Không có pháo hoa, Tết vẫn vui!
Nhiều người dân Kon Tum đã nói như vậy khi biết tin tỉnh chấp hành nghiêm Chỉ thị của Ban Bí thư với nội dung yêu cầu không bắn hoa trong dịp Tết Đinh Dậu này.
Không ít người chân tình mà nói rằng, lúc đầu mới nghe cũng cảm thấy có gì đó bâng khuâng lắm. Vì, bắn pháo hoa kết hợp với chương trình biểu diễn nghệ thuật vào mỗi dịp giao thừa hàng năm ở Quảng trường 16/3, bên dòng sông Đăk Bla được xem như là một hoạt động truyền thống. Nên cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, người người lại hỏi thăm nhau ngày, giờ, địa điểm bắn pháo hoa để cùng nhau thưởng lãm tín hiệu tạm biệt năm cũ, đón chào một năm mới và gửi gắm trong đó bao ước mơ, kỳ vọng…
Nhưng rồi, khi biết được mục đích lớn lao hơn, cao cả hơn của việc dừng bắn pháo hoa trong dịp Tết này, nhiều người lại cảm thấy vui và thực sự ấm lòng.
Vui và ấm lòng bởi chủ trương vì dân, hợp lòng dân, quan tâm, đồng hành, chia sẻ những buồn vui với người dân.
Vui và ấm lòng vì số tiền vài trăm triệu đồng từ nguồn xã hội hóa mà hàng năm thành phố Kon Tum và các cấp, ngành liên quan dùng vào việc bắn pháo hoa sẽ để giúp cho những hộ nghèo, khó khăn, gia đình chính sách trên địa bàn tỉnh có thêm những phần quà vui Tết.
Vui và ấm lòng vì chưa nói đến bà con ở vùng miền Trung liên tục bị thiệt hại do thiên tai lũ lụt, bị sự cố về môi trường biển… mà ngay trên địa bàn tỉnh cũng đã xảy ra thiên tai hạn hán cấp độ 1 trong năm 2016 vừa qua.
Trong những ngày khô hạn ấy, từ thành phố Kon Tum ngược lên vùng đất Tu Mơ Rông rồi quay về huyện Sa Thầy… đâu đâu cũng có những gương mặt nông dân đầy mệt mỏi lo âu. Lo âu vì 4.194ha đất sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại, 58 công trình nước sinh hoạt bị cạn kiệt, khoảng 8.200 giếng nước bị khô cạn và thiếu nước gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của 12.644 hộ dân.
Không chỉ vậy, chưa kịp mừng vì giá cao su, giá cà phê ấm lên thì không ít hộ dân lại phải lao đao theo giá mì, giá bò hơi giảm xuống mức thấp… Đó là chưa kể, tính đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh có tới 28.990 hộ nghèo, chiếm 23,03% tổng số hộ toàn tỉnh và nhiều gia đình có công cách mạng mức sống chưa bằng mức sống trung bình tại nơi cư trú… vẫn cần nhiều lắm sự sẻ chia…
Thế nên, chưa nói đến chuyện nhiều hộ dân bị “mất Tết” nhưng để có một cái Tết tươm tất có lẽ cũng là điều quá xa vời. Họ rất cần sự chia sẻ, đồng cam cộng khổ. “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”; “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ” – cha ông ta từ xưa đã nói vậy.
Hơn nữa, xét cho cùng, nguồn xã hội hóa hay nguồn ngân sách nhà nước cũng đều là tiền của dân cả. Bởi vậy, ngoài ý nghĩa thực hành tiết kiệm để thực hiện các chính sách an sinh xã hội thì không bắn pháo hoa còn được xem là một động thái siết chặt chi tiêu ngân sách, đảm bảo nguồn lực cho đầu tư phát triển. Từ tiền tiết kiệm không bắn pháo hoa đó, các địa phương, đơn vị sẽ dành nhiều thời gian hơn, có nhiều món quà Tết hơn để trao đến tận tay những hộ khó khăn.
Nhưng, không phải vì lo đảm bảo an sinh xã hội mà Tết nay trên địa bàn thiếu đi hương sắc ngày xuân. Tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành liên quan tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật, thể thao mừng Đảng, mừng xuân; chú ý trang hoàng các nơi công cộng đảm bảo mỹ thuật, trang trọng, vui tươi mà vẫn đảm bảo tiết kiệm…
Bắn pháo hoa vài phút rồi cũng xong nhưng Tết thì nhiều người cần được vui. Bởi vậy, trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu này, người nghèo, khó khăn, người có công cách mạng nói riêng và người dân Kon Tum chắc chắn sẽ rất vui, niềm vui trọn vẹn và ý nghĩa - dù không bắn pháo hoa.
Nguyên Phúc