Phòng hơn chống
Lâu nay, ai cũng cho rằng để đối phó với thiên tai thì việc “phòng hơn chống”, nhưng liệu chúng đã thực sự xem trọng khâu “phòng” chưa, hay vẫn đang nặng về khâu “chống”? Đã đến lúc các cấp chính quyền địa phương, ngành chức năng và cả người dân cần thực hiện tốt hơn khâu phòng ngừa hiểm họa của thiên tai. Có như vậy chúng ta mới bảo vệ an toàn các công trình, tính mạng và tài sản của nhân dân khỏi sự cuồng nộ của thiên nhiên mỗi khi mùa mưa bão về ...
Câu chuyện giữa rừng với anh công nhân cầu đường ở thôn 9, xã Ia Tơi (huyện Ia H’Drai) cứ ám ảnh tôi mãi đến bây giờ. Anh đang cùng với nhiều người khác nỗ lực “vá” đoạn Tỉnh lộ 675A bị lũ quét cuối trôi hoàn toàn trong đêm.
“May mà mấy hôm nay mưa lớn, anh em không ở lại trong lán, nếu không cũng bị cuốn trôi rồi. Mấy ông kỹ sư cũng cần xem có biện pháp gì để phòng ngừa hay không, chứ vá kiểu này, chỉ vài cơn mưa là đi tong. Mà ở vùng này thời tiết thay đổi quá, đã mưa là như trút nước, mấy năm trước đây làm gì có” - anh nhấm nhẳng nói.
Theo Chỉ số rủi ro thiên tai toàn cầu 2018, Việt Nam là 1 trong 10 nước phải chịu tác động nhiều nhất của các sự kiện thời tiết cực đoan gây tổn thất. Báo cáo về đóng góp quốc gia tự nguyện để ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam nhấn mạnh rằng, thiệt hại do thiên tai vào năm 2030 có thể lên tới 3-5% GDP.
Kế hoạch Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn mới được UBND tỉnh ban hành (kèm theo Quyết định số 503/QĐ-UBND ngày 17/5/2019) cũng đưa ra nhận định, diễn biến thiên tai trên địa bàn tỉnh ngày càng diễn biến phức tạp, diễn biến bất thường với nhiều loại hình thời tiết cực đoan hơn, như mưa lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, lốc xoáy, hạn hán..., ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sản xuất, sinh hoạt, tính mạng của người dân; gây mất an toàn cho các công trình hạ tầng...
Vì vậy, việc đảm bảo khả năng chống chịu trước thiên tai do biến đổi khí hậu gây ra không phải là cách nói hoa mỹ mà thực sự là nhiệm vụ của từng hộ gia đình, doanh nghiệp và chính quyền các cấp.
Các chuyên gia trong nước và quốc tế khuyến cáo rằng, phòng chống thiên tai cần được thực hiện theo hướng quản lý rủi ro. Muốn giảm thiểu thiệt hại của thiên tai thì phải lấy phòng ngừa là chính; xác định phòng hơn chống để đầu tư thỏa đáng cho phòng ngừa, chứ không chỉ ứng phó, khắc phục.
Nhưng thế nào là phòng hơn chống?
Tôi tin chắc rằng, bất cứ cán bộ nào cũng thuộc nằm lòng câu “công tác phòng chống thiên tai lấy phòng ngừa là chính, chủ động ứng phó phù hợp”. Nhưng liệu chúng ta đã thực sự xem trọng khâu “phòng” chưa, hay vẫn nặng về khâu “chống” hơn?...
Tôi tìm được câu trả lời trong chuyến đi đến một địa phương mà người dân phải sống chung với lũ quét, sạt lở đất.
“Hiện nay, việc chúng tôi ưu tiên là khắc phục hậu quả các vụ sạt lở; rà soát, di dời các hộ dân trong vùng có nguy cơ sạt lở cao đến nơi an toàn; chủ động chuẩn bị các nhu yếu phẩm cần thiết để hỗ trợ người dân... Cố gắng không để xảy ra thiệt hại về người và giảm thiểu thiệt hại về tài sản” - một cán bộ trong Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão của địa phương này nói.
Như vậy, điều hiển nhiên là chúng ta đang lấy “chống” làm chính. Còn chuyện làm thế nào để ngăn chặn sạt lở, hạn chế lũ quét - nghĩa là phòng - thì chưa được quan tâm đúng mức.
Một vấn đề đặt ra là, công tác phòng chống thiên tai hiện nay chủ yếu do Nhà nước thực hiện, thông qua việc đầu tư ngân sách cho các địa phương để xây dựng, tu bổ đê kè và hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai. Do vậy, hiện tượng chủ quan vẫn còn xảy ra, các biện pháp phòng ngừa cần thiết chưa được thực hiện triệt để, làm gia tăng rủi ro khi thiên tai, đồng thời gây khó khăn cho công tác ứng phó kịp thời, hiệu quả.
