Lắng nghe để tháo gỡ
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có cuộc đối thoại với nông dân miền Trung-Tây Nguyên để lắng nghe, giải đáp những khó khăn, vướng mắc của người nông dân, trên cơ sở đó, Chính phủ hoàn thiện chính sách để tạo động lực thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn trong khu vực cất cánh. Sự kiện này một lần nữa cho thấy sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn và khẳng định Chính phủ kiến tạo, vì dân.
Với những nông dân miền Trung-Tây Nguyên, Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân ngày 28/9 vừa qua được mong chờ nhất trong năm. 400 đại biểu, trong đó, có hơn 300 nông dân xuất sắc, tiêu biểu đại diện cho hơn 14 triệu hộ nông dân của cả nước đã tham gia đối thoại với Thủ tướng. Hơn 1.400 câu hỏi gửi tới cùng với rất nhiều ý kiến phát biểu tại Hội nghị bày tỏ những những băn khoăn, khúc mắc, trăn trở của bà con nông dân về những vấn đề trọng tâm đã và đang tồn tại trong sản xuất nông nghiệp. Đó là, thực trạng phân bón giả tràn lan, chất lượng nguồn giống không đảm bảo; tình trạng nông sản được giá mất mùa, được mùa lại mất giá, dịch bệnh bủa vây ngành chăn nuôi; vấn đề quy hoạch phát triển ngành nuôi trồng thủy sản, tiếp cận vốn vay ưu đãi khó khăn...Qua sự kiện này, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương sẽ tìm ra đáp án và động lực để “cùng nỗ lực, vượt thách thức, giữ vững tăng trưởng giá trị nông sản Việt giúp nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại”, khai thác hiệu quả “mỏ vàng” nông nghiệp.
|
Trên cơ sở đối thoại, Thủ tướng đã chia sẻ, giải đáp đối với những vướng mắc của nông dân, đồng thời, xem xét, quyết định các giải pháp, chỉ đạo tháo gỡ kịp thời những bất cập để nông dân miền Trung-Tây Nguyên cũng như cả nước yên tâm đầu tư phục hồi sản xuất, kinh doanh, khắc phục các ảnh hưởng do đại dịch Covid-19 gây ra, phát huy sự sáng tạo, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu của ngành nông nghiệp. Tất nhiên, có những vấn đề được giải đáp ngay tại Hội nghị, nhưng cũng có những vấn đề cần thời gian để rà soát, đánh giá lại, từ đó, Chính phủ, các bộ, ngành cùng với các địa phương mới có thể đưa ra được những quyết sách phù hợp. Song có thể nói rằng “Hội nghị đối thoại là một kênh thông tin quan trọng để giúp Chính phủ hoàn thiện chính sách về nông nghiệp, nông dân và nông thôn” như phát biểu kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
Đây là lần thứ 3 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp đối thoại với nông dân. Điều đó cho thấy, mong muốn được lắng nghe, thấu hiểu, từ đó đưa ra những quyết định đúng đắn, phù hợp dành cho ngành nông nghiệp và người nông dân của người đứng đầu Chính phủ. Đồng thời, điều này cũng thể hiện việc Đảng, Nhà nước luôn coi nông nghiệp là mặt trận quan trọng hàng đầu.
Phải khẳng định rằng, nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vai trò to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng cũng như đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Trong mọi hoàn cảnh, nhất là thời điểm khó khăn, khủng hoảng, nông nghiệp luôn khẳng định vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế. Đây là kết quả từ những nỗ lực của chính người nông dân và đường lối nhất quán cùng các chủ trương, chính sách hiệu quả của Đảng, Nhà nước dành cho ngành Nông nghiệp trong thời gian qua. Điển hình như Nghị quyết Trung ương 7, khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn với các quan điểm, chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân đã tạo ra đòn bẩy đưa nông nghiệp, nông thôn phát triển toàn diện, đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn được nâng cao…
Tuy nhiên, trên thực tế nông nghiệp, nông dân vẫn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, sản xuất còn manh mún nhỏ lẻ, việc liên kết trong sản xuất còn hạn chế, đầu ra cho nông sản còn bấp bênh, đời sống của một bộ phận nhân dân còn thấp…Nhất là năm 2020 là một năm đầy khó khăn với ngành Nông nghiệp khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, xuất khẩu gặp khó…Vì vậy, Hội nghị đối thoại với người đứng đầu Chính phủ luôn được hàng triệu triệu nông dân mong mỏi và kỳ vọng. Bởi, đây là diễn đàn để họ bày tỏ những tâm tư, nguyện vọng, đề xuất, Chính phủ lắng nghe để tháo gỡ những “điểm nghẽn” nhằm hướng tới mục tiêu chung đưa nông nghiệp, nông thôn phát triển vững chắc lên một tầm cao mới.
Riêng ở tỉnh ta, cùng với việc thực hiện đảm bảo, đầy đủ các chủ trương, chính sách của Trung ương dành cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân; tỉnh cũng ban hành nhiều nghị quyết, chương trình, đề án để “tam nông” phát triển. Các đồng chí lãnh đạo tỉnh cũng luôn lắng nghe, tiếp thu những tâm tư, nguyện vọng cũng như những kiến nghị, đề xuất thông qua nhiều hình thức, từ đó, có hướng giải quyết khó khăn, vướng mắc cho người nông dân và mỗi địa phương.
Ngoài việc tổ chức các buổi tiếp công dân định kỳ hàng tháng để giải quyết các vấn đề “nóng” thì với tinh thần phục vụ nhân dân, lãnh đạo tỉnh và một số địa phương đã có những buổi đối thoại với công dân, trong đó phần đa là nông dân trên địa bàn tỉnh. Tại các buổi đối thoại, nhiều vấn đề được nông dân phản ánh, kiến nghị đến tỉnh, các ngành chức năng như công tác giao đất, giao rừng, phát triển cây dược liệu; hỗ trợ cây, con giống có năng suất cao cho bà con, xây dựng phương án chuyển đổi các cây trồng ngắn hạn trên đất lúa thiếu nước hay tình trạng tư thương ép giá nông sản, hỗ trợ liên kết tiêu thụ sản phẩm…Qua đó, chính quyền, các ngành kịp thời nắm bắt và đề ra những giải pháp tháo gỡ, khơi thông những điểm nghẽn và hoạch định các chính sách đưa nông nghiệp, nông thôn phát triển nhanh, bền vững, góp phần nâng cao đời sống của người nông dân.
Ở những lần đối thoại trước, nhiều vấn đề nông dân đặt ra đã được các bộ ngành vào cuộc giải quyết ngay sau đó. Vì vậy, nông dân miền Trung-Tây Nguyên tin tưởng rằng, sau Hội nghị này, nhiều chương trình, chính sách lớn phục vụ sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn, nâng cao thu nhập cho bà con nông dân sẽ được các bộ, ngành tập trung triển khai để cụ thể hóa các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Thùy Hương