Nỗi niềm mang tên “rồng vàng”
Đi cùng với mùa tuyển sinh năm nào cũng vậy là lắm nỗi niềm. Chẳng riêng các bậc phụ huynh chạy đôn chạy đáo mua hồ sơ, nộp hồ sơ, bốc thăm cho con đi học mẫu giáo, lớp 1, hay tận dụng tất cả các mối quan hệ sao cho con mình có một suất vào trường điểm, lớp chọn; thầy cô giáo ở các trường, con trẻ lắm khi cũng mệt lây vì phải chịu áp lực.
Lấy đơn cử từ câu chuyện tuyển sinh vào lớp 1. Cô bạn sau một buổi sáng thấp thỏm chờ đợi bốc thăm để cho cậu con trai có suất vào Trường Tiểu học thực hành sư phạm Ngụy Như Kon Tum nhưng cuối cùng… vẫn trượt đã thốt lên rằng, mới lớp 1 “học mà như hành”, “cam go” như thi đại học!
Nhưng, có phụ huynh lại phản biện rằng, “cam go” còn hơn thi đại học ấy chứ, vì hiện nay nhiều trường đại học, cao đẳng, học sinh có phải đăng ký dự thi đâu mà cũng có phiếu báo trúng tuyển, mời nhập học, còn các em mới 6 tuổi đầu để vào được lớp 1 phải chọi với tỷ lệ hơn 2 em, lấy 1 em(?!)
Bốc thăm cho con vào trường có đối tượng tuyển mở không được, cô bạn lại chạy ngược chạy xuôi cho con mình có suất vào các trường có tiếng trên địa bàn thành phố Kon Tum.
Nhìn cô bạn tất tả, mất vài đêm liền không ngủ được vì lo chưa tìm được chỗ học cho con mới thấm thía hơn nỗi nhọc nhằn của thế hệ mang tên “rồng vàng”. Bởi, xem ra cách thức được nhiều người lựa chọn nhất là dựa vào “bảo bối” hộ khẩu năm nay ít phần linh nghiệm. Vì đâu chỉ dồn về một vài trường điểm như mấy năm trước, thế hệ “rồng vàng” (sinh năm 2012 – theo quan điểm dân gian là năm đẹp) tăng đột biến đã khiến cho áp lực quá tải năm nay dàn trải chung đều ở các trường nội thị.
Chỉ tiêu tuyển sinh từ cấp trên đổ về thì ít mà hồ sơ nộp vào thì nhiều, trường ít có tiếng thì dư 50-70 hồ sơ, trường có thương hiệu dư cả hàng trăm hồ sơ. Nhận ai, không nhận ai, không để học sinh chịu thiệt, không để các bậc phụ huynh phấp phỏng trong lo âu, ngành Giáo dục thành phố chỉ đạo các trường phối hợp với công an địa bàn đến từng hộ gia đình kiểm tra xem trường hợp nào là “chính chủ”, trường hợp nào “không chính chủ” theo kiểu hợp thức hóa gửi con qua con đường hộ khẩu…
Những tưởng dựa vào “bảo bối” hộ khẩu không đặng, các bậc phụ huynh dựa vào đủ mọi mối quan hệ để nhờ vả. Vậy là, lãnh đạo ngành, hiệu trưởng các trường điểm tiếp khách mệt nghỉ.
Có hiệu trưởng chân thành mà chia sẻ rằng, chưa năm nào mà khổ như tuyển sinh lứa “rồng vàng” năm nay. Hết tiếp khách, đến nghe điện thoại, rồi trả lời, giải thích. Chỉ tiêu có ít, theo hộ khẩu còn chưa đủ, giúp ngoài tuyến thì sai quy định, không giúp thì sao đặng, vì không quen chỗ nọ, cũng biết chỗ kia. Nhiều người cố tình không hiểu, trách móc, bóng gió xa xôi, thậm chí có người còn vỗ ngực xưng tên dọa dẫm. Thôi thì lẳng lặng tắt điện thoại, tránh có mặt ở nhà… “cho lành”.
Phụ huynh mệt, nhà trường mệt và những trẻ sắp vào lớp 1 có mệt lây khi mới tí tuổi đầu cũng phải chịu áp lực từ những tiếng thở dài của cha, hay những đêm mất ngủ của mẹ? Và khi trẻ giành được một suất vào học lớp 1 trường điểm thì liệu đây có phải là môi trường tốt nhất mà các bậc phụ huynh mong đợi? Và liệu trường học tốt thì trẻ có chắc chắn sẽ học tốt?
Nỗi niềm tuyển sinh đầu cấp, áp lực quá tải ở các trường điểm đã trở thành điệp khúc: biết rồi, khổ lắm, nói mãi. Bởi cho dù ngành Giáo dục đã có hàng loạt động thái từ cuối năm học theo đúng quy định, nhưng tuyển sinh đầu cấp không có dấu hiệu nguôi nóng, thậm chí còn nóng hơn với thế hệ “rồng vàng” như năm nay.
Chia sẻ nỗi niềm tuyển sinh lớp 1 năm nay, ai nấy đều hiểu rằng, khi các trường khẳng định được tên tuổi của mình thì đương nhiên mọi học sinh cũng như gia đình các em đều nỗ lực thật sự để được ghi danh vào trường. Sức hút của các trường này xuất phát từ sự đồng bộ của cơ sở vật chất; đội ngũ giáo viên giỏi, có kinh nghiệm và quan trọng là bề dày thành tích chất lượng giảng dạy, học tập của các trường… đã tạo ra cuộc chạy đua của các bậc phụ huynh trái tuyến với mong muốn con mình sẽ được học tập tốt hơn.
Sự kỳ vọng ấy của các bậc phụ huynh thật sự chính đáng. Nhưng, nếu sự kỳ vọng ấy quá mức cũng có thể tạo áp lực cho chính mình và con em mình – điều mà ngành Giáo dục và truyền thông liên tục cảnh báo.
Áp lực do chính phụ huynh tạo ra. Áp lực ngay từ quan niệm năm đẹp, năm xấu; áp lực từ quan niệm trường điểm, lớp chọn… Một khi phụ huynh hiểu, nhận thức đúng; một khi các trường rút ngắn được khoảng cách về cơ sở vật chất, về chất lượng giảng dạy… thì hy vọng rằng nỗi niềm mang tên “rồng vàng” như năm nay sẽ dần được hóa giải trong những năm sau.
Liễu Hạnh