Phòng cháy, chữa cháy - trách nhiệm của toàn xã hội
Cháy nổ là hiểm họa đối với cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp. Bởi vậy, nhằm nâng cao ý thức, năng lực phòng cháy, chữa cháy, giảm thiểu thiệt hại do cháy nổ gây ra, rất cần sự chung tay góp sức của toàn xã hội.
Có thể nói, cháy nổ là một trong những tai nạn kinh hoàng nhất, mối hiểm họa để lại hậu quả nặng nề nhất, thương tâm nhất cho mọi người, mọi nhà và toàn xã hội. Bởi, vì để xảy ra cháy nổ, nhiều gia đình phải hứng chịu nỗi đau mất mát về người thân và tài sản mà hệ lụy của nó về sau khó lòng khắc phục. Cũng vì cháy nổ, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh đang trên đà làm ăn phát triển, bỗng chốc trắng tay…
Thực tế cho thấy số vụ cháy xảy ra trên nhiều địa phương trong cả nước diễn biến phức tạp, gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản. Một phần nguyên nhân dẫn đến các vụ cháy nổ ngày càng gia tăng chính là do ý thức trong công tác PCCC còn nhiều hạn chế và bất cập.
Từ các vụ cháy xảy ra mà cơ quan chức năng đã xác định, kết luận có thể thấy công tác PCCC trong thời gian qua ở một số gia đình, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, địa phương chưa thực sự được quan tâm, đầu tư đúng mức. Đó chính là các điều kiện, phương tiện để đảm bảo cho yêu cầu công tác PCCC chưa đáp ứng yêu cầu đối với phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương cũng như quy mô phát triển sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.
|
Đặc biệt, việc triển khai, xây dựng và duy trì hoạt động của lực lượng PCCC tại chỗ, nhất là tại các khu dân cư còn khó khăn, thiếu kinh phí hoạt động. Do vậy, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động PCCC. Bên cạnh đó, việc chấp hành pháp luật PCCC của một bộ phận dân cư, người đứng đầu một số cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp chưa thực sự nghiêm túc; còn chủ quan, lơ là, thiếu cảnh giác, xem nhẹ việc tổ chức thực hiện các biện pháp PCCC ở gia đình, cơ quan, đơn vị mình nên để xảy ra cháy hoặc không đủ lực lượng, phương tiện kịp thời dập tắt đám cháy... dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng.
Vậy, làm thế nào để giảm thiểu các vụ cháy và hạn chế thấp nhất hậu quả thiệt hại xảy ra khi cháy là một trong những vấn đề quan tâm hàng đầu của các địa phương, các cấp, ngành.
Trước tiên phải xác định “phòng cháy hơn chữa cháy”, bởi vậy, bên cạnh việc chủ động chuẩn bị lực lượng, phương tiện tại chỗ để phát huy hiệu quả trong PCCC thì cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức PCCC đến mọi người dân, mọi tổ chức, cơ quan, đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Tại tỉnh ta, tuy tình hình cháy nổ so với các địa phương khác ít phức tạp hơn, số vụ cháy không nhiều, thiệt hại tài sản không lớn, nhưng nguy cơ cháy có thể xảy ra bất cứ lúc nào, bất cứ thời điểm nào và hậu quả không thể nói trước nên công tác phòng ngừa vẫn là phương án an toàn nhất.
Theo thống kê của Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH (Công an tỉnh), trong 9 tháng đầu năm 2020 trên địa bàn toàn tỉnh xảy ra 12 vụ cháy (giảm 7 vụ so với cùng kỳ năm 2019), thiệt hại về tài sản do cháy ở khu dân cư ước khoảng gần 63 triệu đồng. Trong tổng số 12 vụ cháy, có 10 vụ cháy rừng, thiệt hại 65,4 ha rừng. Điều đó cho thấy, những tín hiệu đáng mừng trong nỗ lực PCCC của các địa phương, các cấp, các ngành, các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh; đặc biệt là ý thức của người dân trên địa bàn về công tác PCCC ngày càng được nâng lên.
Xác định phương châm lấy phòng ngừa là chính, ngay từ đầu mùa khô mỗi năm, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH đã chủ động tổ chức triển khai thực hiện tốt phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc gắn với phong trào toàn dân PCCC, chú trọng xây dựng phong trào từ cơ sở.
Đặc biệt, đơn vị đã chủ động phối hợp với các cơ quan truyền thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiến thức về PCCC và phong trào toàn dân tham gia PCCC trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn tổ chức các lớp tập huấn về nghiệp vụ PCCC cho lực lượng PCCC cơ sở, dân phòng và nhân dân những kiến thức pháp luật cần thiết, kỹ năng thoát nạn, cứu nạn, cứu hộ, chữa cháy nhằm huy động sức mạnh toàn dân trong công tác PCCC.
Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, người dân có ý thức hơn trong công tác PCCC. Và cũng chính từ đẩy mạnh công tác tuyên truyền tại các địa phương, đơn vị đã kịp thời xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc gắn với phong trào toàn dân tham gia PCCC, góp phần giảm đến mức thấp nhất số vụ cháy và thiệt hại do cháy nổ gây ra.
Hướng tới mục tiêu phòng ngừa tốt nhất nguy cơ, hiểm họa về cháy, nổ cũng như chủ động trong PCCC thì vai trò của người quản lý, người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, nơi sản xuất - kinh doanh, của mỗi người dân tại nơi cư trú là rất quan trọng. Xác định rõ trách nhiệm, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương cần xây dựng kế hoạch, lồng ghép nội dung PCCC vào chương trình giáo dục, các hoạt động sinh hoạt chính trị ở địa phương, ngành, đơn vị nhằm tuyên truyền, trang bị kiến thức, nâng cao nhận thức và ý thức cảnh giác PCCC đến từng cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, công chức, viên chức, đảng viên và người dân. Có như vậy, nguy cơ cháy, nổ mới có thể được kiềm chế và đẩy lùi.
PCCC là trách nhiệm của toàn xã hội, mỗi cá nhân và tập thể cần nâng cao ý thức, tinh thần chủ động, cảnh giác, phòng ngừa cao độ cháy, nổ. Bởi, mỗi hành động thiết thực, ý thức chủ động trong phòng ngừa cháy nổ của mỗi chúng ta sẽ góp phần mang lại hạnh phúc cho mọi người, mọi nhà và sự bình yên cho toàn xã hội.
Dương Đức Nhuận