Lắng nghe và đồng hành
Với quan điểm “sự thành công của doanh nghiệp là thành công của tỉnh”, thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh luôn theo sát và đồng hành, quan tâm và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho sự phát triển của doanh nghiệp. Từ đó, tạo sự thống nhất trong tư duy, ý chí, cách làm giữa chính quyền và doanh nghiệp, thực hiện hiệu quả những quyết sách, mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.
Từ nhiều tháng nay, đều đặn vào ngày 15 hàng tháng, lãnh đạo UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương và hội viên của Hiệp hội doanh nghiệp, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh, đại diện các đơn vị sản xuất, nhà đầu tư lại gặp nhau trong Chương trình “Cà phê Doanh nghiệp - Doanh nhân” do UBND tỉnh tổ chức. Tại đây, những câu chuyện về con đường khởi nghiệp, những ý tưởng kinh doanh mới, những khó khăn trong tiếp cận chính sách, thực hiện các thủ tục hành chính, đầu tư… đã được các doanh nghiệp chia sẻ, giãi bày một cách thẳng thắn, chân tình với các vị lãnh đạo tỉnh, địa phương. Qua đó, các nhà quản lý nắm bắt và có thể trực tiếp giải đáp các thắc mắc, khó khăn, không làm gián đoạn cơ hội tìm kiếm đầu tư và các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Chương trình được xem như là điểm nhấn trong thực hiện chủ trương lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.
|
Cùng với “Cà phê Doanh nghiệp - Doanh nhân”, các cấp, các ngành của tỉnh, các địa phương còn tổ chức nhiều chương trình gặp gỡ, đối thoại doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt, giải quyết vướng mắc của doanh nghiệp theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, qua các diễn đàn này, lãnh đạo tỉnh, các địa phương, nhà quản lý cũng nhìn nhận, đánh giá lại những bất cập, tồn tại về thể chế, quy định để có sự điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tiễn, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, nhà đầu tư. Tất cả cho thấy sự quan tâm, lắng nghe, chia sẻ và luôn đồng hành cùng doanh nghiệp của các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh.
Nhìn rộng hơn, trong suốt thời gian qua, tỉnh ta luôn nỗ lực nghiên cứu, đề ra nhiều chương trình, giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp. Chẳng hạn, gần đây nhất là Nghị quyết số 11-NQ/TU về cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và tăng cường thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Tỉnh ủy ban hành ngày 16/5/2022. Hay Kế hoạch số 4212/KH-UBND về thực hiện công tác cải cách hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh Kon Tum năm 2023 (ngày 12/12/2022) của UBND tỉnh. Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai thực hiện là tổ chức thực hiện các biện pháp cải cách thủ tục hành chính theo hướng giảm đầu mối, giảm thời gian chờ đợi của doanh nghiệp, nhà đầu tư. Tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, người thực thi công vụ trong tiếp nhận, xử lý, giải quyết các vấn đề của người dân, doanh nghiệp. Qua đó, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, minh bạch, bình đẳng, thu hút tối đa, sử dụng hiệu quả các nguồn lực xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, các hoạt động hỗ trợ trực tiếp cho sự phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng được triển khai mạnh mẽ, nhất là từ sau khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra đến nay. Trong đó, tỉnh đã tập trung thực hiện tốt các chính sách như giảm tiền điện, cước viễn thông, mức đóng bảo hiểm; gia hạn nộp thuế, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; điều chỉnh giảm một số khoản phí, lệ phí; cho vay ưu đãi trả lương, cho vay phục hồi sản xuất; cơ cấu lại thời hạn trả nợ; miễn, giảm lãi, phí.
Việc số hóa các dịch vụ tài chính điện tử, thuế, hải quan cũng được các ngành tích cực áp dụng giúp cho người dân, doanh nghiệp có thể tiếp cận nhanh chóng, dễ dàng với các dịch vụ tài chính điện tử. Đến nay, 100% cơ quan, đơn vị các cấp triển khai ứng dụng chữ ký số vào phần mềm quản lý văn bản và điều hành; trong đó, tỷ lệ văn bản điện tử có ký số đạt 99%. Số doanh nghiệp đã đăng ký sử dụng dịch vụ hóa đơn điện tử đạt 100%; trên 98% doanh nghiệp tham gia khai thuế điện tử và trên 98% doanh nghiệp tham gia sử dụng dịch vụ nộp thuế điện tử; triển khai, ứng dụng Zalo để thực hiện tra cứu kết quả giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính. Từ đó, tạo thuận lợi và giảm thiểu thời gian đi lại cho tổ chức và cá nhân, nâng cao sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp.
Sự hỗ trợ, đồng hành của các cấp ủy, chính quyền đã tạo điều kiện là động lực để cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vượt qua mọi khó khăn, vươn lên lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, hoạt động ngày càng hiệu quả, đóng góp tích cực vào sự phát triển của tỉnh nhà.
Theo số liệu của UBND tỉnh, toàn tỉnh hiện có gần 3.000 doanh nghiệp đang hoạt động trong nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, bán buôn, bán lẻ, công nghiệp chế biến, chế tạo, xây dựng, khoa học, công nghệ, dịch vụ tư vấn, thiết kế... Bình quân hằng năm, các doanh nghiệp đóng góp khoảng 40% tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh.
Riêng từ đầu năm đến nay, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh từng bước được phục hồi, đi vào ổn định và phát triển. Qua đó, góp phần đưa chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành 2 tháng đầu năm 2023 tăng 12,22% so với cùng kỳ năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hoá, doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 4,2% so với cùng thời điểm năm 2022.
Tất nhiên, thực tiễn trong quá trình hoạt động, khó khăn, vướng mắc, thậm chí là bất cập doanh nghiệp gặp phải là điều không thể tránh khỏi. Song, điều quan trọng là chính quyền luôn sát cánh, đồng hành với doanh nghiệp trên cơ sở lắng nghe, thấu hiểu và sẻ chia, từ đó, đề ra những giải pháp hữu hiệu, khả thi hơn nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh.
Thiên Hương