Lấp lánh niềm tin
Sáng 18/12, Hội nghị Trung ương 14 (khóa XII) bế mạc sau gần 5 ngày làm việc. Đây là một trong những hội nghị "chốt", hoàn thiện các công việc trước khi diễn ra Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Cũng như bao người dân Kon Tum, những ngày qua, tôi đã toàn tâm, toàn ý dõi theo Hội nghị với tất cả lòng tự hào và tin tưởng.
Đúng ngày khai mạc Hội nghị Trung ương 14 (khóa XII), khi mặt trời thức giấc sau những dãy núi, già A Plung trang trọng đem lá cờ Tổ quốc mới tinh được ông cẩn thận cất giữ lâu nay treo trước nhà rông. Giữa những tia sáng xua tan sương núi, lá cờ đỏ sao vàng tung bay, mang theo niềm tin của dân làng.
"Qua ti vi, đài, báo, già và dân làng Kon Kơ La biết rằng, Hội nghị Trung ương 14 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, bàn nhiều nội dung liên quan trực tiếp đến việc chuẩn bị và tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, trong đó có bỏ phiếu giới thiệu nhân sự tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII. Dân làng tin tưởng, các vị Ủy viên trung ương sẽ thảo luận dân chủ, kỹ lưỡng, phát huy tinh thần trách nhiệm trong "chọn mặt gửi vàng", lựa chọn, giới thiệu những đảng viên ưu tú nhất- già A Plung chia sẻ.
Tôi không biết trong ngày này, có bao nhiêu lá cờ mới được treo lên trang trọng; có bao nhiêu già làng như già A Plung sáng sớm kéo cờ Tổ quốc như một cách để bày tỏ, để gửi gắm niềm tin tới Đảng.
Nhưng tôi chắc chắn một điều rằng, dù ở nông thôn hay thành thị, dù là cán bộ, công chức, giáo viên hay công nhân, tiểu thương, lái xe…, tất cả đều nhận rõ, công tác cán bộ nói chung, công tác nhân sự trước mỗi kỳ Đại hội Đảng nói riêng có vị trí đặc biệt quan trọng, liên quan đến sự thành công của đại hội Đảng và công tác lãnh đạo của Đảng; liên quan đến sự sống còn của Đảng, sự phát triển bền vững của Đảng và đất nước.
|
Là một trong hai nhiệm vụ quan trọng của Đại hội Đảng (chuẩn bị văn kiện và nhân sự Đại hội), song công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội phức tạp và nhạy cảm hơn, vì liên quan trực tiếp đến tâm tư, tình cảm, uy tín, danh dự và lợi ích của mỗi con người, mỗi cán bộ, đảng viên.
Vì vậy, hoàn toàn dễ hiểu khi mỗi người đều quan tâm đến Hội nghị Trung ương lần thứ 14 (khóa XII); quan tâm đến vấn đề Đảng sẽ lựa chọn, bố trí đội ngũ cán bộ lãnh đạo (Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư) như thế nào để đảm bảo tập thể lãnh đạo đó đủ đức và tài, hoàn thành tốt nhất trọng trách mà Tổ quốc và nhân dân giao phó.
Hơn 90 năm qua, với 12 kỳ đại hội Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta luôn đặc biệt quan tâm đến công việc trọng yếu này. Ở từng chặng đường cách mạng, công tác nhân sự của mỗi kỳ Đại hội góp phần quan trọng, mang tính quyết định, tạo nên đội ngũ cán bộ nói chung, cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp chiến lược nói riêng vừa hồng vừa chuyên, đáp ứng yêu cầu của tình hình và nhiệm vụ cách mạng đòi hỏi.
Trong bài viết “Một số vấn đề cần đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Công tác nhân sự Đại hội là vô cùng quan trọng, hết sức phức tạp, khó khăn, nặng nề, đòi hỏi Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cả hệ thống chính trị phải làm việc với tinh thần trách nhiệm rất cao, với quyết tâm, nỗ lực rất lớn; nhất là, phải làm thật sự công tâm, khách quan, khoa học trên tinh thần đặt lợi ích của quốc gia - dân tộc, của Đảng, của nhân dân lên trên hết, trước hết.
