Mở ra hướng phân luồng nghề nghiệp
Từng băn khoăn với việc đăng ký dự thi chỉ để lấy kết quả xét tốt nghiệp THPT hay lấy kết quả để vừa xét tốt nghiệp THPT vừa xét tuyển đại học, cao đẳng trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2017, cô bé hàng xóm cũ tự nhận thấy mình đã quyết định đúng đắn khi đăng ký thi chỉ để xét tốt nghiệp THPT.
Chả là, cô bé có lực học ở mức trung bình yếu, hoàn cảnh gia đình cũng khá éo le, bố mất sớm, mẹ tần tảo làm thuê đủ mọi việc để nuôi con ăn học. Cô bé đã từng băn khoăn, đăng ký thi chỉ để xét tốt nghiệp THPT, vừa phù hợp với sức học của mình vừa đỡ đần công việc, tiết kiệm chi phí thời gian lẫn tiền bạc của mẹ hay là đăng ký thi vừa xét tốt nghiệp THPT vừa lấy kết quả để xét vào một trường đại học, cao đẳng ở Thành phố Hồ Chí Minh cho bằng bạn bằng bè?
Nhưng, được thầy cô giáo tư vấn, định hướng, cô bé đã chọn thi để lấy kết quả chỉ để xét tốt nghiệp THPT.
Cô bé nói, chẳng phải phương tiện truyền thông đại chúng vẫn nêu tỉ lệ cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp tăng dần qua các năm. Mà chẳng nhìn đâu xa, những anh, chị ở xung quanh nhà cháu, có bằng cử nhân rồi mà mãi không xin được việc, đành quay lại xin ông chủ thầu cho một chân phụ hồ hay buôn bán hàng hóa lặt vặt đó sao!
“Cháu nghĩ một khi có sự lựa chọn đúng ngay từ đầu sẽ tiết kiệm được thời gian, tránh đi đường vòng, tức là cũng đã dành được một phần thắng lợi. Với sức học như cháu khó có cơ hội đỗ đại học, nếu đỗ cũng khó có cơ hội việc làm, nên cháu tự chọn cho mình hướng đi thi chỉ để tốt nghiệp THPT, sau đó học nghề, kiếm nghề phù hợp, đỡ lãng phí thời gian, tiền bạc của mẹ. Đến nay, sau một năm gắn bó với công việc lễ tân tại một khách sạn tư nhân trên địa bàn thành phố Kon Tum, cháu tự tin với sự lựa chọn và công việc của mình cô ạ” - cô bé chia sẻ.
Hướng đi của cô bé hàng xóm cũ đang dần trở thành xu thế được nhiều học sinh lớp 12 lựa chọn trong những năm gần đây. Năm nay cũng vậy, trong tổng số 4.474 thí sinh trên địa bàn tỉnh đăng ký dự thi, có 1.023 thí sinh đăng ký dự thi chỉ để lấy xét kết quả tốt nghiệp THPT.
So sánh với các năm trước, năm 2017, trên địa bàn tỉnh có 4.077 thí sinh đăng ký sự thi, trong đó có 1.195 thí sinh dự thi chỉ để lấy kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT. Năm 2016, toàn tỉnh có 4.242 thí sinh đăng ký dự thi, trong đó có 1.610 thí sinh đăng ký thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT. Và năm 2015, trong tổng số 3.135 thí sinh, có 1.753 thí sinh đăng ký dự thi ở cụm thi địa phương chỉ để xét tốt nghiệp.
Số liệu thống kê cho thấy, số lượng thí sinh đăng ký dự thi chỉ để xét tốt nghiệp được duy trì qua các năm và đây là dấu hiệu tốt của phân luồng nghề nghiệp. Từ kỳ thi này sẽ chia thành hai nhánh, một nhánh đăng ký thi chỉ lấy kết quả tốt nghiệp sẽ tiếp tục chọn con đường riêng như: học nghề, đi làm… và một nhánh đăng ký vừa lấy kết quả xét tốt nghiệp vừa để xét vào đại học, cao đẳng lựa chọn con đường lên học bậc cao hơn.
Điều này phần nào cho thấy sự thay đổi trong nhận thức, quan niệm của mỗi học sinh cũng như của mỗi gia đình và toàn xã hội khi xác định năng lực bản thân và nhu cầu lựa chọn nghề nghiệp tương lai. Vì, cách đây khoảng 5 năm, các em sau khi thi tốt nghiệp THPT là đến hẹn lại… khăn gói đổ xô đi các tỉnh, thành lớn để dự thi vào đại học, vừa lãng phí thời gian lẫn tiền bạc, công sức. Còn bây giờ, kỳ thi không chỉ tổ chức ngay tại địa phương mà còn giúp các em có sự lựa chọn ngay trong một lần thi.
Nói như vậy không có nghĩa là những em đăng ký thi chỉ để xét tốt nghiệp THPT sẽ hoàn toàn không có cơ hội theo học cao đẳng, đại học. Các em dự thi chỉ để xét tốt nghiệp THPT vẫn có thể đăng ký vào trường đại học xét tuyển theo đề án tuyển sinh riêng.
Những em không học tiếp đại học, cao đẳng mà đi học nghề, đi làm, những kiến thức và kĩ năng cơ bản trang bị trong trường phổ thông đủ để các em thích ứng được với đời sống lao động.
Có thể nói, kỳ thi này là cơ hội hết sức quan trọng mở ra hướng phân luồng nghề nghiệp sớm, góp phần đảm bảo mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đề ra: phấn đấu đến cuối năm 2020, 80% người trong độ tuổi đạt trình độ giáo dục trung học phổ thông và tương đương.
Vấn đề còn lại, không chỉ 1.023 em đăng ký dự thi để lấy kết quả xét tốt nghiệp THPT, mà cả gia đình các em và toàn xã hội mong muốn – các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh sớm có sự định hướng, hỗ trợ (học nghề, cơ hội tiếp cận việc làm, nguồn vốn…) để các em tìm hiểu, cân nhắc học nghề, chọn nghề, tìm kiếm việc làm sau khi tham dự kỳ thi THPT quốc gia này.
Liễu Hạnh