diễn ra tràn lan; vấn nạn thực phẩm nhập lậu vẫn còn xảy ra nhiều; điều kiện chăn nuôi, hạ tầng chợ, cơ sở kinh doanh thực phẩm, nhất là cơ sở nhỏ lẻ chưa kiểm soát chặt chẽ về mức độ an toàn... Sức khoẻ, tính mạng của người tiêu dùng luôn bị đe doạ.
|
Bằng chứng cụ thể nhất là thời gian qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng đã đưa nhiều thông tin về các vụ việc, hành vi liên quan đến an toàn thực phẩm. Nào là tôm bơm tạp chất, tiêu trộn tạp chất cà phê nhuộm than pin; nào là sữa bột trẻ em giả, thực phẩm chức năng làm từ bột than tre...
Mỗi ngày bước chân ra chợ, các bà nội trợ luôn phải đau đầu để chọn mua đồ ăn thức uống cho gia đình khi mà nhìn đâu cũng thấy sợ vì rau quả thì có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích tăng trưởng; cá tôm thì tẩm ướp hoá chất; heo thì dùng cám tăng trọng rồi chất tạo nạc; bò thì bị bơm nước...
Rồi khi đi ăn ở nhà hàng quán xá thì lại lo ăn phải các loại thực phẩm ôi thiu, nhập lậu; các loại phụ gia, phẩm màu được dùng bằng các hoá chất trong ngành công nghiệp...
Hiểu rõ vấn đề như vậy, nhưng người tiêu dùng vẫn phải mua, sử dụng kể cả những loại thực phẩm mà không ai dám đảm bảo về mức độ an toàn. Bởi họ không biết mua thực phẩm sạch ở đâu và không thể nhận biết được đâu là thực phẩm bẩn, đâu là thực phẩm sạch để chọn lựa.
“Con đường từ dạ dày đến nghĩa địa chưa bao giờ ngắn thế” là câu ví von mà nhiều người hay nói khi hằng ngày chúng ta vẫn phải đối mặt, tiêu thụ nhiều loại thực phẩm bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, thực phẩm chứa hoá chất độc hại. Nhưng “thôi thì ăn cũng chết, không ăn cũng chết; ăn thì chết từ từ, còn không ăn thì chết ngay” nên đành tặc lưỡi phó mặc cho số phận(!)
Để giảm bớt việc phải tiêu thụ những loại thực phẩm không an toàn, nhiều người cũng cố gắng bằng cách này cách khác như tự trồng luống rau, nuôi con gà hay tìm mua những thực phẩm an toàn của người thân, bạn bè. Thế nhưng, chừng đó là chưa đủ cho nhu cầu ngày càng cao của mỗi gia đình.
Các cơ quan chức năng cũng đã có nhiều biện pháp tăng cường, siết chặt việc thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Tuy nhiên, những nỗ lực của người dân hay sự cố gắng của ngành chức năng cũng chỉ có thể góp phần hạn chế, ngăn chặn phần nào các loại thực phẩm bẩn tràn lan trên thị trường như hiện nay.
Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng một trong những nguyên nhân chính đó là ý thức chấp hành các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm của nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm kém, vì lợi nhuận mà cố tình sản xuất, kinh doanh thực phẩm không bảo đảm an toàn, làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng.
Do đó, để giúp người tiêu dùng an tâm khi sử dụng thực phẩm, bảo vệ sức khoẻ người dân thì điều cốt yếu nhất vẫn là lương tâm, trách nhiệm của những người sản xuất, kinh doanh thực phẩm; ý thức chấp hành quy định của pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm của họ.
Việc triển khai Tháng hành động vì an toàn thực phẩm là điểm nhấn trong năm nhằm kêu gọi mọi tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm nâng cao tinh thần trách nhiệm với các loại thực phẩm do mình làm, bán ra; phải tuân thủ quy định về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; không sử dụng nguyên liệu không thuộc loại dùng cho thực phẩm để chế biến thực phẩm; không bày bán nguyên liệu, thực phẩm đã quá thời hạn, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm an toàn, thực phẩm độc hại, thực hiện tốt các quy định của Nhà nước, góp phần giảm thiểu số vụ ngộ độc thực phẩm…
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm như mua bán, sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y không bảo đảm an toàn; các hành vi buôn bán, vận chuyển thực phẩm trái phép, không rõ nguồn gốc… để hạn chế vi phạm cũng như đảm bảo tính răn đe của pháp luật.
Việc tăng cường trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm và việc siết chặt quản lý không chỉ diễn ra trong tháng hành động, mà cần thực hiện suốt cả năm, cả quá trình liên tục. Có như vậy, niềm tin, sức khoẻ của người tiêu dùng mới được bảo vệ.
Thuỳ Hương