Một quyết sách đầy ý nghĩa nhân văn
Trong những năm qua, tín dụng chính sách xã hội do Ngân hàng Chính sách xã hội đảm nhận làm “bà đỡ” cho hộ nghèo, hộ chính sách ở vùng nông thôn đã tạo được những chuyển biến tích cực trong xóa đói giảm nghèo, giúp nhiều hộ vươn lên...
Tuy nhiên, với những vướng mắc từ nhiều phía cũng như nguồn vốn chính sách xã hội chưa ổn định, cơ cấu, huy động vốn chưa hợp lý, nên tại một số địa phương, ở một vài thời điểm, nguồn vốn tín dụng chính sách vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu vay vốn đối với hộ nghèo…
Tìm hiểu nguyên nhân, chúng tôi được biết, ngoài thiếu ổn định trong phân bổ nguồn vốn từ trung ương, thì việc huy động nguồn vốn từ ngân sách địa phương chưa được thường xuyên; ở một số nơi thiếu sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, xem việc cho hộ nghèo vay vốn là việc của ngân hàng…
Chỉ thị 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội” chính là “chìa khóa” để tháo mở “nút thắt” này. Và từ đây, việc triển khai giúp các hộ nghèo vay vốn, phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo không còn là “việc riêng” của Ngân hàng Chính sách xã hội nữa, mà là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương, của cả hệ thống chính trị và của toàn xã hội.
Triển khai thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW, cấp ủy, chính quyền các cấp ở tỉnh ta đã nhận thức đầy đủ về quan điểm, vai trò, vị trí của hoạt động tín dụng chính sách xã hội trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội ở địa phương; làm lan tỏa phong trào đầy ý nghĩa nhân văn “Không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Dẫn chứng thuyết phục nhất là hoạt động tín dụng ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội đã huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị từ tỉnh, huyện đến cơ sở, các tổ chức chính trị- xã hội trên địa bàn toàn tỉnh.
Phương thức ủy thác cho vay đối với các tổ chức chính trị- xã hội chính là một cách làm hay - mà trước khi có Chỉ thị 40 - CT/TW chưa bao giờ có tiền lệ. Cách làm này thực sự có hiệu quả khi thực hiện được xã hội hóa công tác tín dụng, đưa đồng vốn đến với người nghèo và các đối tượng chính sách một cách công khai, dân chủ, tiết kiệm…
|
Bên cạnh việc vay vốn, người nghèo còn được hỗ trợ về mọi mặt khi được các ngành có liên quan lồng ghép công tác khuyến nông, khuyến lâm, ứng dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất, góp phần lớn trong việc đem lại sự ổn định cho nông thôn và nông dân, có tác động mạnh mẽ đến các nghị quyết, các dự án, các chương trình giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới… mà Đảng, Nhà nước cũng như của tỉnh đã và đang hướng tới.
Ý nghĩa nhân văn của Chỉ thị 40-CT/TW không chỉ dừng lại ở đó, mà từ khi ra đời đã góp phần không nhỏ trong củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức chính trị -xã hội; đồng thời giúp một bộ phận đồng bào DTTS có hoàn cảnh nghèo, đặc biệt khó khăn chuyển biến nhận thức, tập quán sản xuất, xóa bỏ tự ti mặc cảm, vươn lên thoát nghèo, tự làm giàu chính đáng…
Xin được điểm qua một vài con số “biết nói” kể từ khi Chỉ thị 40-CT/TW ra đời.
Bên cạnh những thuận lợi, những tác động tích cực đến xã hội, hằng năm, ngoài việc tranh thủ tối đa nguồn vốn các chương trình tín dụng chính sách từ trung ương chuyển về, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo bố trí ngân sách cấp tỉnh, cấp huyện để bổ sung nguồn vốn vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn.
Bởi vậy nguồn vốn cho vay được tăng lên hàng năm, tính đến tháng 6/2019, tổng nguồn vốn cho vay toàn tỉnh đạt 2.538,7 tỷ đồng, tăng 1.093,4 tỷ đồng trước khi có Chỉ thị 40-CT/TW. Trong đó, nguồn vốn ủy thác địa phương đã tăng thêm 58,404 tỷ đồng, nâng tổng nguồn vốn ủy thác của địa phương cho đến nay đạt 67 tỷ đồng…
Ý nghĩa nhân văn lớn nhất, có tác động lớn nhất, là kết quả minh chứng hùng hồn nhất, thuyết phục nhất khi có Chỉ thị 40-CT/TW đến nay là đã có 135.650 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Nguồn vốn này đã góp phần giúp cho hơn 23.000 hộ thoát nghèo vươn lên làm giàu; giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh từ 26,11% xuống còn 17,29% theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020; góp phần giúp 18/86 xã đạt chuẩn nông thôn mới, diện mạo nông thôn ngày càng được cải thiện…
Có thể khẳng định, sau 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW đã làm thay đổi rõ nét nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội, khẳng định tính đúng đắn của hoạt động tín dụng chính sách xã hội trong công cuộc giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương.
Chỉ thị 40-CT/TW là một quyết sách đúng đắn, mang đầy ý nghĩa nhân văn của Đảng đối với công cuộc giảm nghèo mà mục tiêu Đảng và Nhà nước đã và đang hướng tới. Và cũng chính từ quyết sách đó, các địa phương đã huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội đối với việc tổ chức thực hiện tín dụng chính sách, làm đòn bẩy, công cụ thực hiện giảm nghèo nhanh, bền vững và xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Dương Đức Nhuận