Trên thực tế, nỗ lực tăng cường hỗ trợ và nâng cao hiệu quả hỗ trợ cho đối tượng dễ tổn thương là chưa đủ, vấn đề mang tính chiến lược là thay đổi cách tiếp cận với thiên tai, từ ứng phó khẩn cấp, giảm nhẹ rủi ro thông qua tăng cường khả năng chống chịu đến chủ động phòng ngừa.
|
Để thực hiện được sự thay đổi này đòi hỏi nội dung phòng, chống thiên tai phải được đưa vào kế hoạch, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các cấp, các ngành. Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực phòng chống thiên tai theo hình thức đối tác công - tư bằng các chính sách, cơ chế phù hợp; kết hợp giữa khôi phục và nâng cấp sau thiên tai với yêu cầu xây dựng lại tốt hơn. Đầu tư xây dựng công trình phòng, chống thiên tai phải kết hợp đa mục tiêu; đặc biệt quan tâm đến vấn đề an toàn hồ đập, quy trình liên hồ, xả lũ.
Cùng với đó là tăng cường nhận thức của chính quyền các cấp trong chủ động phòng, chống thiên tai. Chính quyền địa phương cần được nâng cao năng lực chỉ đạo, điều hành; chủ động đánh giá trước rủi ro thiên tai để xây dựng kế hoạch, phương án tổ chức diễn tập, huấn luyện thuần thục, sẵn sàng triển khai khi xảy ra thiên tai; làm tốt việc lồng ghép phòng ngừa thiên tai vào kế hoạch, quy hoạch, phát triển cơ sở hạ tầng...
Một vấn đề đáng quan tâm nữa là tăng cường vai trò của truyền thông về rủi ro và ứng phó với thiên tai cho người dân. Nghĩa là chính quyền cần tăng thêm quyền cho người dân bằng cách cung cấp thông tin mà người dân cần, để họ hiểu rõ hơn về tác động của thiên tai đối với bản thân mình; trong đó đảm bảo người dân có thể tiếp cận thông tin chính xác, rõ ràng, từ đó có thể tự bảo vệ mình tránh khỏi thiên tai...
Trong chuyến công tác gần đây, chúng tôi có đi thực tế tại một con suối nhỏ, chảy len lỏi sau những ngôi nhà ở thôn 3, thị trấn Sa Thầy (huyện Sa Thầy). Những cơn mưa đầu mùa vẫn chưa đủ làm cho dòng chảy khá hơn. Vẫn bé như sợi chỉ, trơ đáy.
“Đừng nhìn thấy dáng vẻ nhỏ bé, hiền lành của nó bây giờ mà nhầm - người đàn ông nhỏ thó, đen đúa đang nhổ cỏ trên mấy luống rau nói - Vào mùa mưa, nó hung dữ lắm, nước ngập bờ, chảy xiết, gây sạt lở đất vườn. Đó, những vết nứt chạy dọc kia xuất hiện vào mùa mưa năm ngoái, mai mốt không biết sẽ bị lở lúc nào, có khi đang đêm lũ về, nghe ầm một cái, sáng mai dậy đã không thấy đâu nữa”.
Tôi chụp ảnh những luống rau xanh mơn mởn nằm sát mấy vết nứt; những giàn dưa leo nở mấy chùm hoa vàng như đốm nắng vươn ra mép suối. Rồi nhận ra rằng chúng cũng thật đẹp.
Nhưng rất có thể, chỉ một cơn mưa lớn, nước lũ sẽ ào tới cuốn phăng tất cả - chủ vườn càu nhàu - kể cả cái bếp kia nữa. Anh nhứ nhứ tay về gian nhà lụp xụp, mái tôn vách gỗ ở góc vườn.
Sao anh không di dời đi? Tôi hỏi. Cứ từ từ, khi nào bờ suối sạt lở vào đến nơi rồi hẵng hay - chủ vườn đủng đỉnh.
Ở tuyến Tỉnh lộ 674, khi những mảng lớn đất, đá, bùn từ trên núi trượt xuống lấp kín đường, nhưng vài ngôi nhà nằm chênh vênh bên mép đồi vẫn kiên quyết “bám trụ”. Chủ nhà chỉ chịu di dời khi chính quyền đưa lực lượng xuống “mời” đi để đảm bảo an toàn.
Và suốt mùa mưa lũ 2018, chúng tôi in dấu chân trên khắp các khu vực thường xuyên xảy ra sạt lở, ở Sa Thầy, Tu Mơ Rông, và đôi khi khóc dở mếu dở vì sự chủ quan của người dân như vậy.
Mùa mưa đã tới với những dự báo không mấy lạc quan về diễn biến của nó. Bởi vậy, châm ngôn “Phòng còn hơn chống” luôn cần được “học thuộc” và áp dụng hiệu quả.
Thành Hưng