Nông dân “đánh cược” thị trường?
Mới đây, người dân trên địa bàn huyện Đăk Hà không khỏi bất an khi mà hơn 30ha hồ tiêu đang trong thời kỳ sắp thu hoạch nhiễm bệnh rũ chết, gây thiệt hại nặng nề về kinh tế. Nhiều hộ gia đình có nguy cơ lâm vào cảnh trắng tay vì mất vốn đầu tư sản xuất…
Sự việc trên một lần nữa trở thành chủ đề bàn luận của điệp khúc “được mùa - mất giá” hay “được giá - mất mùa”, hay kiểu “thấy người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào” mà nông dân chính là người phải hứng chịu nhiều thiệt thòi nhất.
Điều trăn trở nhất trong sản xuất nông nghiệp bấy lâu nay là đa số người nông dân vẫn phải tự mình loay hoay tìm một lối ra thích hợp trong sản xuất. Bởi trên thực tế, nông dân thời nay mặc dù đã dần biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhưng họ thực sự vẫn chưa có “bản lĩnh” khi quyết định đầu tư nuôi con gì, trồng cây gì một cách có “chiến lược”. Họ còn bị chi phối nhiều yếu tố nên thường lâm vào cảnh thua lỗ do cung vượt quá cầu, hay những rủi ro khác mang đến.
Nhớ lại khoảng thời gian trước đây, khi giá mủ cao su, điều cao ngất ngưỡng thì người nông dân đổ xô nhau trồng cao su, trồng điều ồ ạt. Rồi khi cao su, điều “mất giá” thì nhiều mảnh vườn trồng các loại cây công nghiệp này cũng dần được thay thế bằng những vườn cà phê, vườn tiêu…
Điệp khúc “trồng- chặt” chạy theo giá cả thị trường đã phần nào cảnh báo về một tương lai không mấy “sáng sủa” trong sản xuất nông nghiệp của người nông dân. Bởi sự “bội thực” của một cung cách làm ăn thiếu hoạch định, dễ dãi nguy cơ mang lại sự “thừa mứa” sản phẩm được làm ra là một tất yếu.
Tôi còn nhớ, năm ngoái, người nông dân cả nước nói chung và Kon Tum nói riêng, phải trông chờ vào sự “giải cứu” đàn heo tồn đọng từ những tấm lòng cảm thông, chia sẻ của chính người tiêu dùng. Như một nghịch lý khi sản phẩm do chính nông dân làm ra nhưng muốn bán được người nông dân phải đi “cầu cạnh” thị trường, rồi còn bị tư thương ép giá để cuối cùng phải bán đổ, bán tháo mới mong có thể thu hồi lại phần nào vốn liếng đã bỏ ra.
Điều lạ là dù đã chứng kiến và hứng chịu nhiều sự việc xảy ra nhưng người nông dân dường như vẫn chưa rút được nhiều kinh nghiệm. Bằng chứng là khi quyết định vào trồng cây gì, nuôi con gì, nhiều nông dân vẫn còn bị tác động “dây chuyền” bởi sự “choáng ngợp” ở một thời điểm nào đó về giá cả thị trường nông sản tăng cao cũng như sự quảng bá thiếu cảnh báo của thông tin xã hội.
Ví như, sau khi nghe thông tin ở địa phương B, người nông dân sớm giàu lên nhờ trồng cây thanh long, thì người nông dân ở địa phương A không cần biết việc đầu tư trồng cây thanh long có phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu hay nhu cầu của người tiêu dùng ở địa phương mình hay không nhưng vẫn đổ xô trồng thanh long.
Ban đầu chỉ một vài hộ, dần dà, nghe nhiều người rỉ tai nhau về giá trị cây thanh long nên có đến hàng chục hộ, rồi hàng trăm hộ nông dân thi nhau trồng. Đến khi thanh long rớt giá thê thảm, do cung vượt quá cầu, sản phẩm bị tư thương ép giá, dẫn đến nông dân bị thua lỗ là điều không thể tránh khỏi…
Bên cạnh việc đầu tư sản xuất nông nghiệp thiếu hoạch định do sản xuất tự phát, ý nghĩ ham muốn làm giàu nhanh chóng của người nông dân, chúng ta cũng cần thẳng thắn nhìn nhận nguyên nhân quan trọng nữa là do thiếu sự cảnh báo quyết liệt của chính quyền địa phương, ngành chức năng khi định hướng cho người nông dân trong sản xuất nông nghiệp.
Mặt khác, một số phương tiện truyền thông khi phản ánh những mô hình, gương điển hình sản xuất nông nghiệp, bên cạnh mặt biểu dương cũng cần cảnh báo cho người dân không nên triển khai đầu tư nuôi, trồng ồ ạt, tràn lan một sản phẩm nào đó, mà hãy cân nhắc trước đầu ra của sản phẩm, nhu cầu của người tiêu dùng và sức ép của tư thương… Có như vậy, người nông dân mới có thể tránh những rủi ro, thiệt thòi không đáng có.
Chuyện người nông dân nuôi con gì, trồng cây gì và điệp khúc “được mùa-mất giá” hay “được giá - mất mùa” không phải là chuyện mới mẻ bởi đó là hệ lụy tất yếu. Người nông dân vốn dĩ “một nắng hai sương”, gia tài của họ chỉ là con heo, con bò, vườn khoai, rẫy bắp mà họ dành dụm hết cả vốn liếng để đầu tư. Nhiều hộ nông dân với hoài bão làm giàu, họ không ngần ngại thế chấp căn nhà nhỏ, khoảnh vườn tổ tiên để lại vay vốn ngân hàng một khi đã quyết định “đánh cược” với thị trường.
Nhìn xa ra địa phương khác như ở tỉnh bạn Gia Lai, ta mới thấy xót xa trước sự bất lực của người nông dân khi phải đứng nhìn hàng trăm héc ta hồ tiêu chết rũ vì nhiễm bệnh, trong đó nhiều hộ gia đình đã tán gia bại sản, phải bỏ xứ đi nơi khác để trốn tránh nợ nần…
Chuyện nông sản rớt giá hay hồ tiêu chết hàng loạt ở huyện Đăk Hà vừa qua cũng chính là hồi chuông cảnh báo trước cung cách làm ăn tùy tiện, thiếu định hướng một cách khoa học của người nông dân.
Vấn đề đặt ra là, trước khi quyết định trồng cây gì, nuôi con gì trong sản xuất nông nghiệp, chính quyền địa phương, ngành chức năng và bản thân người nông dân phải có sự cân nhắc kỹ trước khi đầu tư vào sản xuất và cần phải phát huy tốt mối liên kết “4 nhà” (Nhà nước, nhà khoa học, nhà nông, nhà doanh nghiệp) để việc đầu tư đó thật sự phù hợp, đảm bảo đầu ra của sản phẩm nông nghiệp trước sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường. Có như vậy điệp khúc “được mùa - mất giá” hay “được giá - mất mùa” mới không còn tái diễn và người nông dân mới mong hết bị rủi ro, thiệt thòi…
Dương Đức Nhuận