Quyết tâm cải thiện chỉ số hành chính và năng lực cạnh tranh
Tại Kỳ họp HĐND tỉnh lần thứ 4, khóa XII vừa diễn ra (từ 7-9/12), một trong những vấn đề đã làm “nóng” nghị trường là việc làm thế nào để nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh, hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh. Với quyết tâm tạo chuyển biến rõ nét hơn nữa về vấn đề này, tỉnh đã đề ra những chương trình, giải pháp thiết thực, cụ thể.
Xác định cải cách hành chính là nhiệm vụ quan trọng để thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua, tỉnh ta nỗ lực đẩy mạnh cải cách nền hành chính theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, tăng cường cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chỉ số hài lòng của người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, kết quả lại chưa được như mong đợi khi các chỉ số: Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), Cải cách hành chính (PAR INDEX) và Hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) của tỉnh vẫn xếp ở nhóm thấp trong cả nước.
Theo kết quả xếp loại 4 chỉ số năm 2021, chỉ số PCI của tỉnh ta đạt 58,95 điểm, đứng thứ 61/63 tỉnh, thành cả nước (giảm 5 bậc so với năm 2020). Chỉ số PAPI đạt 39,89/80 điểm, xếp thứ 54/60 tỉnh/thành (giảm 5 bậc so với năm 2020); chỉ số PAR INDEX đạt 82,45 điểm, xếp thứ 59/63 tỉnh/thành (giảm 10 bậc so với năm 2020); chỉ số SIPAS đạt 86,13 % và đứng thứ 44/63 tỉnh/thành (giảm 21 bậc so với năm 2020).
Băn khoăn, lo lắng về vấn đề này, tại Kỳ họp HĐND tỉnh lần thứ 4, nhiều đại biểu đã tham gia thảo luận, đặt câu hỏi về nguyên nhân, trách nhiệm khiến các chỉ số cấp tỉnh luôn ở thứ hạng thấp.
|
Trước “truy vấn” của các đại biểu HĐND tỉnh, tại Phiên chất vấn và trả lời chất vấn, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Sâm đã thẳng thắn nêu ra những tồn tại, hạn chế và nỗ lực của tỉnh trong thời gian gần đây.
Về khách quan, thời gian qua, đặc biệt năm 2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 làm hạn chế các doanh nghiệp nước ngoài tới tỉnh nghiên cứu đầu tư, kinh doanh; tỉnh cũng không tổ chức được các hội nghị, chương trình gặp mặt, đối thoại doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Bên cạnh đó, một số văn bản hướng dẫn về Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Tài sản công… có những điểm còn có nhiều cách hiểu khác nhau gây khó khăn cho quá trình tiếp nhận, xử lý, giải quyết các thủ tục hành chính.
Tuy nhiên, nguyên nhân chủ quan vẫn là yếu tố hàng đầu. Đó là một số cơ quan, đơn vị chưa làm tốt công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, cán bộ ở một số đơn vị chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm trong hoạt động công vụ, có tư tưởng đùn đẩy trách nhiệm, chưa có tinh thần hỗ trợ doanh nghiệp; việc phối hợp giữa các cơ quan quản lý chưa đồng bộ. Tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho doanh nghiệp vẫn còn xảy ra, nhất là trong lĩnh vực cấp giấy phép kinh doanh có điều kiện như thanh tra, kiểm tra môi trường, thuế, xây dựng, đấu thầu.
Nhận thấy được những yếu kém đó, trong năm 2022, UBND tỉnh đã tổ chức 200 cuộc họp để bàn tháo gỡ khó khăn liên quan đến lĩnh vực đất đai, đầu tư, quy hoạch, tài sản công. Tổ chức 15 đoàn làm việc với bộ, ngành để tham vấn ý kiến; ban hành 7 văn bản quy phạm pháp luật và làm việc với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam để được hướng dẫn, giúp đỡ tỉnh.
UBND tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính tỉnh Kon Tum và đã tiến hành kiểm tra đột xuất 58 cơ quan, đơn vị, qua đó, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, khắc phục các hạn chế, yếu kém, xử lý các cán bộ, công chức vi phạm kỷ luật, kỷ cương hành chính. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh việc cung cấp, sử dụng Dịch vụ công trực tuyến phục vụ tổ chức, cá nhân giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn. Đến nay, đã có 1.339 dịch vụ công trực tuyến được cập nhật, cung cấp trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh; trong đó, có 169 dịch vụ công mức độ 3 và 1.170 dịch vụ công mức độ 4 và 426 dịch vụ công trực tuyến mức độ 2. Cung cấp, tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia 1.174 dịch vụ công trực tuyến, đạt tỷ lệ 66,44%...
Tích cực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tổ chức các chương trình đối thoại, cà phê nghiệp-doanh nhân để lắng nghe, chia sẻ và tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Chủ động tiếp xúc, kêu gọi, làm việc với nhà đầu tư nên năm 2022, tỉnh thu hút được 19 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký gần 1.655,6 tỷ đồng. Ngoài ra, một số nhà đầu tư có tiềm lực cũng đã đến khảo sát và tìm kiếm cơ hội đầu tư như Tập đoàn Sun Group, Nutifood, Hùng Nhơn...
Theo tinh thần Nghị quyết số 11-NQ/TU (ngày 16/5/2022) của Tỉnh ủy, tỉnh ta đặt ra mục tiêu đến năm 2025, chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh thuộc nhóm khá của cả nước; chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công, chỉ số Cải cách hành chính của tỉnh thuộc nhóm 30/63 tỉnh, thành phố; mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về giải quyết thủ tục hành chính đạt 90%. Riêng trong năm 2023, tỉnh ta đề ra mục tiêu nâng các chỉ số này lên 5 bậc so với năm 2022.
Để thúc đẩy việc thực hiện nhiệm vụ này, tại Kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết về hoạt động chất vấn với 2 nội dung, trong đó, có nội dung về giải pháp nâng cao 4 chỉ số cấp tỉnh (PCI, PAPI, PAR INDEX,SIPAS).
Ngay sau đó, ngày 12/12/2022, UBND tỉnh Kon Tum đã ban hành Kế hoạch số 4212/KH-UBND về thực hiện công tác cải cách hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh Kon Tum năm 2023 giao trách nhiệm cho từng sở, ngành, địa phương và đề ra những giải pháp thực hiện cụ thể. Mục tiêu là tiếp tục nâng cao chất lượng cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chất lượng thực thi chính sách, pháp luật; xây dựng nền hành chính dân chủ, hiện đại, chuyên nghiệp, kỷ cương, minh bạch.
Để đạt được 4 chỉ số cấp tỉnh về cả điểm số và xếp hạng cao trong điều kiện kinh tế-xã hội của tỉnh ta còn nhiều khó khăn là thách thức không nhỏ. Điều này, đòi hỏi sự vào cuộc tích cực và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, chứ không riêng một ngành hay lĩnh vực nào.
Thùy Hương