Sạch lại sợ ế!
Sức mua còn ít quá chị à, không biết tình hình có cải thiện được không chứ cứ đà này thấy khó khăn quá – chủ hàng bán thịt heo ở Cửa hàng rau an toàn tại khu vực Trung tâm thương mại tỉnh thở than là vậy.
Chả là, chị ở xã Đăk Ruồng, huyện Kon Rẫy đã mạnh dạn xây dựng mô hình chăn nuôi heo bằng các phụ phẩm nông nghiệp và xây dựng được chuỗi cung ứng thịt heo sạch khép kín từ khâu chọn giống cho tới giết mổ, tạo ra sản phẩm thịt sạch, an toàn, có nguồn gốc xuất xứ. Nhưng, dù đã giới thiệu, bán hàng 3-4 tháng nay, sức mua cũng còn yếu.
Kiểu sạch, an toàn lại sợ ế này có lẽ không phải là nỗi niềm của riêng chị mà còn của nhiều người khác. Chẳng nói đâu xa, ngay như ở các cửa hàng rau an toàn bán trên địa bàn thành phố Kon Tum, dù cửa hàng được đặt ở vị trí khá thuận lợi, đầu tư máy móc làm lạnh để giữ độ tươi ngon của rau củ… nhưng sức mua cũng không thể nào bằng hàng chục hàng rau củ được bày bán ngay bên vệ đường cạnh đó.
Đây cũng là lý do khiến những ai quan tâm đến thực phẩm sạch nhớ lại cách đây khoảng chục năm, cửa hàng bán rau an toàn trên đường Hoàng Văn Thụ ngay đoạn cổng Trung tâm thương mại tỉnh đã chết yểu sau khi khai trương mới vài ba tháng.
Vì sao sạch lại ế? Vì sao người bán và người mua chưa gặp nhau như vậy? Phải chăng đắt hàng hay ế hàng không phụ thuộc vào miếng thịt heo có sạch, bó rau có an toàn hay không mà lại bắt nguồn từ tâm lý, thói quen sử dụng của người tiêu dùng?
Trước hết phải nói đến giá thành. Lấy đơn cử từ mô hình heo được chăn nuôi hữu cơ như vừa kể ở trên. Nếu như nuôi heo theo phương pháp công nghiệp thời gian nuôi từ khi sinh đến khi xuất chuồng chỉ mất 4-4,5 tháng, thì nuôi heo theo phương pháp hữu cơ mất tới 8-9 tháng. Cũng chính vì lý do này nên giá bán loại thịt heo này khá cao, dao động từ 90.000 -120.000 đồng (tùy loại).
Rau an toàn cũng vậy, giá thành bán tại cửa hàng luôn cao gấp 1 – 2 lần so với rau cùng loại bán từ chợ.
Vậy nên, dù biết sạch, biết an toàn, dù mong muốn được mua và được sử dụng thực phẩm sạch, an toàn… nhưng vì túi tiền không thể cho phép nên không phải ai cũng có thể lựa chọn.
Sau nữa là niềm tin. Không ít người đã thẳng thắn rằng, liệu thực phẩm họ mua có sạch và an toàn thực sự hay không. Chỉ sợ, của một đống tiền nhưng độ sạch, độ an toàn lại không tương xứng.
Lo ngại đó không phải không có lý. Vì nơi này, người người bán hàng “xuất chiêu”: thịt heo đen bà con trong làng nuôi, thịt heo này nuôi truyền thống 5-6 tháng mới xuất chuồng chứ không phải loại 2 tháng đã có trọng lượng 1 tạ, rau này là của nhà tự trồng được, củ quả này không chất kích thích, không thuốc trừ sâu…
Nơi kia, vẫn còn kiểu làm ăn chụp giật, chỉ được giai đoạn đầu, dăm bữa nửa tháng sau lại trà trộn, sạch sạch – bẩn bẩn chẳng biết đâu.
Nơi nọ, nhằm qua mắt soi xét, khó tính của các bà nội trợ, của các thực khách, không ít người nông dân, tiểu thương lại tìm cách lừa gạt một chút, gian dối một chút hòng bán được nhiều hơn, kiếm được lợi nhuận cao hơn.
Ai cũng cam kết hàng mình bán đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, tóm lại là sạch, là an toàn nhất; nhưng có sạch nhất, an toàn nhất hay không chưa chắc người bán đã biết.
Vàng thau lẫn lộn, niềm tin bị tan vỡ, nên cho dù ai ai cũng lo sợ thực phẩm bẩn nhưng lại ít người đầu tư vào chất lượng bữa ăn hàng ngày, ít mua các sản phẩm sạch.
Chính sự nghi ngờ, mất niềm tin ấy đã khiến cho những người làm ăn chân chính “vạ lây”. Và nghịch lý đã xảy ra. Trong khi người làm ăn đàng hoàng lo ế, kẻ gian dối vẫn cứ sống khỏe; trong khi không ít người tiêu dùng “đỏ mắt” tìm thực phẩm sạch thì những người sản xuất ra thực phẩm sạch lại lo sợ ế.
Không chỉ bảo vệ người tiêu dùng mà còn bảo vệ cả những người nông dân, những tiểu thương làm ăn chân chính. Để làm được điều đó, cùng với việc hạ giá thành các sản phẩm sạch, an toàn thì việc lấy lại niềm tin để thay đổi thói quen của người tiêu dùng là hết sức cần thiết.
Biết rằng sẽ khó; nhưng, không vì khó mà cứ để những người làm ăn chân chính mãi thở than; để những bà nội trợ, thực khách ngày ngày phải đặt những câu hỏi: ăn gì, mua gì, mua ở đâu…
Liễu Hạnh