Năm học mới, băn khoăn cũ
Sau lễ khai giảng được đánh giá là ngắn gọn, giảm phần lễ, tăng phần hội mà không kém phần trang trọng, 152.300 học sinh trên địa bàn tỉnh chính thức bước vào năm học mới 2017-2018 - năm học được xem là “bản lề” cho sự đổi mới căn bản và toàn diện của giáo dục. Nhưng, bên cạnh những hy vọng, những kỳ vọng vào thế hệ trẻ, trước những yêu cầu bức thiết của đổi mới thì ngành Giáo dục vẫn canh cánh những băn khoăn cũ.
Không băn khoăn sao được khi năm học mới này ngành Giáo dục tỉnh còn thiếu hơn 2.500 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên (riêng giáo viên trực tiếp đứng lớp thiếu tới 1.780 người). Nỗi niềm này không của riêng địa phương nào. Nơi này, than phiền thiếu cán bộ; nơi kia than phiền thiếu giáo viên… Không để trò không có thầy, giải pháp được đưa ra là ghép lớp, bố trí cán bộ quản lý có chuyên môn xuống đứng lớp, hợp đồng thời vụ thêm một số giáo viên… Nhưng, để nâng cao chất lượng dạy và học, về lâu dài không thể mãi trông chờ vào những giải pháp tạm thời, trước mắt đó.
Trong khi đó, dù đợt tuyển sinh vào các trường cao đẳng, đại học năm 2017 đã khép lại nhưng dư luận vẫn chưa hết băn khoăn vì chưa bao giờ ngành giáo dục tụt hạng trên thị trường lao động đến thế. Trong khi nhiều trường đại học 30 điểm/3 môn vẫn chưa chắc trúng tuyển thì có trường sư phạm lấy đầu vào 9 điểm/3 môn. Ngành Sư phạm hay nói rộng hơn là nghề giáo đang thiếu sức hấp dẫn?
Giáo viên thiếu thì vẫn thiếu; còn trên thực tế, nhiều em tốt nghiệp các trường sư phạm, dù tìm đủ mọi cách cũng không thể thỏa được ước mong đứng trên bục giảng. Vì, số lượng biên chế có hạn nên khó xin việc; vì lương, chế độ đãi ngộ không cao, giáo viên chưa phải là nghề trong nhóm có thu nhập cao nên không chỉ những học sinh giỏi nhắm mắt làm ngơ ngành Sư phạm khi đứng trước dấu mốc chọn ngành nghề mà ngay cả không ít người dù tốt nghiệp ngành Sư phạm cũng đã chọn rẽ sang lối đi khác!
Giáo viên lâu nay vẫn luôn được coi là yếu tố then chốt của cải cách, đổi mới giáo dục. Bởi lẽ, không có người thầy giỏi về năng lực chuyên môn và phẩm chất đạo đức thì không thể có nền giáo dục chất lượng. Nên, chưa nói đến năng lực (chất) thì việc thiếu trước hụt sau đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên (lượng) ngay trong những ngày đầu năm học này cũng là vấn đề đáng băn khoăn trước yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay.
Băn khoăn nữa vẫn là chuyện cơ sở vật chất còn thiếu thốn, xuống cấp, tạm bợ. Rồi, chuyện huy động học sinh ra lớp và duy trì sĩ số… Đặc thù giáo dục ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn nên học sinh theo cha mẹ lên rẫy, học sinh lớp 7, lớp 8 trở thành lao động chính của gia đình và cả những băn khoăn học có làm no cái bụng được không, rồi thậm chí tốn bao nhiêu công, bao nhiêu của để cho con theo hết phổ thông lên đến cao đẳng, đại học mà cũng chẳng kiếm được việc làm… đã khiến cho con đường đến trường của nhiều em vốn đã gập ghềnh lại càng gập ghềnh hơn.
Thầy cô giáo các xã vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh những ngày đầu năm học này đành chắt bóp đồng lương ít ỏi đổ xăng vào xe, mua ít bánh kẹo… đến tận nhà, lên tận rẫy để cùng chuyện trò, tâm tình, vận động học sinh, vận động phụ huynh cho con em ra lớp. Nhọc công là vậy nhưng mọi chuyện đâu dễ thuận buồm mát mái. Nghỉ mấy tháng hè, nhiều học sinh quen đà trở nên lười biếng; cha mẹ các em và cả các em khi thầy cô đến vận động thì gật gù mai sẽ đến lớp nhưng rồi chẳng thấy đâu, thậm chí có gia đình còn lánh mặt, tỏ thái độ khó chịu… Nên đầu năm học nào cũng vậy, thầy cô giáo vùng sâu, vùng xa đã khó lại thêm khổ khi vừa dạy, vừa lo dỗ mà chẳng có thêm đồng phụ cấp nào.
Trong khi ở vùng khó khăn lo chuyện huy động học sinh ra lớp thì ở vùng thuận lợi lại băn khoăn gia tăng bạo lực học đường, sự xuống cấp đạo đức của một bộ phận học sinh… dù ngay trong ngày khai giảng năm học mới này (ngày 5/9) cũng là ngày Nghị định 80/2017/NĐ-CP quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường chính thức có hiệu lực. Trước hàng loạt hành vi lệch chuẩn đạo đức lối sống của học sinh, trước hàng loạt vụ việc học sinh đánh đập nhau từ những xích mích rất nhỏ đã khiến cho giáo viên, phụ huynh, học sinh lo ngại. Dư luận hy vọng rằng Nghị định 80 sẽ từng bước xóa bỏ những lo âu đó, giúp cho các em được học tập trong môi trường an toàn, tốt đẹp, để “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”…
Những băn khoăn đã nêu không phải là mới, nếu không nói là cũ, rất cũ. Nhưng, trước yêu cầu của đổi mới thì đó cũng chính là những khó khăn, thách thức đòi hỏi cần thêm quyết tâm, nỗ lực, đột phá để hoàn thành nhiệm vụ.
Mỗi khởi đầu bao giờ cũng mang lại những hy vọng mới. Và, năm học mới 2017-2018 này cũng vậy!
Liễu Hạnh