Lan tỏa niềm vui, củng cố niềm tin từ nông thôn mới
Ngày 31/12/2021, Chủ tịch UBND tỉnh đã ký ban hành các quyết định công nhận 6 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới năm 2021. Đây không chỉ là tin vui đối với các địa phương được lựa chọn xây dựng đạt chuẩn nông thôn mới, mà còn là kết quả đáng tự hào sau nhiều nỗ lực vượt khó của các cấp, các ngành, địa phương và người dân trong tỉnh.
Với việc 6 xã mới được công nhận đến nay đã nâng tổng số toàn tỉnh có 36 xã đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới, trong đó, có 35 xã đã được công nhận, 1 xã đang hoàn chỉnh hồ sơ để công nhận. Ngoài ra, có 6 xã đạt từ 15 -18 tiêu chí, số tiêu chí đạt chuẩn bình quân/xã là 15,39 tiêu chí. Đã có 1 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao, 6 thôn đạt chuẩn khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu và 10 thôn đạt chuẩn thôn nông thôn mới. Như vậy, chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh năm 2021 đã cơ bản đạt được mục tiêu đề ra. Thành quả đó không phải ngẫu nhiên mà có, đó là kết quả của một quá trình phấn đấu không ngừng, nỗ lực vượt bậc và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và sự chung sức, đồng lòng của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI nên tỉnh ta đặt ra mục tiêu khá cao là xây dựng 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Tuy nhiên, quá trình thực hiện lại gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến việc dành nguồn đầu tư cũng như việc huy động các nguồn lực khác để thực hiện chương trình. Trong khi đó, nguồn vốn phân bổ từ Trung ương cho địa phương chậm làm ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ thực hiện các tiêu chí, đặc biệt là các tiêu chí liên quan đến xây dựng cơ sở hạ tầng. Hơn nữa, Trung ương cũng chưa có hướng dẫn để làm cơ sở cho tỉnh xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch xây dựng nông thôn mới của giai đoạn 2021-2025.
|
Vì thế, nhiệm vụ đặt ra là vô cùng nặng nề và nhiều thách thức với các cấp, các ngành và mỗi địa phương. Thế nhưng, bằng những kinh nghiệm tích lũy được trong suốt thời gian qua, đặc biệt là ý chí quyết tâm của các cấp, ngành với những giải pháp sáng tạo, linh hoạt, đồng bộ, quyết liệt và phát huy vai trò chủ thể của người dân, chúng ta đã vượt qua mọi khó khăn. Các xã được lựa chọn để xây dựng nông thôn mới đã về đích đúng hẹn, tạo nền móng và động lực để triển khai thực hiện thành công mục tiêu của cả giai đoạn 2021-2025.
Nhìn lại hành trình hơn 10 năm xây dựng nông thôn mới của tỉnh có thể thấy, từ một chủ trương, nghị quyết lớn của Đảng, xây dựng nông thôn mới trở thành chương trình hành động của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. Chính vì vậy, dù khởi đầu với xuất phát điểm rất thấp với số tiêu chí bình quân chỉ đạt 2,7 tiêu chí đạt chuẩn/xã, trên 80% số xã đạt chuẩn dưới 5 tiêu chí; nguồn lực xây dựng nông thôn mới thiếu; hệ thống hạ tầng cơ sở của các vùng nông thôn hầu hết vừa thiếu, vừa không đồng bộ; đời sống của người dân còn nhiều khó khăn…nhưng đến nay, chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh có những bước tiến dài. Bức tranh nông thôn đã có sự đổi mới, khởi sắc rõ nét từ không gian, cảnh quan đến điều kiện sống của người dân.
Điều đó có thể thấy rõ qua mạng lưới giao thông nông thôn với hàng trăm tuyến đường liên xã, nội thôn được thảm nhựa, đổ bê tông và cứng hóa, tạo điều kiện đi lại thuận lợi, thông suốt cả 4 mùa, thúc đẩy phát triển kinh tế, giảm nghèo cho người dân khu vực nông thôn. Những vùng, khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cánh đồng lớn từng bước được hình thành, góp phần đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn, làm thay đổi tư duy sản xuất và mang lại thu nhập cao cho người dân. Hệ thống thiết chế văn hóa được đầu tư xây dựng đồng bộ, phục vụ các hoạt động văn hóa của người dân một cách tốt nhất. Các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp được bảo tồn, phục dựng. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn được nâng lên rõ rệt. Nhiều xã vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn đã có những bước chuyển mình rõ nét chỉ sau ít năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Thành quả này góp phần tạo nền tảng để phát triển toàn diện, bền vững ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn của tỉnh, khẳng định tính đúng đắn trong triển khai thực hiện Chương trình nông thôn mới. Qua đó, củng cố và nâng cao niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh.
Xây dựng nông thôn mới là một hành trình dài và chắc chắn sẽ còn nhiều khó khăn phía trước. Nhưng với sự chung sức, đồng lòng của người dân, sự quyết tâm, năng động của các cấp, các ngành cùng nền móng đã xây dựng được sẽ là tiền đề để tỉnh ta thực hiện đạt mục tiêu đến năm 2025, có 60 xã (70,5% số xã) trở lên đạt chuẩn nông thôn mới, 4 huyện và thành phố Kon Tum đạt chuẩn nông thôn mới hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới như Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra.
Thiên Hương