Quốc hội biểu quyết thông qua Luật An ninh mạng: Góp phần bảo vệ an ninh quốc gia và môi trường mạng lành mạnh
Luật An ninh mạng đã chính thức được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 12/6 vừa qua với 423/466 đại biểu Quốc hội có mặt tán thành. Đây được xem là bước đột phá về cơ sở pháp lý trong vấn đề an ninh mạng của nước ta.
Luật An ninh mạng quy định cụ thể về hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trên không gian mạng và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Trước khi ban hành dự luật, trên cơ sở trưng cầu ý kiến rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân, các nhà nghiên cứu đã tiếp thu ý kiến từ nhiều nguồn khác nhau từ các tổ chức, doanh nghiệp, chuyên gia để đảm bảo tính chặt chẽ và thống nhất với các luật khác.
Luật An ninh mạng gồm 7 Chương, 43 Điều, là cơ sở pháp lý quan trọng, giúp lực lượng chuyên trách xử lý những nguy cơ, thách thức từ không gian mạng một cách kịp thời và hiệu quả; đồng thời kiểm soát hoạt động này không để xảy ra lạm quyền.
Luật An ninh mạng được các nhà làm luật cho là rất tiến bộ. Song trong thời gian qua, không ít các luận điệu của các đối tượng xấu, phản động vì chưa hiểu, chưa đọc kỹ nên đã liên tục tung tin đồn thất thiệt, xuyên tạc bóp méo sự thật, làm nhiễu loạn thông tin khiến nhiều người hiểu sai về mục đích của Luật An ninh mạng.
Xét về góc độ pháp lý, trước khi trình lên Quốc hội, dự thảo luật này đã được xem xét kỹ lưỡng, đồng thời soi xét dưới nhiều góc độ, nhiều khía cạnh và phục vụ cho mục đích lớn nhất chính là đảm bảo an ninh quốc phòng, giữ gìn an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.
Quá trình xây dựng, tiếp thu ý kiến, chỉnh lý và giải trình, dự thảo luật đã có những sửa đổi, bổ sung phù hợp với tình hình thực tiễn hoạt động của các cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp Việt Nam trên không gian mạng, đảm bảo phù hợp với các thông lệ quốc tế.
Trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin, vấn đề an ninh mạng không chỉ là mối lo riêng lẻ của mỗi quốc gia, mà nó đã thật sự trở thành mối quan tâm toàn cầu.
Ở nước ta, mỗi năm có hàng nghìn cuộc tấn công mạng nhằm vào các hệ thống thông tin của các cơ quan chức năng cũng như của quốc gia. Bên cạnh đó, những diễn biến phức tạp, khó kiểm soát trên không gian mạng và hậu quả để lại không hề nhỏ đối với xã hội đã đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với công tác bảo vệ an ninh quốc gia và đảm bảo trật tự an toàn xã hội.
Báo cáo của Cục An ninh mạng (Bộ Công an) cho thấy, Việt Nam là quốc gia bị tấn công mạng nhiều nhất trong khu vực. Theo báo cáo của Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam, chỉ riêng trong năm 2017, các hệ thống thông tin tại Việt Nam đã phải hứng chịu khoảng 15.000 cuộc tấn công mạng, gồm khoảng 3.000 cuộc tấn công lừa đảo, 6.500 cuộc tấn công cài phần mềm độc hại và 4.500 cuộc tấn công thay đổi giao diện…
Đó là chưa kể mạng Internet thường xuyên bị lợi dụng để tuyên truyền, xuyên tạc, kích động các hoạt động chống phá Nhà nước, xúc phạm nhân phẩm cá nhân, bịa đặt thông tin gây hại về kinh tế, tài chính…
Trước thực tiễn trên, việc ban hành Luật An ninh mạng là nhiệm vụ cấp bách làm cơ sở pháp lý để đấu tranh, ngăn chặn và xử lý những hành vi vi phạm pháp luật trên lĩnh vực này.
Tiến bộ của Luật An ninh mạng phải kể đến đó là việc đảm bảo các hoạt động không gian mạng không gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân.
Những nội dung trên chính là những điểm mới và cũng là lần đầu tiên được đề cập trong Luật An ninh mạng, thể hiện quan điểm của Nhà nước ta trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân gắn liền với an ninh quốc gia.
Vấn đề mà xã hội quan tâm nhất chính là Luật An ninh mạng tạo mọi điều kiện cho người sử dụng không gian mạng ở bất cứ loại hình dịch vụ nào trên không gian mạng, trao đổi hoạt động kinh doanh…miễn là không vi phạm các điều cấm của luật này và không vi phạm pháp luật.
Có thể khẳng định, Luật An ninh mạng không có bất cứ rào cản nào cho mọi doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khi tham gia các hoạt động không gian mạng- như các luận điệu phản động đã xuyên tạc, tung tin đồn thất thiệt.
Do vậy, người dân cần hết sức cảnh giác, không tin và nghe theo những tin đồn thất thiệt. Hãy là một cư dân mạng chân chính và cùng xây dựng cộng đồng mạng trong sạch…
Dương Đức Nhuận