Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia: Đã đi vào cuộc sống
Một tín hiệu đáng mừng, 1 tháng qua, kể từ khi có hiệu lực thi hành (1/1/2020), Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt đã thực sự đi vào cuộc sống.
Trước đó, khi Luật này chưa có hiệu lực, không ít người nghi ngờ tính khả thi của nó, bởi theo họ, thật khó có thể bỏ được thói quen tụ tập uống rượu bia của một bộ phận không nhỏ người dân và cả thói quen điều khiển phương tiện giao thông sau khi đã sử dụng rượu, bia.
Thế nhưng, ngay từ khi Luật có hiệu lực thi hành và nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 vừa qua cho thấy, mọi người dân rất ý thức chấp hành.
Ngược dòng thời gian, những ngày Tết trước đây, hầu như nhà nào cũng chuẩn bị sẵn rượu bia để cùng khách đến chúc Tết nâng đôi ly mừng xuân. Vậy là mỗi nhà “ít ly” thành ra “y lít”, nhiều người say men không làm chủ được bản thân, phóng xe máy hay điều khiển xe ô tô vun vút trên đường.
Thế nhưng, Tết năm nay lại khác hoàn toàn. Tuy nhà nào cũng có sẵn rượu bia, nhưng chủ nhà không nài ép, tùy khách chọn thức uống theo sở thích của mỗi người. Khách hầu hết cũng chỉ dùng trà hoặc nước ngọt; người dùng bia, rượu thì thường có vợ hoặc con cùng đi để điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Không chỉ trong dịp Tết, giờ đây, người dân đã biết cách từ chối ly rượu, cốc bia nếu phải lái xe. Và họ cũng đã biết sử dụng phương tiện công cộng để đến hàng quán dự tiệc, vừa đảm bảo an toàn cho mình và cho người thân, vừa không phải bị cơ quan chức năng xử lý.
|
Đây chính là một tín hiệu vui, khi mỗi người dân nâng cao ý thức, nghiêm chỉnh tuân thủ quy định của pháp luật về cấm điều khiển phương tiện tham gia giao thông sau khi sử dụng rượu, bia. Ngay cả những người được xem là “đệ tử Lưu Linh” cũng lắc đầu nói không với rượu bia trước khi điều khiển ô tô, xe máy với lý do “thà nhịn thèm còn hơn bị phạt nặng”. Minh chứng rõ nét là trong dịp Tết vừa qua, lực lượng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) kiểm tra hàng trăm trường hợp người điều khiển xe ô tô và mô tô nhưng chỉ phát hiện 21 trường hợp vi phạm nồng độ cồn.
Nhớ lại câu chuyện khi mới quy định điều khiển xe mô tô, xe máy phải đội mũ bảo hiểm trước đây, nhiều người dân cho rằng thật phiền toái mỗi khi ra đường phải chụp “cái nồi cơm điện” lên đầu. Thế nhưng, đến bây giờ, người người đã có thói quen khi điều khiển xe máy là đội mũ bảo hiểm. Và giờ đây, trên đường có một người nào đó phóng xe máy mà không đội mũ bảo hiểm, lập tức có hàng trăm con mắt nhìn vào cùng lời xầm xì: “Chẳng giống ai cả”.
Và đến hôm nay, tín hiệu vui từ Tết Nguyên đán vừa qua chính là sự khởi nguồn cho một ý thức mới, một thói quen mới: Không điều khiển phương tiện giao thông khi đã uống rượu, bia. Và giờ đây ai cũng tin tưởng rằng, dần dà nó cũng thành một thói quen giống như câu chuyện phải đội mũ bảo hiểm khi điều khiển xe máy.
Cùng với sự nâng cao ý thức, chấp hành nghiêm chỉnh quy định không điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi đã uống rượu, bia, một điều đáng mừng là từ khi Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có hiệu lực, tình hình tai nạn giao thông đã giảm mạnh cả 3 tiêu chí.
Theo báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, trong 7 ngày Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, cả nước xảy ra 198 vụ tai nạn giao thông, làm chết 133 người, bị thương 174 người, so với 7 ngày Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, tai nạn giao thông giảm 24 vụ (giảm 10,8%), giảm 7 người chết (giảm 5%), giảm 38 người bị thương (giảm 17,9%). Và theo số liệu từ Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho thấy số vụ nhập viện do tai nạn giao thông đã giảm trên 17% so với cùng kỳ; tai nạn thương tích nói chung và tai nạn giao thông nói riêng liên quan tới nồng độ cồn đã giảm sâu.
Tại tỉnh ta, trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, trên địa bàn toàn tỉnh không xảy ra vụ tai nạn giao thông nào, so với dịp nghỉ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi đã giảm cả 3 tiêu chí (giảm 1 vụ, giảm 1 người chết, giảm 1 người bị thương).
Khẳng định rằng, hiệu quả đạt được như đã nêu trên là nhờ việc ra quân đồng loạt, quyết liệt của các lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý với mức phạt nặng hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông sau khi sử dụng rượu, bia; cùng với đó, là việc làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100 của Chính phủ.
Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt đã thực sự đi vào cuộc sống không chỉ tạo được nếp sống mới, văn minh khi sử dụng rượu, bia trong những ngày lễ, tết, hội hè mà còn thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí; đồng thời ngăn chặn được những hệ lụy đau lòng do sự lạm dụng rượu bia gây ra.
Dương Đức Nhuận