Nới “vòng kim cô” cho doanh nghiệp
Tháng 5/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký Chỉ thị số 20/2017/CT-TTg về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp, trong đó tiếp tục yêu cầu không để xảy ra tình trạng thanh tra, kiểm tra quá 1 lần/năm đối với doanh nghiệp...
Cách đây mấy ngày, tôi bất ngờ nhận được email của một chủ doanh nghiệp. Anh muốn lùi lịch hẹn làm việc với tôi vì một lý do hết sức chính đáng: Tiếp và làm việc với Đoàn thanh tra...
Vốn là một hộ kinh doanh nho nhỏ, sau khi có thêm 2 người bạn góp vốn, anh quyết định “nâng cấp” thành doanh nghiệp. Thế rồi, chỉ sau năm đầu, anh đã choáng váng với tần suất kiểm tra, thanh tra dày đặc. Anh phàn nàn trong email: Doanh nghiệp mình thuộc loại nhỏ, mới thành lập, không hiểu sao mà thanh tra, kiểm tra nhiều quá thể, có đoàn gửi chương trình, kế hoạch trước, có đoàn đột xuất đến yêu cầu làm việc... khiến mình chẳng còn tâm trí, thời gian đâu mà làm ăn. Bạn bè xì xào, nó làm ăn kiểu gì mà nay thanh tra, mai kiểm tra không biết?
|
“Mình nghĩ là ai cũng biết chuyện này rồi, nhưng bức xúc nên chia sẻ vậy thôi” - anh viết. Tôi cũng nghĩ giống anh, thế nên câu chuyện trôi vào quên lãng trong dòng chảy của vô vàn sự kiện khác.
Tôi chỉ nhớ lại email này khi mấy ngày nay thường nhận được những lời phàn nàn tương tự. Bởi theo giới làm ăn, hiện nay đang là “mùa thanh tra, kiểm toán”.
Dù bức xúc, nhưng chủ một doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng vẫn ngập ngừng mãi mới đồng ý tiếp chuyện, kèm theo giao kèo trước “không được nêu tên tớ đâu đấy nhé”. Anh cho biết bình quân 1 năm phải tiếp nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra các cấp. Đoàn này vừa xong, đoàn khác tới, thậm chí có thời gian phải cùng làm việc với Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường - anh bức xúc thông tin.
Anh tỏ ra ngạc nhiên vì doanh nghiệp của mình luôn thuộc nhóm nộp thuế cao nhất tỉnh, nhưng không hiểu sao lại bị thanh tra, kiểm tra quá nhiều lần, đủ các nội dung, trong đó nhiều nội dung thanh tra, kiểm tra trùng lặp. Ví dụ, chỉ một nội dung về môi trường nhưng có cả 4, 5 đoàn đến làm việc liên tiếp, mà đoàn nào cũng yêu cầu doanh nghiệp chuẩn bị hồ sơ riêng mới mệt.
Anh kể tiếp: Mình có một anh bạn mở nhà máy chế biến nông sản cũng đang rất bức xúc về chuyện, năm 2015, Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường vào thanh tra, chưa có kết luận đúng, sai thế nào, bây giờ lại thấy nhà máy nằm trong danh sách kiểm tra của Thanh tra Bộ.
Chắc chắn rằng đây không phải là doanh nghiệp duy nhất rơi vào tình cảnh phải “méo mặt” lo làm việc với các đoàn thanh tra, kiểm tra. Việc hôm nay một đoàn, ngày mai một đoàn, vài ngày tiếp theo lại có một đoàn khác tới làm việc khiến doanh nghiệp khó tập trung thời gian và tâm trí cho công việc chính của mình là phát triển kinh doanh, sản xuất.
Việc tồn tại trong kinh doanh vốn đã khó khăn, và bản thân chúng tôi cần tìm mọi cách để doanh nghiệp có thể đứng vững và phát triển, nếu cứ liên tục phải lo tiếp các đoàn kiểm tra, thanh tra thì cảm thấy “nghẹt thở”, mệt mỏi và phiền toái - một chủ doanh nghiệp than vãn.
