Quyết thắng ở “trận đánh quyết định”
Thành phố Hồ Chí Minh đang bước vào “trận đánh quyết định” với mệnh lệnh sống còn “ai ở đâu ở yên đó”. Nhiều lực lượng Y tế, Quân đội, Công an… trong cả nước cùng hội quân về Thành phố với quyết tâm ngăn chặn và dập tắt dịch Covid-19.
Mỗi buổi sáng hay khi chiều tối mở chương trình thời sự trên các đài truyền hình hay bản tin mới của Bộ Y tế trên chiếc điện thoại di động, chắc hẳn rằng trong tất cả chúng ta ai cũng phải xót xa, lo lắng khi đọc những dòng chữ về số ca bệnh Covid-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tiền Giang… tăng cao và số ca bệnh nặng, nguy kịch cũng như tử vong lên đến hàng trăm ca mỗi ngày.
Mặc dù Đảng, Nhà nước cùng các bộ, ngành, các lực lượng liên quan đã nỗ lực hết sức mình, dồn nhân lực, kinh phí, vật tư y tế… với quyết tâm cao nhất để chống dịch, nhưng tình hình dịch Covid-19 vẫn hết sức phức tạp.
Theo số liệu của Trang tin về dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 của Bộ Y tế, kể từ đầu dịch đến nay (số liệu đến ngày 27/8/2021) Việt Nam có 392.938 ca Covid-19, đứng thứ 66/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 168/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 3.997 ca nhiễm). Riêng đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 388.814 ca và số ca nhiễm cao nhất vẫn là 5 tỉnh: Thành phố Hồ Chí Minh (194.100), Bình Dương (86.050), Đồng Nai (20.471), Long An (19.495) và Tiền Giang (8.509).
|
Trước diễn biến tình hình dịch Covid-19, vào ngày 23/8, Thủ tướng Chính phủ có Công điện 1102/CĐ-TTg về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên toàn quốc. Đối với các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội, Thủ tướng yêu cầu thực hiện nghiêm Chỉ thị số 16/CT-TTg. Đối với địa phương thực hiện tăng cường giãn cách xã hội (như Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh: Bình Dương, Đồng Nai, Long An), ngoài thực hiện nghiêm các quy định của Chỉ thị số 16/CT-TTg, yêu cầu người dân không ra khỏi nhà, “ai ở đâu ở đó”, cách ly người với người, nhà với nhà, xã phường với xã phường… và phải bảo đảm các yêu cầu y tế, lương thực, thực phẩm, dịch vụ thiết yếu và trật tự an toàn xã hội cho nhân dân ngay tại xã, phường, thị trấn.
Đặc biệt, lấy xã, phường, thị trấn là “pháo đài”, người dân là “chiến sĩ”, là trung tâm phục vụ, là chủ thể phòng, chống dịch. Sự tham gia, chấp hành, tuân thủ quy định của người dân đóng vai trò quyết định thành công trong phòng, chống dịch; đây là trách nhiệm, là nghĩa vụ và quyền lợi của mỗi người dân để bảo vệ sức khỏe cho chính mình, gia đình mình và cộng đồng. Chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của nhân dân.
Cũng bởi tình hình dịch Covid-19 vô cùng phức tạp trong mấy tháng qua, nhân dân và các lực lượng tham gia chống dịch tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam trải qua một thời gian dài “oằn mình” chống dịch và đang đối diện với những khó khăn chồng chất. Các lực lượng tuyến đầu tại các địa phương nói trên đã nỗ lực hết mình nhằm giữ cho số ca nhiễm Covid-19 không tăng nhanh, giảm thiểu người tử vong, giúp dân không bị đói và giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội đang là một thách thức đặt lên vai tất cả các cơ quan của hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương. Trong khi đó, việc thực hiện giãn cách dài ngày nhưng chưa mang lại hiệu quả như mong muốn.
