Nâng cao chất lượng giáo dục đối với học sinh DTTS
Với đặc điểm một tỉnh miền núi, có trên 53% dân số là đồng bào DTTS thì việc ban hành Nghị quyết nâng cao chất lượng giáo dục đối với học sinh DTTS trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020 có ý nghĩa và tác động rất lớn đến việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực...
Ngày 23/8, Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết nâng cao chất lượng giáo dục đối với học sinh DTTS trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020. Với đặc điểm một tỉnh miền núi, có trên 53% dân số là đồng bào DTTS thì việc ban hành Nghị quyết này có ý nghĩa và tác động rất lớn đến việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thúc đẩy KT-XH của tỉnh nói chung và vùng DTTS nói riêng phát triển ngày càng bền vững.
Trong những năm qua, tỉnh Kon Tum đã dành nhiều nguồn lực ưu tiên đầu tư cho giáo dục, đặc biệt là việc xây dựng phòng học, mua sắm trang thiết bị, đồ dùng dạy học để mở rộng trường lớp, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và đổi mới phương pháp dạy học; trang bị cơ sở vật chất phục vụ ăn, ở, sinh hoạt cho học sinh bán trú các trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT)…
|
Năm học 2015-2016, toàn tỉnh có 402 trường, 5.573 lớp, tăng 88 trường, 823 lớp so với năm học 2006-2007. Hệ thống trường chuyên biệt dành cho học sinh DTTS (ngoài hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú) cũng được đầu tư xây dựng, đặc biệt là hệ thống trường PTDTBT (hiện có 54 trường). Các trường PTDTBT đã được đầu tư xây dựng 191 phòng ở bán trú, 1.521 giường nằm, 56 nhà ăn và các thiết bị kèm theo; 100% trường THPT-PTDTNT, 66% trường THCS, 30,1% trường tiểu học có phòng máy vi tính để dạy tin học…
Theo ngành GD-ĐT tỉnh Kon Tum, nhờ cơ sở vật chất được đầu tư, chất lượng giáo dục đối với học sinh DTTS đã từng bước được nâng lên: tỉ lệ huy động trẻ từ 3-5 tuổi vào học mẫu giáo đạt 88,9%; ở bậc tiểu học, số học sinh đạt chất lượng môn tiếng Việt xếp loại từ trung bình trở lên là 96,59%, môn Toán là 96,69%; ở bậc THCS, tỉ lệ học sinh xếp loại hạnh kiểm từ trung bình trở lên đạt 99,7%, xếp loại học lực từ trung bình trở là 91,7%; ở bậc THPT, tỉ lệ học sinh xếp loại hạnh kiểm từ trung bình trở lên là 98,8%, xếp loại học lực từ trung bình trở lên là 80,3%, tỉ lệ học sinh tốt nghiệp THPT đạt 87,56%...
Tuy chất lượng giáo dục đối với học sinh DTTS được nâng lên nhưng khách quan có thể nhận thấy chất lượng dạy và học ở vùng DTTS vẫn chưa đạt kết quả như mong muốn.
Thực tế hiện nay, tại vùng đồng bào DTTS vẫn còn nhiều điểm trường lẻ, lớp ghép (mầm non có 126 trường với 750 điểm trường; tiểu học có 145 trường với 496 điểm trường, trong đó có 34 trường có lớp ghép), ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý cũng như chất lượng dạy và học.
