Phòng chống bão lũ: Không thể lơ là, chủ quan
Những ngày qua, các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên đang phải gồng mình ứng phó với bão lũ, khắc phục hậu quả thiên tai. Điều này cho thấy vấn đề phòng chống bão lũ và tinh thần chủ động ứng phó với thiên tai tiếp tục được đặt ra cấp thiết hơn bao giờ hết.
Gần nửa tháng nay, trên các phương tiện thông tin đại chúng những thông tin về tình hình bão lũ, thiệt hại do lũ lụt gây ra ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên liên tục được cập nhật và nhận được sự quan tâm của toàn xã hội.
Mưa bão dồn dập, tất cả hệ thống chính trị đã vào cuộc và dồn sức chống chọi với bão lũ, thiên tai. Thủ tướng Chính phủ liên tiếp ban hành công điện yêu cầu các cơ quan khẩn trương tập trung chỉ đạo các lực lượng, phương tiện cần thiết, phù hợp để tổ chức tìm kiếm, cứu nạn kịp thời các nạn nhân bị vùi lấp; khẩn trương khắc phục sự cố; rà soát, kiểm tra công tác bảo đảm an toàn hồ đập thủy điện, thủy lợi... Các ngành, địa phương khẩn trương, quyết liệt triển khai các phương án, giải pháp ứng phó với tinh thần tập trung cao nhất, bằng các giải pháp hiệu quả nhất nhằm giảm thiểu thấp nhất thiệt hại về tính mạng, tài sản của người dân.
|
Thế nhưng, trước diễn biến phức tạp của thời tiết nên tổn thất do thiên tai gây ra đối với các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên vẫn rất nặng nề. Đến hết ngày 14/10, mưa bão làm 44 người chết, 6 người mất tích; 136. 316 nhà dân bị sập đổ, hư hỏng, ngập nước, hàng trăm công trình hạ tầng cơ sở bị hư hỏng, hàng ngàn héc ta cây trồng và nhiều tài sản có giá trị cũng đã bị chìm hoặc bị cuốn theo dòng nước…Những thống kê thiệt hại về người vẫn cứ liên tiếp gia tăng và chưa thể đo đếm hết được.
Ở tỉnh ta, tuy không bị ảnh hưởng nặng nề như một số tỉnh miền Trung, nhưng mưa lũ cũng đã làm 2 người chết, hàng trăm héc ta cây trồng của người dân bị lũ lụt cuốn trôi; nhiều tuyến giao thông, hệ thống lưới điện tại huyện Tu Mơ Rông, thành phố Kon Tum, Kon Plông, Đăk Glei…cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Bão nối bão, lũ chồng lũ, khó khăn vẫn bủa vây, chồng chất lên các tỉnh miền Trung.
Bão lũ đi qua, khó khăn để lại. Sau mưa bão, lũ lụt, các ngành, địa phương và người dân lại tiếp tục đối mặt với nhiều vấn đề, đó là tiếp tục tìm kiếm những người mất tích, khôi phục lại đường sá, dọn dẹp vệ sinh môi trường và từng bước ổn định lại cuộc sống…
Không thể phủ nhận công tác phòng chống thiên tai tại các địa phương đã phát huy hiệu quả giảm thiểu thiệt hại, nhưng thực tế vẫn phải thừa nhận việc triển khai phòng chống thiên tai vẫn còn những bất cập, hạn chế. Một số địa phương chưa chủ động, quyết liệt trong công tác chỉ đạo, có chỗ, có nơi còn lúng túng, bị động. Việc xây dựng và triển khai thực hiện các phương án, kịch bản ứng phó có nơi còn chưa sát với thực tế và không kịp thời. Công tác cảnh báo thiên tai, bão lũ chưa đến đến tận vùng sâu vùng xa và mọi người dân. Đặc biệt, một bộ phận người dân vẫn còn chủ quan, chưa chủ động và tích cực trong phòng chống thiên tai dẫn đến những thiệt hại không đáng có.
Kinh nghiệm phòng chống thiên tai cho thấy, cẩn thận bao nhiêu vẫn thiếu, chỉ một chút chủ quan, lơ là cũng sẽ dẫn đến những hậu quả khó lường.
Mùa mưa bão vẫn đang tiếp diễn, đặc biệt, thời điểm này, tình hình mưa bão, lũ lụt vẫn rất phức tạp. Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền các địa phương cũng như tỉnh ta đang nỗ lực hết mức để khắc phục hậu quả đợt mưa lũ và chủ động ứng phó để giảm thiểu thiệt hại. Không được chủ quan lơ là, thực hiện nghiêm phương châm “4 tại chỗ” và đặt sự an toàn, tính mạng của người dân lên trên hết…đó là những chỉ đạo liên tục được Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và UBND tỉnh quán triệt, nhắc nhở khi mỗi lần bão lũ đổ bộ.
Những diễn biến khó lường của thời tiết, bão lũ ngày càng đặt ra nhiều thách thức đối với công tác phòng, chống thiên tai. Để giảm nhẹ những thiệt hại do thiên tai gây ra, việc nâng cao tinh thần cảnh giác, chủ động phòng tránh, lấy phòng ngừa là chính có thể coi là giải pháp quan trọng và hiệu quả nhất.
Thùy Hương