Phòng cháy, chữa cháy: Bắt đầu từ ý thức của người dân
Thời gian qua, cả nước nói chung và tỉnh ta nói riêng xảy ra rất nhiều vụ hoả hoạn gây thiệt hại lớn về người và tài sản của người dân. Do đó, phòng cháy, chữa cháy là việc làm được đặt ra cấp bách hơn bao giờ hết và cuộc chiến này chỉ thực sự hiệu quả khi mỗi người dân, mỗi hộ kinh doanh, mỗi doanh nghiệp tự nâng cao ý thức trách nhiệm, tích cực, chủ động trong việc đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ.
Những ngày cuối tháng 3, trên các phương tiện thông tin đại chúng liên tục đưa tin về các vụ hoả hoạn lớn xảy ra tại nhiều địa phương trên cả nước để lại hậu quả đáng tiếc.
Đơn cử như vụ cháy chung cư Carina (Thành phố Hồ Chí Minh) vào ngày 23/3 làm 13 người chết, 27 người bị thương; vụ cháy ở Công ty May Vina Korea (tỉnh Vĩnh Phúc) ngày 25/3 đã thiêu rụi toàn bộ 4 nhà xưởng của doanh nghiệp; vụ cháy quán karaoke Kingdom (tỉnh Hà Tĩnh) ngày 25/3 gây thiệt hại nhiều tài sản của chủ hộ kinh doanh...
Ngay trên địa bàn tỉnh ta, thời gian gần đây cũng liên tục xảy ra nhiều vụ hoả hoạn gây thiệt hại không ít tài sản của người dân. Điển hình như vụ cháy xảy ra tại cửa hàng kinh doanh đồ điện Mỹ Dung ở nhà số 401 đường Lê Hồng Phong (phường Quyết Thắng, thành phố Kon Tum) ngày 13/2 đã thiêu rụi toàn bộ hàng hoá của tiệm điện này và 2 ki ốt liền kề; vụ cháy xảy ra ngày 9/3 gây thiệt hại về nhà cửa, tài sản của gia đình anh Trần Văn Hào (xã Ia Dal, huyện Ia H’Drai) ước tính trên 500 triệu đồng; vụ cháy nhà của chị Y Hnim (xã Đăk Hà, huyện Tu Mơ Rông) xảy ra ngày 13/3 đã thiêu rụi toàn bộ vật dụng trong nhà và lương thực của gia đình; mới đây nhất là vụ cháy xảy ra ngày 16/3 tại nhà số 34 đường Trần Quang Khải (phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum) làm hư hỏng toàn bộ la phông và nhiều vật dụng trong gia đình...
Điều này đang gióng lên hồi chuông báo động về công tác phòng cháy, chữa cháy ở khu dân cư.
Qua phân tích thực tế các vụ các cháy của ngành chức năng cho thấy, ngoài những yếu tố khách quan thì nguyên nhân đầu tiên phải nói tới là do ý thức của con người. Đa phần người dân, các hộ kinh doanh vẫn còn chủ quan, lơ là, chưa quan tâm đúng mức tới việc phòng chống cháy nổ trong mỗi gia đình, cơ sở sản xuất kinh doanh của mình, thiếu kiến thức phòng cháy chữa cháy. Điều đó, đã dẫn đến những vụ hoả hoạn đáng tiếc.
Những năm gần đây, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, các chợ, cơ sở sản xuất, kinh doanh nhanh chóng được hình thành và phát triển, tiềm ẩn nhiều nguy cơ về cháy, nổ. Đặc biệt, tại các chợ trên địa bàn tỉnh, vấn đề đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ luôn trong tình trạng báo động khi mà hạ tầng nhiều chợ đã xuống cấp; tiểu thương thì lơ là, thiếu kiến thức về việc sử dụng các thiết bị phòng cháy chữa cháy, thiếu hiểu biết về các nguồn gây cháy, kỹ năng chữa cháy hạn chế...
Bên cạnh đó, ở một số địa phương, phong trào toàn dân phòng cháy chữa cháy theo phương châm “4 tại chỗ” nhiều nơi còn mang tính hình thức. Nhiều cơ quan, đơn vị, hộ gia đình còn xem nhẹ công tác phòng cháy chữa cháy; chưa quan tâm đầu tư mua sắm trang bị, xây dựng phương án chữa cháy tại cơ sở theo quy định. Trong các gia đình, một số hộ còn có thói quen tự ý lắp đặt thêm những thiết bị điện có công suất lớn, sử dụng điện bừa bãi mà không chú ý đến việc đảm bảo an toàn dẫn đến các vụ chập, cháy điện...
Người xưa có câu “nhất thủy, nhì hỏa” để nói về sức tàn phá khủng khiếp của lũ lụt, hỏa hoạn. Khi xảy ra hỏa hoạn, rất khó có thể cứu vãn được tài sản, tính mạng của con người. Hiện nay, đang cao điểm của mùa khô, thời tiết hanh khô cùng với việc bà con các dân tộc trên địa bàn tỉnh đang vào mùa đốt rẫy làm nương càng tạo điều kiện thuận lợi cho hoả hoạn phát sinh và khó khống chế. Do đó, công tác phòng chống cháy nổ càng bức thiết hơn bao giờ hết.
Để nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành và ý thức người dân trong công tác phòng chống cháy nổ, ngày 20/3 vừa qua, UBND tỉnh ban hành văn bản số 635/UBND – NC về việc triển khai chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về phòng cháy, chữa cháy. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố tiếp tục đẩy mạnh phát triển phong trào toàn dân tham gia phòng cháy chữa cháy với phương châm “4 tại chỗ”; phối hợp với các cơ quan truyền thông tăng cường, phố biến kiến thức phòng cháy chữa cháy và kỹ năng, biện pháp thoát nạn cho nhân dân; thường xuyên rà soát, gắn quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội với quy hoạch về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ...
Công tác phòng cháy chữa cháy là trách nhiệm không của riêng ai. Để tránh hỏa hoạn, bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của nhà nước và nhân dân, cùng với sự vào cuộc của lực lượng chức năng, điều quan trọng là phải bắt đầu từ ý thức, hành vi của mỗi người dân, trong đó coi việc phòng cháy hơn chữa cháy.
Thuỳ Hương