Kỳ vọng về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII (Nghị quyết số 18): Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Nghị quyết cho thấy sự kiên quyết của Đảng ta trước yêu cầu bức thiết trong việc đổi mới, sắp xếp bộ máy của hệ thống chính trị hiện nay.
1. Nghị quyết nêu rõ, “đến năm 2021 là giảm mạnh về đầu mối, tối thiểu bình quân cả nước giảm 10% đơn vị sự nghiệp công lập; giảm tối thiểu 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2015”.
Trong kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV những ngày gần đây, việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính nhà nước theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả cũng đã được các đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận, bàn bạc…
Điều này cho thấy đây là vấn đề hết sức quan trọng nhằm khắc phục tình trạng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị nước ta hiện nay còn quá cồng kềnh.
Thực tế là Đảng ta đã ban hành và lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiều chủ trương, nghị quyết, kết luận về xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo yêu cầu cụ thể của từng giai đoạn. Kết quả là qua các lần như vậy bước đầu góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy, chất lượng đội ngũ công chức, viên chức được nâng cao.
Nhưng, không ít người cho rằng, cứ sau mỗi lần sắp xếp, tinh giản, tổ chức bộ máy không những không được thu gọn mà dường như có xu hướng ngày càng “phình” to. Việc xây dựng, kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ chưa thật sự mang lại hiệu quả cao.
Đã vậy, việc tinh giản biên chế hầu như chỉ mới tạo điều kiện cho những người có nhu cầu xin ra khỏi tổ chức bộ máy mà chưa thật sự nhắm tới những người chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ nên chưa giảm được những người cần giảm và cũng chưa giải quyết dứt điểm tình trạng “vừa thừa, vừa thiếu” biên chế trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Lý giải cho tình trạng này phải kể đến tâm lý nể nang, né tránh, muốn giữ ổn định tổ chức của các cơ quan, đơn vị, đặc biệt là từ những người đứng đầu. Hơn nữa, hầu như các cơ quan đều muốn có nhiều người, nhiều biên chế, nhiều đơn vị trực thuộc để tăng thêm sự bề thế và thêm biên chế đồng nghĩa với thêm kinh phí...
Trong bối cảnh hiện nay, khi thực tiễn đang đòi hỏi một nền hành chính chuyển từ tư duy quản lý sang tư duy phục vụ với chính phủ kiến tạo, liêm chính, minh bạch, năng động, hiệu lực, hiệu quả thì việc đổi mới, sắp xếp bộ máy một lần nữa đòi hỏi phải được thực hiện đồng bộ, quyết liệt để đặt nền móng xây dựng mục tiêu này.
2. Chủ trương đã có, chính sách đã có nhưng dường như để triển khai thực hiện mọi việc không hề dễ dàng.
Không dễ vì việc kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, viên chức dễ gây xáo trộn về mặt tổ chức và liên quan đến vấn đề con người. Mà đã đụng đến con người thì rất nhạy cảm, nhiều tâm tư, đến chế độ chính sách, đến cuộc sống, đến quyền lợi... nếu không được xử lý khéo.
Có người mất chức, một số bộ phận không còn. Những người làm ở các bộ phận đó chắc chắn không vui, không hài lòng vì có thể phải điều chuyển sang công việc khác, có người mất việc... Khi sáp nhập, công việc sẽ nhiều hơn, mỗi người buộc phải làm việc với năng suất cao hơn, tức là sẽ vất vả, nhọc nhằn hơn trước đây.
Hơn nữa, khi nói đến vấn đề đổi mới, sắp xếp, tâm lý chung của nhiều ngành, nhiều người đều cho rằng mình là vừa, là đủ, là đúng. Không ít cơ quan còn “kêu”, công việc thì nhiều, người làm được việc lại ít, chỉ tiêu chưa đủ lấy đâu mà giảm.
