Lực lượng chủ công trên mặt trận kinh tế
Những năm qua, đồng hành cùng sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và của tỉnh, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân từng bước lớn mạnh, trở thành một lực lượng nòng cốt, tiên phong trên mặt trận kinh tế, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội của đất nước nói chung và của tỉnh ta nói riêng.
Tuần qua, theo dõi dòng thông tin thời sự của cả nước, tôi đặc biệt ấn tượng về sự kiện Diễn đàn Doanh nhân Việt Nam 2019 (ngày 5/10) diễn ra tại thành phố Đà Nẵng, do Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Hội đồng Trung ương các Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam nhân tổ chức nhân Kỷ niệm 15 năm ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/2004-13/10/2019).
Ngay chủ đề của Diễn đàn: “Việt Nam 2045 - Khát vọng hùng cường và sứ mệnh doanh nhân: Tổ quốc gọi tên mình”, đã tạo ấn tượng mạnh không chỉ đối với khách mời tham gia sự kiện mà với cả giới truyền thông và những người quan tâm; bởi, qua đó cho thấy nhận thức sâu sắc về vai trò, sứ mệnh, khát vọng của các doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân Việt Nam đối với sự phát triển của đất nước trong thời kỳ hội nhập kinh tế thế giới và trước sự thôi thúc hành động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Theo thống kê, cả nước hiện có trên 715.000 doanh nghiệp hoạt động, trên 5 triệu hộ kinh doanh; số lượng doanh nhân khoảng 5-7 triệu người. Khu vực doanh nghiệp dưới các loại hình khác nhau đang đóng góp trên 60% GDP, khoảng 70% nguồn thu ngân sách nhà nước, thu hút hàng chục triệu lao động.
Riêng tại tỉnh ta, 15 năm qua, số lượng các doanh nghiệp gia tăng nhanh. Hiện, toàn tỉnh có gần 2.100 doanh nghiệp đang hoạt động. Chỉ trong 9 tháng, tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập mới cho 204 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký trên 2.317 tỷ đồng. Cùng với cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân cả nước, các doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân tỉnh ta ngày càng nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình, không ngừng nâng cao trình độ quản lý, năng lực cạnh tranh, quan tâm xây dựng văn hóa kinh doanh, tăng cường sự đoàn kết, hợp tác, tạo nên sức mạnh để vượt qua mọi khó khăn, thách thức, không ngừng lớn mạnh và phát triển bền vững.
|
Các doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân đang khẳng định vai trò, vị thế là lực lượng chủ yếu tạo lập và phát triển các mô hình tổ chức sản xuất, kinh doanh mới, xây dựng các mô hình doanh nghiệp theo hướng hiện đại; đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ và ngành nghề; khai thác tốt các lợi thế của địa phương; qua đó, nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao vị thế, uy tín, xây dựng thương hiệu hàng hóa tỉnh ta.
Nhiều sản phẩm của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh từng bước tạo dựng được chỗ đứng và khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và vươn ra thị trường khu vực và thế giới như: Cà phê Đăk Hà, sâm Ngọc Linh, rượu vang sim Măng Đen…
Mặc dù, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Kon Tum chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ, nhưng với sự năng động, sáng tạo của đội ngũ doanh nhân nên đã có những đóng góp không nhỏ vào sự tăng trưởng, phát triển kinh tế của tỉnh, góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng về công nghiệp, thương mại - dịch vụ, giảm dần tỷ trọng về nông - lâm nghiệp; đồng thời, góp phần giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động, đóng góp hàng chục tỷ đồng vào quỹ xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển bền vững.
Kết quả ấy, trước hết đến từ chính nỗ lực của các doanh nghiệp, sự năng động, khát vọng làm giàu chính đáng của các doanh nhân. Đó cũng là kết quả tất yếu của quá trình đổi mới tư duy, trước hết là tư duy kinh tế nhằm “cởi trói cho doanh nghiệp”, “làm cho sản xuất bung ra” bằng rất nhiều chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, nghị quyết, chương trình hành động của Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hỗ trợ vốn vay, đẩy mạnh sản xuất, mở rộng thị trường xuất khẩu...
Những năm qua, các cấp, các ngành và các địa phương trên địa bàn tỉnh ta luôn quan tâm chỉ đạo, đề ra nhiệm vụ và giải pháp thiết thực nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh như: Tổ chức gặp mặt, cà phê và đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp, doanh nhân vào sáng thứ 5 hàng tuần; thiết lập và đưa vào vận hành hệ thống “Tiếp nhận, phản hồi kiến nghị của doanh nghiệp” trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh; thành lập Tổ hỗ trợ thủ tục đầu tư tỉnh để giúp UBND tỉnh trong việc hỗ trợ, giải quyết các thủ tục đầu tư; thành lập Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh Kon Tum...
Bên cạnh đó, các ngành, các địa phương tích cực thực hiện cải cách hành chính, giảm phiền hà; lắng nghe và tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết hàng tồn kho, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa; giúp các doanh nghiệp tham gia các hội chợ triển lãm trong nước và quốc tế… Tất cả những việc làm trên nhằm hướng đến mục tiêu tốt đẹp là, để các doanh nghiệp, doanh nhân có niềm tin, động lực và điều kiện thuận lợi nhất để hoạt động, phát triển đạt hiệu quả cao trong sản xuất kinh doanh.
Song, phải thẳng thắn thừa nhận rằng, còn một bộ phận doanh nghiệp, doanh nhân, trong đó có không ít doanh nhân nắm giữ các vị trí quan trọng trong các doanh nghiệp nhà nước còn nhiều hạn chế, yếu kém về năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành, thiếu tinh thần trách nhiệm, thiếu kiến thức, bản lĩnh trên thương trường, dẫn đến việc đầu tư, điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh kém hiệu quả, không những không mang lại doanh thu, lợi nhuận mà thậm chí gây thất thoát tiền của Nhà nước…
Mặc dù vậy, phải khẳng định rằng nếu coi kinh tế là một mặt trận thì doanh nghiệp, doanh nhân chính là những người chiến sĩ tiên phong, là lực lượng chủ công trên mặt trận ấy. Chính các doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân đã đóng góp tích cực vào mục tiêu tăng trưởng, phát triển kinh tế của tỉnh, góp phần vào phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh của địa phương, đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum.
Thiên Hương