Liên kết để tạo sức mạnh đa chiều
Liên kết trong sản xuất thông qua kinh tế tập thể, HTX là hướng đi tất yếu trong điều kiện kinh tế thị trường, cũng như trước những tác động tiêu cực của thiên tai, thời tiết. Qua đó, tạo được sức mạnh tổng hợp, đa chiều mang lại lợi ích thiết thực cho người nông dân. Kinh tế hợp tác hoạt động thực chất và hiệu quả cũng sẽ là nền tảng vững chắc cho tiến trình cơ cấu lại và chuyển đổi mô hình tăng trưởng ngành nông nghiệp.
Một trong những sự kiện nổi bật của tỉnh trong tuần qua là Hội nghị trực tuyến Tỉnh ủy với các địa phương tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18/3/2002, Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể và tổng kết 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã (HTX) năm 2012 trên địa bàn tỉnh. Đây là dịp để chúng ta đánh giá về những kết quả đã đạt được sau 20 năm thực hiện đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể; thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế để tiếp tục đề ra những giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế HTX, đáp ứng yêu cầu xây dựng Kon Tum phát triển nhanh và bền vững.
Báo cáo tại Hội nghị khẳng định, những năm gần đây, kinh tế tập thể, HTX trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực cả về lượng và chất. Hiện tại, toàn tỉnh có 195 HTX, tăng 161 HTX so với năm 2001, với 9.733 thành viên, trong số đó, có khoảng 70% số HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Bên cạnh đó, toàn tỉnh cũng có 210 tổ hợp tác thu hút hơn 11.000 thành viên tham gia. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các HTX ngày càng hiệu quả, phát huy được vai trò kinh tế tập thể.
|
Nhìn một cách tổng quan, về mặt kinh tế, các HTX đã thúc đẩy sản xuất trên địa bàn phát triển, tận dụng được nguồn lực như đất đai, nguyên liệu, vốn, lao động; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng cung cách làm ăn mới, chuyên nghiệp và hiệu quả nâng cao đời sống của người dân. Về mặt xã hội, HTX là mô hình tương trợ, tự giúp đỡ lẫn nhau để cùng vươn lên thoát nghèo và làm giàu, góp phần giải quyết việc làm cho người dân nông thôn.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định vai trò, sự cần thiết và tầm quan trọng của HTX, từ những ngày đầu đất nước giành độc lập. Trong thư gửi Nông gia Việt Nam vào ngày 11/4/1946, Bác Hồ đã viết: “Hợp tác xã là hợp vốn, hợp sức mạnh với nhau. Vốn nhiều, sức mạnh, thì khó nhọc ít, mà lợi ích nhiều”.
Rõ ràng, khi người dân liên kết, hợp tác, cùng nhau tổ chức sản xuất lớn, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp và đối với người nông dân, góp phần khắc phục được phương thức sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, xây dựng những khu sản xuất tập trung, vùng nguyên liệu lớn, giúp tối ưu hóa chi phí sản xuất, góp phần cân đối cung - cầu. HTX với quy mô sản xuất lớn cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi để đưa tiến bộ khoa học vào sản xuất, tạo ra sản phẩm có chất lượng đồng đều, kiểm soát được chất lượng cũng như vấn đề an toàn thực phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa nông sản.
HTX sẽ giúp sản phẩm hàng hóa của người dân làm ra tiêu thụ tốt hơn vì có khả năng đàm phán, liên kết tiêu thụ sản phẩm; đồng thời, giúp nông dân định hướng sản xuất, hạn chế điệp khúc được mùa - rớt giá khi nông dân sản xuất theo kiểu mạnh ai nấy làm.
Đặc biệt trong thời gian vừa qua, khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều HTX trên địa bàn tỉnh đã chứng minh được hiệu quả hoạt động trong việc định hướng sản xuất theo nhu cầu thị trường và liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Liên kết trong sản xuất thông qua kinh tế tập thể, HTX là hướng đi tất yếu trong điều kiện kinh tế thị trường, cũng như trước những tác động tiêu cực của thiên tai, thời tiết. Qua đó, tạo được sức mạnh tổng hợp, đa chiều mang lại lợi ích thiết thực cho người nông dân. Kinh tế hợp tác hoạt động thực chất và hiệu quả cũng sẽ là nền tảng vững chắc cho tiến trình cơ cấu lại và chuyển đổi mô hình tăng trưởng ngành nông nghiệp.
Dẫu vậy, việc thay đổi tập quán, thói quen, tư duy sản xuất, kinh doanh từ độc lập, cá thể sang kinh tế tập thể, HTX không phải là chuyện có thể làm trong một sớm một chiều. Kết quả tích cực, đột phá mà HTX mang lại cũng không thể đánh giá được trong ngày một ngày hai mà cần cả một quá trình. Do đó, để xây dựng được mối liên kết và phát huy hiệu quả của kinh tế tập thể cần có sự bền bỉ, đồng thuận, đồng lòng của các cấp, các ngành và người dân.
Thùy Hương