Nâng cao chất lượng quy hoạch
Trong quá trình xây dựng và phát triển, tỉnh ta luôn quan tâm đến công tác quy hoạch, nhằm tạo điều kiện để phát triển tỉnh ổn định trước mắt và lâu dài. Thực tế cho thấy, trong những năm gần đây, cùng với việc thu hút các nguồn vốn đầu tư, công tác quy hoạch từng bước đáp ứng yêu cầu sự phát triển, góp phần làm thay đổi diện mạo tỉnh.
|
Khi thực hiện Luật Quy hoạch năm 2017 và Nghị quyết số 119/NQ-CP ngày 27/9/2021 của Chính phủ về các nhiệm vụ và giải pháp để nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ lập các quy hoạch thời kỳ 2021 – 2030, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đưa nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh vào chương trình công tác trọng tâm để chỉ đạo triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh tổ chức nghiên cứu, quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp được Trung ương giao tại các Nghị quyết, Chỉ thị của Trung ương về công tác quy hoạch.
Theo đó, UBND tỉnh đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời, căn cứ nhiệm vụ lập Quy hoạch trên, UBND tỉnh đã ban hành các Quyết định phê duyệt Dự toán chi phí lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với giá trị tổng dự toán được phê duyệt là 58,74 tỷ đồng và phê duyệt Kế hoạch lựa chọn nhà thầu lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Trên cơ sở đó, Sở KH&ĐT đã tổ chức lựa chọn nhà thầu theo hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước và lựa chọn được đơn vị tư vấn có đủ năng lực theo quy định để thực hiện gói thầu lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đến nay, đơn vị tư vấn hoàn thành ý tưởng Khung Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; hoàn thành báo cáo đầu kỳ và hiện đang triển khai xây dựng các nội dung chính của quy hoạch tỉnh. Khối lượng công việc thực hiện đạt trên 70% so với hợp đồng đã ký kết.
Theo đánh giá, công tác triển khai lập quy hoạch tỉnh được chỉ đạo triển khai quyết liệt theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 5/2/2018 của Chính phủ về ban hành triển khai thi hành Luật Quy hoạch; công tác xây dựng dự toán lập quy hoạch tỉnh được thực hiện theo đúng hướng dẫn của Bộ KH&ĐT tại Thông tư số 08/2019/TT-BKHĐT ngày 17/5/2019 về định mức chi phí cho hoạt động quy hoạch và các văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành có liên quan. Việc lựa chọn đơn vị tư vấn lập quy hoạch được thực hiện công khai, minh bạch theo quy định của Luật Đấu thầu và các quy định có liên quan; quy trình, các bước lập quy hoạch được triển khai chặt chẽ theo đúng hướng dẫn của Chính phủ tại Nghị định số 37/2019/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Quy hoạch.
Việc lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý nhà nước về quy hoạch sử dụng đất cấp huyện đạt được những kết quả quan trọng. Theo đó, đến nay, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh thời 2021-2025 đã cơ bản hoàn thành; Quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thời kỳ 2021-2030, đến thời điểm hiện tại, tỉnh thẩm định 10/10 huyện, thành phố (trong đó, đã phê duyệt Quy hoạch sử dụng đất cấp huyện cho 5/10 huyện là Đăk Tô, Kon Plông, Ia H’Drai, Tu Mơ Rông, Đăk Glei). Quá trình tổ chức lập quy hoạch được các ngành, các cấp phối hợp góp ý, cung cấp thông tin theo chức năng, nhiệm vụ được giao; đồng thời, UBND tỉnh đã thành lập Hội đồng thẩm định quy hoạch sử dụng đất cấp huyện và bố trí kinh phí thực hiện theo quy định Luật Quy hoạch và pháp luật có liên quan.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, có những tồn tại, hạn chế: Tiến độ lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 chưa đạt như dự kiến; các Nghị định của Chính phủ và Thông tư của Bộ KH&ĐT, Bộ TN&MT và Bộ Xây dựng chưa hướng dẫn việc cập nhật nhu cầu sử dụng đất các ngành, lĩnh vực; chưa quy định chi tiết việc lập Phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai theo khu chức năng và theo loại đất đến từng đơn vị hành chính cấp huyện trong quy hoạch tỉnh… Tuy nhiên, hiện tại một số đồ án quy hoạch xây dựng đang có chủ trương lập, một số đang lập nhưng chưa được phê duyệt, do đó việc cập nhật các phương án quy hoạch xây dựng vào quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030 là rất khó khăn do chưa đủ cơ sở pháp lý. Hơn nữa, việc lập quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thời kỳ 2021-2030 chậm dẫn đến việc lập kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện chậm, làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án đầu tư, nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất của người dân.
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trên, tỉnh ta đề nghị các bộ, ngành Trung ương sớm trình Chính phủ và cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các nội dung quy định đã được Chính phủ giao tại Nghị quyết số 119/NQ-CP ngày 27 tháng 9 năm 2021 về các nhiệm vụ và giải pháp để nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ lập các quy hoạch thời kỳ 2021 -2030 để các địa phương có cơ sở triển khai thực hiện; Bộ TN&MT sớm thông báo chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia thời kỳ 2021-2030 cho cấp tỉnh để tổ chức thực hiện; hướng dẫn việc lập phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai theo khu chức năng và theo loại đất đến từng đơn vị hành chính cấp huyện trong quy hoạch tỉnh; hướng dẫn việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cấp huyện khi chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất được duyệt chưa phù hợp với chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất do Chính phủ phân bổ.
Viết đến đây, lại nhớ vào ngày 3/2/2022, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác quy hoạch và lấy ý kiến về Định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, việc triển khai Luật Quy hoạch lần này có điểm mới là phải lập đồng thời quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh. Đây là cơ hội lớn để sắp xếp, phân bổ không gian phát triển đất nước một cách bài bản, khoa học nhằm tận dụng tối đa các nguồn lực phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, tuy nhiên, việc lập đồng thời các quy hoạch cũng gây khó khăn trong việc kết nối các quy hoạch. Vì vậy, các bộ, ngành và địa phương phải phối hợp thật tốt trong quá trình lập quy hoạch, tăng cường trao đổi giữa Trung ương và địa phương, giữa các địa phương với nhau trên tinh thần không cục bộ, chia cắt, manh mún.
Và để nâng cao chất lượng quy hoạch, tỉnh ta không thể tách rời mục tiêu Quốc gia là kiến tạo một mô hình phân bổ không gian phát triển quốc gia hiệu quả, bền vững, hình thành được các vùng kinh tế động lực, các trung tâm kinh tế, đô thị chiến lược, mạng lưới kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, kết nối giữa các vùng, giữa thành thị và nông thôn, tạo điều kiện cho tăng trưởng kinh tế cao, thúc đẩy thực hiện mục tiêu đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2050 trở thành nước phát triển.
VĂN NHIÊN