Trước tình hình trên, “mệnh lệnh sống còn” được đưa ra thi hành là đưa lực lượng Quân đội, Công an vào “trận đánh cuối cùng” này để phối hợp với các lực lượng khác, mở đợt “tổng tiến công” với quy mô “chiến dịch”, quyết tâm khống chế và dập tắt dịch bệnh. Bởi Quân đội nhân dân Việt Nam có truyền thống “đã ra quân là phải tất thắng”, được thực tế chứng minh qua từng giai đoạn lịch sử hào hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam từng đánh thắng mọi kẻ thù ngoại xâm, thiên tai và dịch bệnh lần này ắt cũng phải thắng. Đây chính là một chủ trương vô cùng đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta với quyết tâm và mục tiêu cao nhất để dập dịch không chỉ tại các tỉnh, thành phố đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh mà còn là quyết tâm mang tính sống còn của cả đất nước.
Những người lính Cụ Hồ vai bồng súng đứng nghiêm tại các chốt kiểm soát, với thái độ ôn tồn nhưng dứt khoát, với kỷ luật sắt của quân đội để kiểm soát chặt người, phương tiện khi ra đường không thật cần thiết. Rồi hình ảnh những anh bộ đội dù chưa rành đường đi ở Thành phố Hồ Chí Minh nhưng vẫn bằng mọi cách giao hàng đến tận tay người dân, bởi họ không phải là shipper, mà họ phải hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao bởi một quân lệnh như sơn: Vì nhân dân quên mình.
Với truyền thống “Quân dân như cá với nước”, khi những người lính Cụ Hồ tham gia chống dịch sẽ đem đến cho người dân ở Thành phố Hồ Chí Minh sự hỗ trợ kịp thời và quý giá để vượt qua thử thách chưa từng thấy trong lần đại dịch này. Khi Quân đội tham gia chống dịch, mọi người dân có quyền đặt niềm tin vào chiến thắng khi mà nhiều người dân đang phải tự lực chiến đấu với bệnh Covid-19 ngay tại nhà mình. Khi ấy, sẽ có mặt kịp thời những chiến sĩ quân y đến tận nhà để hỗ trợ điều trị bệnh. Và cũng với lực lượng hùng hậu của Quân đội, tại những “điểm nóng” các bệnh viện chữa trị Covid-19 sẽ có thêm lực lượng y tế tình nguyện về hội quân để “chia lửa”. Và hơn bao giờ hết, mệnh lệnh “ai ở đâu ở yên đó”, như một mệnh lệnh sống còn thời chiến, sẽ được thực hiện triệt để với kỷ luật cao nhất để các cơ quan y tế có thể thiết lập các “phòng tuyến” y tế vững chắc hơn để triển khai các giải pháp kiểm soát dịch hiệu quả hơn.
Cùng hướng về miền Nam thân yêu, những tháng ngày qua chính quyền và nhân dân tại tỉnh ta cũng như nhiều địa phương trong cả nước đều chung tay “chia lửa” cho đồng bào các tỉnh, thành phố phía nam đang ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19. Ngoài nỗ lực kiểm soát chặt chẽ người, phương tiện ra vào địa phận tỉnh nhằm kịp thời phát hiện và cách ly người đi về từ các vùng dịch, không để dịch Covid-19 lây nhiễm trong cộng đồng; hỗ trợ tối đa cho người dân từ Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam về Kon Tum, nhân dân và cán bộ, công nhân, công chức, viên chức, người lao động khắp các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đã phát huy tinh thần tương thân, tương ái, đồng lòng ủng hộ hàng chục tấn rau, củ, quả cùng nhiều nhu yếu phẩm khác cho đồng bào miền Nam ruột thịt. Và những con số hỗ trợ cho miền Nam với những chuyến hàng 0 đồng vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại bởi dịch bệnh vẫn đang hoành hành, bởi người dân miền Nam vẫn đang từng ngày đối mặt với bao khó khăn chồng chất.
Cùng với sự sẻ chia của đồng bào cả nước, sự phối kết hợp của Quân đội cùng với các lực lượng khác dồn sức cho “trận đánh” cuối cùng, mọi người con đất Việt tin chắc rằng, với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết của đồng bào cả nước, “chiến dịch tổng tiến công” vào đại dịch sẽ tất thắng.
Dương Đức Nhuận