Liên kết tạo “sức mạnh bó đũa”
Thời gian gần đây, người trồng chanh leo lại than vắn thở dài. Không than thở sao được khi trái chanh leo từng có thời kỳ lên tới 50 nghìn đồng/kg thì nay rớt giá thê thảm, chỉ còn 5 nghìn đồng/kg khi bán đổ đống dọc các tuyến phố Kon Tum. Đó là giá tới tận tay người tiêu dùng, còn giá bán buôn thu mua tại vườn cũng chỉ 2 – 3 nghìn đồng/kg.
Kiểu nông sản rớt giá này không quá lạ với người nông dân Kon Tum trong những năm gần đây. Không có đầu ra ổn định, lại phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc nên người nông dân thường thụ động trong việc tìm kiếm đầu ra, giá cả sản phẩm. Trước chanh leo, người nông dân hết lao đao vì giá mì, cao su, lại đến tiêu, heo thịt, bò thịt… xuống thấp chưa từng thấy.
Thương cho bà con nông dân một nắng hai sương tảo tần với ruộng vườn. Trông chờ vào đó cả, từ chi tiêu hàng ngày của cả gia đình cho đến tiền học phí, sách vở, bút mực cho đàn con đi học… Bấp bênh quá, chẳng có gì là “ăn chắc mặc bền” cho bà con cả.
Không ít người cho rằng, chẳng phải lúc giá cao, bà con được hưởng lợi hay sao? Đúng là lúc nông sản giá cao, bà con được hưởng lợi thành quả thật; nhưng hầu như chỉ được trong một thời gian ngắn và số người hưởng lợi ít, theo kiểu tiên phong thử nghiệm mô hình mới, cây con mới hoặc biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất… Còn lại đại đa số nông dân vẫn đành chấp nhận rủi ro. Bà con ngoài phải “Trông trời, trông đất, trông mây/ Trông mưa, trông nắng, trông ngày, trông đêm”, thì nay còn phải thêm “trông chừng giá cả” nữa!
Và khi giá cả nông sản bấp bênh như hiện tại thì kiểu “trông” này của bà con lắm khi cũng như “đánh cược”.
Làm gì để giúp bà con vượt qua được kiểu “trông” này? Chưa nói đến hàng loạt vấn đề về thị trường, về tính định hướng, về mối quan hệ cung cầu…, một vấn đề được đặt ra từ lâu nay là tính liên kết giữa nhà nông và nhà doanh nghiệp.
Còn nhớ trong lần trò chuyện với một nông dân về giá cà phê, bác đã nói rằng, rất mong muốn có được mối liên kết này để hai bên cùng có lợi. Bên doanh nghiệp tổ chức sản xuất, hỗ trợ kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm; bên nông dân như bác đáp ứng các tiêu chuẩn doanh nghiệp đặt ra và bán sản phẩm cho doanh nghiệp. Hai bên có đưa ra mức giá trần thấp nhất và khi giá tăng đến một mức nào đó thì có sự điều chỉnh. Bác chỉ sợ rằng, liên kết là vậy nhưng doanh nghiệp vẫn quen lối làm ăn bằng cách dựa vào thương lái để thu mua nông sản. Nguồn cung khan hiếm chẳng nói làm gì, khi nguồn cung dồi dào, chẳng những bị o ép giá mà thậm chí sản phẩm làm ra chẳng được doanh nghiệp ngó ngàng tới. Rốt cuộc người nông dân như bác vẫn phải chịu thiệt.
Ngược lại, phía doanh nghiệp thì cho rằng, người nông dân chưa quen với quy trình sản xuất khoa học nên sản phẩm làm ra nhiều khi chưa đạt yêu cầu. Đáng nói nữa là khi nguồn cung nhiều, rẻ chẳng nói làm gì, khi khan hiếm, giá cao, bà con sẵn sàng bội tín, phá vỡ liên kết để chạy theo lợi nhuận trước mắt. Nguồn cung vì thế thiếu ổn định khiến cho doanh nghiệp rơi vào thế bị động, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh…
Băn khoăn, lo lắng đấy của những người nông dân và của các doanh nghiệp không phải không có lý. Khi trên thực tế kiểu dạng liên kết lỏng lẻo, có “liên” nhưng không có “kết”, rồi kiểu làm ăn chụp giật, dễ chối bỏ trách nhiệm… dẫn đến bị tan vỡ cũng không phải là hiếm. Vậy là, sản xuất, tiêu thụ nông sản vẫn cứ theo kiểu mạnh ai nấy làm!
Để không còn những câu chuyện buồn vì nông sản liên tục rớt giá, vì nông sản liên tục cần được “giải cứu” thì không thể không liên kết lại. Câu chuyện về “sức mạnh bó đũa” là một bài học đáng thực thi và cà phê Sáu Nhung là một ví dụ. Dù “sinh sau đẻ muộn” nhưng sản phẩm cà phê Sáu Nhung đã được Cục sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chứng nhận đăng ký thương hiệu và tặng huy chương vàng dành cho sản phẩm chất lượng cao phù hợp tiêu chuẩn; được Tổng cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng cấp mã số mã vạch… Thành quả ấy cũng bắt nguồn từ mối liên kết với người nông dân. Trong tổng diện tích cà phê 238 ha đang chăm sóc của Hợp tác xã thì có tới 208 ha liên kết với 104 hộ dân. Chỉ tính trong năm 2016, Hợp tác xã cung ứng đầu vào (chủ yếu là phân bón) 425 triệu đồng và giá trị bao tiêu sản phẩm 872 triệu đồng. Liên kết tốt, toàn bộ diện tích được chăm sóc theo tiêu chuẩn hữu cơ Việt Gap, sản phẩm làm ra được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, thị trường ưa chuộng...
Sẽ ít đi những điệp khúc buồn rớt giá và sẽ có nhiều hơn những sản phẩm được nhiều người biết đến như cà phê Sáu Nhung, nếu người nông dân và doanh nghiệp cùng vượt qua những “rào cản” cũ…
Liễu Hạnh