Lắng nghe ý kiến của cử tri
Các đại biểu Quốc hội, HĐND lắng nghe nguyện vọng của cử tri, khẩn trương kiểm tra thực tế và tích cực đưa tiếng nói của cử tri đến với cơ quan chức năng, cấp có thẩm quyền xem xét...
|
Câu chuyện thứ nhất, tại các địa phương có tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua, trong nhiều năm qua, các đơn vị thi công đã xới lên, đào lấp, san ủi mặt bằng, xây cầu, dựng cống… mãi mà chưa có hồi kết thúc. Chỉ đến khi đại biểu Quốc hội tỉnh cùng với đại biểu Quốc hội các tỉnh Tây Nguyên có đường Hồ Chí Minh đi qua đang thi công mang tiếng nói của cử tri phản ánh trước diễn đàn Quốc hội, thì các đoàn công tác của Bộ Giao thông Vận tải “vi hành” và lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải đã có lời hứa: “Dự án nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh đoạn qua Kon Tum phấn đấu từ nay đến trước Tết âm lịch sẽ trải thảm bê tông nhựa lớp 1 đối với các đoạn đi qua khu dân cư để người dân thuận lợi trong đi lại, phấn đấu sẽ cơ bản hoàn thành vào tháng 6/2015”.
Câu chuyện thứ hai, tại các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh trong những năm qua còn quá nhiều bất cập về vấn đề trang thiết bị y tế, đạo đức nghề nghiệp, năng lực chuyên môn của cán bộ y tế. Cụ thể, hiện nay, người dân ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh vẫn không tiếp cận được với các dịch vụ y tế hiện đại. Khi đau ốm với những căn bệnh đáng ra được điều trị tại tuyến cơ sở, nhưng do thiếu thiết bị y tế, hoặc thiếu đội ngũ bác sĩ chuyên khoa sâu, nên y tế tuyến cơ sở phải chuyển bệnh nhân lên tuyến trên để điều trị, gây tốn kém khá nhiều công sức, tiền bạc cho người dân và gây quá tải cho các bệnh viện tuyến trên.
Tiếp thu ý kiến này của cử tri, trong năm nay, ngành Y tế tỉnh đã có nhiều cố gắng trong việc tổ chức khám, chữa bệnh cho nhân dân tại tuyến cơ sở, tăng cường đầu tư và chuyển các trang thiết bị y tế từ những nơi không đủ điều kiện sử dụng đến các phòng khám đa khoa khu vực, đồng thời tăng cường luân chuyển bác sĩ và phân công kịp thời đội ngũ bác sĩ trẻ mới ra trường về phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh. Đặc biệt, ngành Y tế tỉnh hàng năm đều tổ chức các hội thi về quy tắc ứng xử để nhắc nhở đội ngũ cán bộ y tế cần nâng cao hơn nữa y đức của người thầy thuốc, nên tình trạng hách dịch, quan liêu, nhũng nhiễu đã được hạn chế.
Câu chuyện thứ ba, cử tri phản ánh việc nhiều người dân mất chứng minh nhân dân (CMND) hoặc CMND hết thời hạn sử dụng phải làm lại. Thủ tục đòi hỏi phải có sổ hộ khẩu thường trú, nhưng nhiều người có ngày sinh trong CMND và sổ hộ khẩu không trùng nên không làm được. Cơ quan Công an sở tại yêu cầu người dân phải có giấy khai sinh bản chính mới làm được, nhưng với những người lớn tuổi phần lớn không còn giấy khai sinh bản chính nữa.
Tiếp thu ý kiến này của cử tri, Bộ Công an đã có văn bản trả lời rằng: “Trường hợp ngày sinh trong CMND và ngày sinh trong sổ hộ khẩu thường trú không khớp nhau thì không nhất thiết phải xuất trình giấy khai sinh bản chính, mà công dân có thể xuất trình bản sao giấy khai sinh hoặc giấy khai sinh đăng ký lại, cấp lại, hoặc quyết định thay đổi ngày tháng năm sinh của cơ quan có thẩm quyền để làm căn cứ điều chỉnh thông tin về ngày sinh trong sổ hộ khẩu và CMND cho công dân”.
Câu chuyện thứ tư, cử tri phản ánh việc một số chính sách của nhà nước mới chỉ dành cho đối tượng sinh sống ở các xã vùng cao, khu vực không phải là đô thị, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn…(gọi chung là vùng cao) được hưởng, còn những đối tượng sinh sống ở thị trấn, phường thì không được hưởng, trong khi đó điều kiện sống của họ so với các đối tượng sinh sống ở các xã vùng cao… không cao hơn bao nhiêu.
Tiếp thu ý kiến này của cử tri, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết: “Hiện nay, Bộ đã nghiên cứu, xây dựng chuẩn nghèo giai đoạn 2016-2020 phù hợp hơn theo định hướng tiếp cận chuẩn nghèo theo hướng đa chiều để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành quyết định… Trong cách xác định chuẩn nghèo theo phương pháp đa chiều thì thu nhập chỉ là một trong những chỉ số để xác định hộ gia đình có phải là hộ nghèo, hộ cận nghèo hay không. Phương pháp này sẽ giải quyết những bất cập, vướng mắc tồn tại trong cách xác định chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015, đồng thời phản ánh chính xác hơn tình trạng nghèo của các hộ gia đình”. Từ đó, nhà nước sẽ có các quyết sách phù hợp với thực tế hơn.
Thông qua 4 câu chuyện trên xuất phát từ phản ánh của cử tri, chúng ta thấy rằng, tiếng nói của cử tri vô cùng quan trọng trong việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Các đại biểu Quốc hội, HĐND lắng nghe nguyện vọng của cử tri, khẩn trương kiểm tra thực tế và tích cực đưa tiếng nói của cử tri đến với cơ quan chức năng, cấp có thẩm quyền xem xét thì chắc chắn sẽ khắc phục được những hạn chế, để lại dấu ấn tốt đẹp trong lòng người dân.
Nguyên Hà