Không có vùng cấm
Trước con số thống kê được đưa ra tại Hội nghị trực tuyến toàn tỉnh tổng kết ngành Kiểm tra Đảng: Năm 2017, cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp trên địa bàn tỉnh thi hành kỷ luật 235 đảng viên (khiển trách 145, cảnh cáo 62, cách chức 13, khai trừ khỏi Đảng 15), nhiều người đã bày tỏ niềm tin vào sự nghiêm minh, quyết liệt trong xử lý cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật.
Ai cũng bảo rằng, thực ra, chuyện kỷ luật cán bộ trong Đảng không phải là mới. Vấn đề ở chỗ, khi cụm từ “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên” định lượng một cách chung chung thì nay đã được chỉ mặt đặt tên, xác định danh tính, địa chỉ rõ ràng, không né tránh, thậm chí trong số đảng viên bị thi hành kỷ luật có tới 12 trường hợp bị phạt tù. So với những năm trước, số lượng đảng viên bị thi hành kỷ luật năm nay tăng cao (tăng 63 đảng viên). Hơn nữa, những vụ việc đảng viên bị xử lý vi phạm năm nay không bị bó hẹp trong một ngành, lĩnh vực hay địa phương, đơn vị nào, phần nào cho thấy sự quyết tâm và nghiêm minh của cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra các cấp trên địa bàn tỉnh trong việc làm trong sạch đội ngũ của Đảng.
Có thể thấy, từ những vụ việc do báo chí phản ánh, từ đơn thư tố cáo hay từ việc kiểm tra, thanh tra…, bằng nhiều công cụ và phương thức khác nhau, cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra các cấp trên địa bàn tỉnh đã buộc những “con sâu làm rầu nồi canh” lộ rõ chân tướng.
Đó là những đảng viên vi phạm về quản lý tài chính, vi phạm vì thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, về những điều đảng viên không được làm… làm xói mòn niềm tin của cán bộ, đảng viên, nhân dân vào hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cấp ủy, chính quyền.
Điều này càng chứng minh cho thấy, cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra các cấp trong tỉnh đã chấp hành nghiêm chỉ đạo “không có vùng cấm” trong xử lý sai phạm.
Có người chân thành mà bộc bạch rằng, mới nghe đã không khỏi giật mình lo ngại, thậm chí có phần xót xa trước con số 235 đảng viên bị vi phạm kỷ luật trong một năm. Nhưng rồi, ngẫm sâu hơn, xa hơn, con số thống kê này cho thấy tỉnh vào cuộc, hưởng ứng mạnh mẽ sự chỉ đạo, nhận định, đánh giá, định hướng, hiệu triệu cho cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực mà người đứng đầu Đảng ta đã nêu: Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực không phải lẻ mẻ từng vụ, từng việc mà bây giờ đã thành phong trào, thành một xu thế, làm có bài bản, phân công cơ quan nào làm, kết quả thế nào, bao giờ xong. Đây là kinh nghiệm rất quý. Tạo ra được xu thế, được phong trào mới là cơ bản… Cái lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy….
Nói cách khác, sức nóng của công tác kiểm tra, giám sát, của công tác phòng chống tham nhũng được người đứng đầu Đảng châm ngọn lửa đã lan tỏa đến chúng ta. Và, chính cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra các cấp trên địa bàn tỉnh góp phần cho ngọn lửa trong lò thêm bừng sáng.
Không phải là “bới lông tìm vết”, “vạch lá tìm sâu”, khi vụ việc sai phạm được phát hiện, cán bộ vi phạm đến đâu cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra các cấp trên địa bàn tỉnh xử lý kỷ luật đến đó, không ngoại trừ ai, chức vụ nào, đương chức hay về hưu nên có tính răn đe, giáo dục lớn, tạo sức đề kháng lớn. Vì thực tế có những con người, có những vụ việc ban đầu chỉ là những điểm yếu nhỏ nảy sinh, lâu dần không thấy hoặc bỏ qua thì “cái sảy nảy cái ung”, ngày càng yếu hơn, xấu hơn. Bởi vậy, kết quả này tạo hiệu ứng tốt trong công tác xây dựng đội ngũ, góp phần xây dựng Đảng bộ tỉnh trong sạch vững mạnh. Để năm sau, năm sau nữa, chúng ta không phải nghe những con số khủng cán bộ, đảng viên bị xử lý kỷ luật; để người dân không phải nghe những con số tiền tỷ của ngân sách Nhà nước bị thất thoát, bị lãng phí…
Và cao hơn cả, kết quả này tạo được sự đồng thuận và niềm tin vững chắc từ phía người dân. Đúng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: Dân tin thì chế độ ta còn, Đảng ta còn. Nếu làm việc gì trái lòng dân, để mất niềm tin là mất tất cả.
Liễu Hạnh