Thực tế cũng cho thấy, việc giới thiệu nhân sự các cấp (từ Đại hội Đảng bộ các cấp đến Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng) đã được xem xét, cân nhắc và thực hiện theo đúng Điều lệ, nghị quyết, chỉ thị, quy chế, quy định, kết luận của Đảng và pháp luật của Nhà nước; trong đó, đặc biệt coi trọng chất lượng, số lượng và cơ cấu hợp lý. Việc bầu ra cơ quan lãnh đạo các cấp được thực hiện theo nguyên tắc tập trung dân chủ, tạo môi trường thực sự dân chủ trong quá trình chuẩn bị nhân sự và trong bầu cử tại đại hội.
Đó cũng là minh chứng cho thấy, trong công tác cán bộ, Đảng không chỉ chuẩn hóa, siết chặt kỷ luật, kỷ cương mà còn luôn tạo cơ chế, môi trường, điều kiện để khuyến khích sự đổi mới, sáng tạo, song phải đảm bảo sự cẩn trọng, công tâm của cán bộ, đảng viên và đi liền cùng đó là tăng cường việc kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền, so bì, tị nạnh, chạy phiếu… để kịp thời ngăn chặn và đẩy lùi các hiện tượng tiêu cực.
Không phụ sự kỳ vọng, tin tưởng của nhân dân, tại Hội nghị Trung ương lần thứ 14 này, Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận dân chủ, kỹ lưỡng, bỏ phiếu biểu quyết với sự nhất trí rất cao nhân sự tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư khoá XIII, bao gồm cả nhân sự Bộ Chính trị, Ban Bí thư khoá XII tái cử và nhân sự lần đầu tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Ban Chấp hành Trung ương giao cho Bộ Chính trị và Tiểu ban Nhân sự tiếp tục xem xét, bổ sung, hoàn thiện các phương án nhân sự theo đúng Phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII và quy trình công tác nhân sự đã đề ra để báo cáo Ban Chấp hành Trung ương xem xét, quyết định tại Hội nghị Trung ương 15 sắp tới.
Cái gì đi từ trái tim sẽ đến trái tim. Từ ngày ra đời đến nay, Đảng ta luôn được đại đa số người dân tin tưởng vì luôn thực hiện mục tiêu, lý tưởng nhất quán là đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc và mang lại hạnh phúc cho nhân dân. Lợi ích của Đảng luôn gắn bó, hòa quyện và nằm trong lợi ích của các tầng lớp nhân dân, lợi ích của quốc gia, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Đảng ta vĩ đại, vì ngoài lợi ích của giai cấp, của nhân dân, của dân tộc, Đảng ta không có lợi ích gì khác”.
Trí tuệ, năng lực, sức sống của Đảng trước hết phụ thuộc vào trí tuệ, năng lực, phẩm chất chính trị và đạo đức của đội ngũ cán bộ, đảng viên, mà trong đó, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư là bộ tham mưu chiến đấu, hạt nhân lãnh đạo chính trị và là trung tâm đoàn kết, thống nhất cao của toàn Đảng, toàn dân tộc. Việc giới thiệu, lựa chọn nhân sự bảo đảm đúng quy định của Điều lệ Đảng, các quy định, quy chế của Trung ương, của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, bảo đảm vừa phát huy dân chủ, vừa tập trung thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện đúng những chủ trương, biện pháp mà Trung ương đã quyết định chính là nền tảng tạo dựng niềm tin vững chắc, tập hợp quần chúng vững bước đi theo mục tiêu, lý tưởng và thực hiện thắng lợi sự nghiệp cách mạng.
Trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương lần thứ 14, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã một lần nữa khẳng định, Tiểu ban Nhân sự và Bộ Chính trị đã họp nhiều lần, xem xét một cách dân chủ, khách quan, toàn diện; rà soát chặt chẽ, kỹ lưỡng, bổ sung, hoàn chỉnh các phương án nhân sự theo đúng phương hướng, quy trình công tác nhân sự đã đề ra. Đây cũng là kiến tạo niềm tin, truyền cảm hứng tích cực cho nhân dân một cách hiệu quả, bền vững nhất.
Khi đọc những dòng chữ này, tôi lại nhớ đến lá cờ Tổ quốc còn nguyên nếp gấp được già làng A Plung trang trọng treo lên trước nhà rông tung bay rực rỡ trong nắng mai nơi núi rừng.
Trong dáng bay mềm mại mà hiên ngang ấy lấp lánh niềm tin!
Hồng Lam