Một số nơi, do nguồn đầu tư còn hạn hẹp nên các bậc học, cấp học vẫn còn phòng học tạm, mượn nhờ (mầm non có 168 phòng, tiểu học 120 phòng, THCS 13 phòng, THPT 4 phòng), chưa đáp ứng nhu cầu dạy học, nhất là việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày. Tại nhiều trường học ở vùng sâu, vùng xa còn thiếu phòng học bộ môn, phòng máy vi tính, phòng học ngoại ngữ…
Vấn đề cũng cần sớm được tháo gỡ nữa là hiện nay tỉ lệ giáo viên biết tiếng DTTS tại chỗ còn thấp (31,9%); một bộ phận giáo viên mầm non, tiểu học do đào tạo công đoạn, cấp tốc trước đây và mặc dù hiện nay đã đạt chuẩn về đào tạo nhưng năng lực giảng dạy thực tế không đáp ứng yêu cầu, nhất là việc thực hiện đổi mới phương pháp dạy học; tình trạng học sinh DTTS bỏ học, đi học không chuyên cần còn là vấn đề nhức nhối với nhiều trường học ở vùng sâu, vùng xa…
Thực tế trên làm cho chất lượng giáo dục học sinh DTTS còn thấp so với mặt bằng chung toàn tỉnh và cả nước, nhất là về mặt học lực. Theo thống kê của Sở GD-ĐT tỉnh, năm học 2014-2015, ở cấp tiểu học, tỉ lệ học sinh hoàn thành môn tiếng Việt đạt 97,72%, riêng học sinh DTTS đạt 96,59, trong khi bình quân toàn quốc đạt 98,9%; về môn Toán, cả tỉnh đạt 97,78%, riêng học sinh DTTS đạt 96,69%, toàn quốc đạt 99%; ở bậc THCS, tỉ lệ học sinh xếp loại học lực từ trung bình trở lên đạt 94,08%, riêng học sinh DTTS đạt 91,7%, toàn quốc đạt 94,84%; ở bậc THPT, tỉ lệ học sinh xếp loại học lực từ trung bình trở lên đạt 86,88%, học sinh DTTS đạt 80,3%, toàn quốc đạt 93,18%...
Nghị quyết nâng cao chất lượng giáo dục đối với học sinh DTTS giai đoạn 2016-2020 của Tỉnh ủy đề ra mục tiêu đến năm 2020 huy động trẻ em DTTS dưới 3 tuổi đến nhà trẻ đạt từ 10% trở lên, trẻ em DTTS từ 3-5 tuổi đi học mẫu giáo đạt từ 90% trở lên, 100% trẻ em DTTS từ 5-6 tuổi được chuẩn bị điều kiện vào học lớp 1, huy động 100% trẻ em DTTS trong độ tuổi tiểu học vào học tiểu học, 100% học sinh DTTS hoàn thành chương trình tiểu học vào học THCS, có ít nhất 30% học sinh DTTS sau tốt nghiệp THCS đi học nghề kết hợp với học THPT hệ giáo dục thường xuyên, trên 99,5% học sinh DTTS cấp THCS và THPT có hạnh kiểm từ trung bình trở lên, 95% học sinh DTTS cấp THCS và 90% học sinh DTTS cấp THPT có học lực từ trung bình trở lên, trên 80% học sinh DTTS tốt nghiệp THPT được học đại học hoặc cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, đào tạo nghề.
Xác định nâng cao chất lượng giáo dục đối với học sinh DTTS góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh nói chung và vùng DTTS ngày càng phát triển nên ngay sau khi ban hành Nghị quyết, Tỉnh ủy cũng đã chỉ đạo tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành và nhân dân đối với việc nâng cao chất lượng học sinh DTTS và giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống cho cán bộ, giáo viên và học sinh; đầu tư cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu dạy học, nuôi dưỡng và chăm sóc học sinh DTTS; xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục đối với học sinh DTTS; thực hiện tốt công tác quản lý dạy học, tăng thời lượng dạy, thực hiện việc đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá và thực hiện đầy đủ, hiệu quả các chế độ, chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với học sinh; tăng cường nguồn lực Nhà nước, đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục.
Hy vọng, với mục tiêu, giải pháp đã được xác định và sự vào cuộc của các cấp, các ngành và toàn xã hội, chất lượng giáo dục đối với học sinh DTTS trên địa bàn tỉnh tiếp tục được nâng cao.
Bài, ảnh: Tú Quyên