Không chỉ doanh nghiệp, ngay cả các cơ quan hành chính nhà nước cũng không tránh khỏi mệt mỏi do liên tục phải tiếp các đoàn kiểm tra, thanh tra. Tôi đã từng mất cả tuần chờ đợi email của một lãnh đạo sở chuyên ngành trả lời về lịch hẹn làm việc. Lý do là thời gian đó ông quá bận rộn với việc tiếp các đoàn thanh tra, kiểm tra. “Đoàn thanh tra của Bộ còn chưa kết thúc, đã có lịch làm việc của Kiểm toán Nhà nước, rồi Thanh tra Nhà nước...” – sau này ông kể.
Trở lại với email của chủ doanh nghiệp nhỏ nêu trên, anh bày tỏ: việc kiểm tra, kiểm soát là cần thiết, nhưng cần phải phối hợp thế nào để tránh chồng chéo, không ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp và không làm “méo mó” quan hệ giữa doanh nghiệp với cơ quan quản lý.
Sự chồng chéo trong thanh tra, kiểm tra như "vòng kim cô" kiềm tỏa doanh nghiệp, nên chúng tôi mong muốn Trung ương, tỉnh quan tâm nới “vòng kim cô” ấy. Mới đây, tôi có nghe nói đến quy định cơ quan nhà nước không được thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp quá 1 lần/năm, nhưng không hiểu thực hiện cụ thể thế nào? - Anh viết trong email.
Chắc chắn rằng, mong muốn của anh cũng là mong muốn chung của hầu hết chủ doanh nghiệp!
Tôi đã trả lời anh rằng: Tháng 5/2016, trong Nghị quyết 35/2016/NQ-CP về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện thanh, kiểm tra theo đúng quy định của pháp luật, không quá 1 lần/năm; kết hợp thanh, kiểm tra liên ngành nhiều nội dung trong một đợt, trừ trường hợp thanh, kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật rõ ràng. Tháng 5/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký Chỉ thị số 20/2017/CT-TTg về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp, trong đó tiếp tục yêu cầu không để xảy ra tình trạng thanh tra, kiểm tra quá 1 lần/năm đối với doanh nghiệp...
Gần đây nhất, ngày 7/8/2017, UBND tỉnh đã cụ thể hóa Chỉ thị 20/CT-TTg bằng văn bản 2101/UBND-NC chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, khi triển khai các cuộc thanh tra, kiểm tra các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố phải tuân thủ đúng định hướng, kế hoạch đã được phê duyệt; nội dung thanh tra, kiểm tra đúng đề cương và thời gian theo quyết định; chủ động kiểm tra, đánh giá và điều chỉnh kế hoạch thanh tra, kiểm tra khi cần thiết theo hướng không làm tăng số cuộc thanh tra; ban hành kết luận thanh tra phải đúng thời hạn theo quy định.
Chỉ ban hành quyết định thanh tra, kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm rõ ràng; kết luận thanh tra, kiểm tra phải xác định rõ tính chất, mức độ vi phạm. Trường hợp phát hiện thấy nội dung, phạm vi thanh tra, kiểm tra có chồng chéo, trùng lặp với cơ quan thực hiện chức năng thanh tra, kiểm tra khác phải báo cáo UBND tỉnh, Thanh tra tỉnh và cơ quan, đơn vị liên quan để có giải pháp sắp xếp phù hợp, tránh chồng chéo, trùng lắp và đảm bảo tính kế thừa...
Nếu như có một đợt bình chọn cho những chỉ đạo nổi bật của UBND trong tháng 8, tôi tin rằng, dù có nhiều lựa chọn, nhưng các doanh nghiệp sẽ rất hào hứng mà “tập trung phiếu” cho “2101”, bởi với nó, “vòng kim cô” đang dần được nới ra cho các doanh nghiệp.
Thành Hưng
Bình luận (1)