Quyết liệt chống dịch song hành với phát triển kinh tế - xã hội
Từ cuối tháng 7 đến nay, dịch Covid-19 bùng phát ở nhiều địa phương trong nước và có những diễn biến phức tạp, khó lường. Cũng như với cả nước, Kon Tum lại bước vào một cuộc chiến mới khó khăn hơn. Trong “chiến dịch” lần này, cùng với nhiệm vụ chống dịch, mục tiêu đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội được đặt song hành với tinh thần không để dịch bệnh làm đình trệ các hoạt động kinh tế - xã hội.
Sau 99 ngày không có ca bệnh trong cộng đồng, ngày 25/7, nước ta ghi nhận ca nhiễm Covid-19 mới trong cộng đồng tại Đà Nẵng. Ngay sau đó, hàng loạt ca dương tính với SARS-CoV-2 được phát hiện ở Đà Nẵng và nhiều nơi. Tiếc nuối có lẽ là cảm giác của hầu hết mọi người dân bởi trong suốt thời gian dài với những biện pháp hiệu quả, hành động quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, nước ta đã kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19. Cuộc sống bước đầu thiết lập trạng thái bình thường mới, các hoạt động sản xuất, kinh doanh, du lịch từng bước được phục hồi. Nhưng việc xuất hiện các ca bệnh mới làm cả nước phải bước vào giai đoạn 2 của cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19 với nhiều diễn biến phức tạp, khó khăn hơn rất nhiều.
Trong bối cảnh này, Chính phủ tập trung chỉ đạo phòng, chống dịch một cách bình tĩnh, lạc quan và quyết tâm cao, khoanh vùng dập dịch kịp thời với biện pháp mạnh. Đặc biệt, trong đợt dịch này, quan điểm của Chính phủ là chỉ phong tỏa nơi tâm dịch, giãn cách xã hội ở vùng dịch, phân loại và kiểm soát phòng chống dịch, để các hoạt động kinh tế - xã hội diễn ra bình thường. Điều này nhằm thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
|
Tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 diễn ra ngày 2/8, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ: “Chúng ta không được chủ quan, lơ là, lỏng lẻo để dịch bệnh tràn lan, bùng phát, mất kiểm soát. Cần tính toán rất chặt chẽ trước khi quyết định giãn cách xã hội với phạm vi và quy mô hợp lý. Không được tuyên bố giãn cách xã hội mà chưa tính toán phương án phù hợp, đặc biệt là khi chưa có ổ dịch, dẫn đến bế tắc các hoạt động kinh tế - xã hội”.
Người đứng đầu Chính phủ một lần nữa nhấn mạnh tinh thần phải bảo vệ sức khỏe nhân dân, nhưng không để đứt gãy kinh tế, làm sao vừa chống dịch, vừa đảm bảo mọi hoạt động kinh tế - xã hội cần thiết.
Với tinh thần ấy, dù các nguồn lây lan trong cộng đồng vẫn chưa được kiểm soát, nhưng ngoài tâm dịch Đà Nẵng là thực hiện nghiêm ngặt Chỉ thị 16/ CT-TTg (ngày 31/3/2020) của Thủ tướng Chính phủ về “các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19” thì cũng chỉ có một số địa phương áp dụng hình thức cách ly xã hội ở phạm vi hẹp. Chủ yếu là dừng các hoạt động tập trung đông người không cần thiết, những dịch vụ không thiết yếu; yêu cầu người dân đeo khẩu trang nơi công cộng, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng diệt khuẩn, hướng dẫn cách ly tại nhà đối với một số người có nguy cơ nhiễm bệnh.
Vì thế, ở những nơi không có ổ dịch Covid -19, các hoạt động kinh tế - xã hội vẫn diễn ra bình thường trong điều kiện đảm bảo an toàn phòng, chống dịch. Điển hình là việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT vốn đã được đưa ra bàn bạc, thảo luận tại nhiều hội nghị, cuộc họp và nhiều luồng ý kiến lại tỏ ra băn khoăn, lo lắng về tính khả thi trong thực hiện. Thế nhưng với quyết tâm và bằng những giải pháp linh hoạt, phù hợp của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, nhất là của ngành Giáo dục và Đào tạo, kỳ thi vẫn diễn ra đúng kế hoạch (ngoại trừ các địa phương có nguy cơ cao sẽ tổ chức thi đợt 2). Các biện pháp đảm bảo an toàn sức khỏe được tính toán kỹ lưỡng, đồng thời, vẫn đảm bảo tính nghiêm túc, trung thực, minh bạch của kỳ thi. Điều đó, cho thấy nỗ lực duy trì các hoạt động kinh tế - xã hội diễn ra bình thường của Chính phủ và các địa phương.
Tại tỉnh ta, ngay khi có thông tin về các ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng tại Đà Nẵng, Quảng Nam, các biện pháp phòng, chống dịch được Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện với tinh thần trách nhiệm cao nhất, tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác nhưng cũng không quá hoang mang. Các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 được tái khởi động nhằm kiểm soát hiệu quả tình hình dịch bệnh, song hành với việc tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội.
Đối với tỉnh ta, đợt dịch Covid-19 này có thể nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào địa bàn là rất cao. Bởi, việc giao lưu đi lại giữa tỉnh ta với thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam thuận lợi qua đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 24. Tuy nhiên, các biện pháp giãn cách xã hội vẫn được UBND tỉnh chỉ đạo triển khai, các ngành, các địa phương thực hiện với mức độ vừa phải như: Không tập trung quá 30 người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; giữ khoảng cách tối thiểu 1m khi tiếp xúc; tạm dừng các hoạt động lễ hội, nghi lễ tôn giáo, giải đấu thể thao, sự kiện có tập trung đông người tại nơi công cộng, sân vận động và các sự kiện lớn chưa cần thiết và các cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu.
Các cơ sở kinh doanh thương mại dịch vụ bình thường; khu tập luyện thể thao, khu di tích, danh lam thắng cảnh được hoạt động; nhà máy, cơ sở sản xuất tiếp tục hoạt động và phải thực hiện đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch Covid-19.
Trong thông báo số 2146/TB-VP (ngày 3/8/2020) của Văn phòng UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Hòa tiếp tục yêu cầu người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương phải chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh song song với việc phát triển kinh tế - xã hội; trong đó ưu tiên phòng, chống dịch Covid-19 và huy động sự chung tay, vào cuộc của cả hệ thống chính trị và cộng đồng.
Quan điểm chỉ đạo, phương hướng hành động, giải pháp thực hiện trên của Chính phủ cũng như các cấp, các ngành của tỉnh ta đã khẳng định quyết tâm chống dịch nhưng luôn đặt trong tổng thể nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng. Với những kinh nghiệm chống dịch và thành quả trong giai đoạn trước, người dân hy vọng và tin tưởng vào thắng lợi của chiến dịch này.
Thùy Hương