Đặc biệt, mỗi khi xảy ra sự vụ ngoài ý muốn, ít biên chế, ít đơn vị trực thuộc luôn là lý do để “đổ” một cách rất khách quan: lực lượng mỏng hay cán bộ vừa thiếu lại vừa yếu…
Thậm chí có cơ quan, đơn vị dù đầu việc không nhiều nhưng lúc nào cũng đề xuất tăng thêm biên chế; rồi chia tách phòng nọ, trung tâm kia...
Đơn vị nào cũng nghĩ thế, cá nhân nào cũng nghĩ thế nên việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế vô cùng khó khăn.
Đã thế, như thành quy luật, hầu hết công chức, viên chức đã vào được biên chế cơ quan nhà nước hoặc được hợp đồng trong quỹ lương thì mặc nhiên cứ thế hàng tháng đợi đến ngày lĩnh lương. Không vi phạm kỷ luật gì quá nghiêm trọng, “đến hẹn lại lên”, 2-3 năm được lên lương một lần, có người năng lực, trình độ, chưa đáp ứng được yêu cầu nhưng “sống lâu ra lão làng” được bổ nhiệm các chức vụ, rồi “tằng tằng” mà làm đợi đến ngày lấy sổ hưu.
Ông Tô Văn Tám - Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum trong phiên thảo luận kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XII đã ví von, biên chế như “hình phễu”, đầu vào to, đầu ra nhỏ, ở Trung ương giảm thì ở dưới tăng, nghĩa là “bóp trên phình dưới”. Ông cho rằng, chưa có câu trả lời thỏa đáng rằng có bao nhiêu % cán bộ chưa hoàn thành nhiệm vụ thì sẽ khó tinh giản đúng đối tượng…
3. Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị là xu thế khách quan nên khó vẫn phải thực hiện một cách minh bạch, hệ thống và đồng bộ.
Lấy đơn cử từ việc sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức, bộ máy của ngành Y tế. Ở tuyến huyện, ngoài phòng y tế còn có trung tâm y tế huyện, trung tâm dân số - kế hoạch hóa gia đình huyện; ở tuyến tỉnh có rất nhiều trung tâm, chi cục nên rất nhiều đầu mối, thiếu tính lồng ghép… Bởi vậy, thực hiện Thông tư liên tịch 51/2015/TTLT-BYT-BNV, ngành Y tế tỉnh đang triển khai sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức bộ máy.
Liên đoàn Lao động tỉnh mới đây cũng đã công bố giải thể các công đoàn ngành Giao thông vận tải, Xây dựng, NN&PTNT theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu quả, phù hợp với tinh thần Kết luận số 64-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương và Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Cũng trong năm 2016, trên cơ sở hướng dẫn của bộ, ngành Trung ương và điều kiện thực tiễn của tỉnh, Sở Nội vụ đã phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu, trình UBND tỉnh thành lập 8 cơ quan, đơn vị, tổ chức lại 17 cơ quan, đơn vị thuộc Sở Tài nguyên Môi trường, Sở NN&PTNT, Sở LĐ-TB&XH, Sở Y tế, Sở Công thương, quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức cho 8 cơ quan, đơn vị, hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức cho 4 cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện.
Thực hiện chính sách tinh giản biên chế theo Nghị định 108/2014/NĐ-CP, trong 2 năm (2015, 2016), trên địa bàn tỉnh đã thực hiện tinh giản biên chế được 39 trường hợp…
Những kết quả đạt được và hiệu quả bước đầu như đã nêu đã cho thấy sự cần thiết trong việc sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Vấn đề là chủ trương đúng, chính sách hợp lý, nhưng nếu cách thức, lộ trình tổ chức triển khai thực hiện thiếu bài bản thì kết quả sẽ không như mong muốn. Bởi vậy, để đưa Nghị quyết vào cuộc sống đòi hỏi các cơ quan, đơn vị phải khẩn trương rà soát quy định về tổ chức, sắp xếp lại tổ chức bộ máy một cách đồng bộ, quyết liệt nhưng cũng phải hết sức thận trọng và vững chắc.
Bình Toàn