Nhà báo cần được bảo vệ
Cận kề kỷ niệm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam năm nay, nhóm phóng viên Đài Truyền hình Việt Nam khi đang tác nghiệp, tìm hiểu, ghi nhận về việc lấn chiếm đất công xây dựng trái phép đã bị đối tượng tông thẳng xe vào người nhưng may mắn tránh thoát, còn máy quay hơn 1 tỷ đồng bị nghiền nát, khiến cho không ít người – đặc biệt là các nhà báo lo lắng.
Lo lắng này không phải không có lý khi trong những năm gần đây liên tục xảy ra các vụ tấn công nhà báo. Chúng ta hẳn còn nhớ nhà báo Thu Trang – Báo Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh bị nhắn tin đe dọa “mua quan tài” cho mình và người nhà. Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng – Báo Lao Động bị 3 đối tượng lạ mặt đánh trọng thương. Thậm chí trong cùng một ngày (6/11/2016), 4 nhà báo thuộc các cơ quan truyền thông ở Hà Nội, Thái Nguyên bị hành hung khi đang ghi nhận những vụ việc tiêu cực ảnh hưởng đến xã hội…
Những vụ việc đã nêu chỉ mới là một số trong rất nhiều vụ việc nhà báo bị hành hung, đe dọa. Vì trên thực tế, dù chưa đến mức bị hành hung nhưng không ít nhà báo đã phải đối mặt với các kiểu đe dọa: gây khó dễ, trực tiếp hoặc gián tiếp dọa dẫm, ngăn chặn tác nghiệp, thu giữ phương tiện tác nghiệp cho đến nhắn tin qua điện thoại, qua mạng xã hội xúc phạm, thóa mạ…
Vì sao số vụ nhà báo bị hành hung, bị đe dọa, bị cản trở tác nghiệp không hề giảm?
Trong đời sống xã hội hiện nay, bên cạnh những mặt tốt, những con người tốt, tích cực, điển hình thì nơi này, nơi kia vẫn còn những mặt xấu, những tiêu cực như: tham nhũng, lãng phí, buôn lậu, lợi ích nhóm… ảnh hưởng đến lợi ích nhân dân và sự phát triển của đất nước. Chính những nơi đó rất cần đến sự xuất hiện của các nhà báo – dùng ngòi bút của mình phơi bày sự thật ra ánh sáng.
Và, trong khi một bên muốn che giấu thông tin thì một bên – các nhà báo lại cố tình tìm hiểu, phản ánh, đưa thông tin đến cho các cấp, các ngành, người dân về những vụ việc đang xảy ra mà nhiều người dân, ngành chức năng có thể không hay biết hoặc đã biết nhưng cố tình bỏ qua; bảo vệ, lên tiếng nói thay cho những người không có tiếng nói trong xã hội… nên trở thành đối tượng dễ tổn thương, gặp không ít gian nan, hiểm nguy cũng là điều dễ hiểu.
Trên con đường đi tìm sự thực ấy, họ phải đi sớm về khuya, có khi là thức thâu đêm suốt sáng, thậm chí nhập vai làm bốc vác, cửu vạn, xe ôm, đi xin việc làm thêm… để thâm nhập thực tế, phản ánh với tư cách là người trong cuộc. Nhà báo trực tiếp quăng mình vào chốn nguy hiểm, vào những vấn đề gai góc để điều tra, xác minh, thu thập chứng cứ nhằm đấu tranh với cái xấu, cái sai trong xã hội. Nhà báo phải đánh đổi mồ hôi, thậm chí cả máu – khi đồng tiền, danh vọng không “mua” được sự im lặng.
Không ít người đã thốt lên rằng, làm báo đúng là làm bạn với hiểm nguy. Khi hành trang của các nhà báo mới chỉ dừng lại với cây bút, máy ảnh, máy quay và niềm tin vào công lý thì để các nhà báo theo nghề, yêu nghề và gắn bó với nghề không phải là chuyện dễ.
Vậy ai bảo vệ cho nhà báo? Trước hết, chính nhà báo cần am hiểu pháp luật, hành nghề đúng để tự bảo vệ mình. Và sau nữa, nhà báo rất cần được sự hỗ trợ, bảo vệ nhiều hơn từ các tòa soạn, ngành chức năng, từ xã hội và cả hành lang pháp lý mạnh để sẵn sàng dấn thân trên con đường đi tìm sự thật, phản ánh sự thật.
Trước thềm 21/6 này, dẫu có chút buồn, chạnh lòng khi con số thống kê nhà báo bị hành hung lại tăng thêm; nhưng, các nhà báo cũng như được tiếp thêm nghị lực, niềm tin yêu nghề nghiệp khi Bộ Thông tin và Truyền thông đưa dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm trong hoạt động báo chí, xuất bản ra lấy ý kiến, có quy định hành vi uy hiếp tính mạng, hủy hoại, cố ý làm hư hỏng phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí của nhà báo, phóng viên có thể bị phạt tiền từ 40 đến 60 triệu đồng. Dù mới là dự thảo nhưng từ đây các nhà báo tin rằng, sẽ được tạo hành lang pháp lý, được bảo vệ danh dự, tính mạng, được tạo điều kiện thuận lợi “chống để xây”.
Bình Toàn