Không chỉ là một ngày, một tuần
Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời (2-8/10) hàng năm cũng là thời điểm thầy và trò các trường học bước vào chặng đường đầu của năm học mới. Vẫn biết rằng, Tuần lễ nhằm kêu gọi nỗ lực học tập ở tất cả mọi đối tượng, nhưng với đặc thù của một tỉnh miền núi, con đường đến trường còn bao gập ghềnh gian khó nên trước hết và hơn cả, để cho đối tượng học sinh nêu cao ý thức học tập vẫn luôn là nỗi niềm đau đáu.
Không đau đáu sao được khi còn đó suy nghĩ con chữ đâu có làm no cái bụng; khi khoảng cách từ nhà đến trường xa hàng chục cây số; khi những hủ tục lạc hậu như tảo hôn vẫn còn đó; khi học sinh lại là lực lượng lao động chính trong nhà…. đã trở thành rào cản ngăn bước chân đến trường của bao học sinh.
Đau đáu vì đầu mỗi năm học hay vào mùa ruộng rẫy, mùa lễ hội, thầy cô giáo ở những xã vùng sâu, vùng xa ngoài chuyện dạy phải lo thêm dỗ. Dỗ để các em đến lớp. Nếu không, các em lại nghỉ học để theo bố mẹ đi làm rẫy, lo cho cái bụng no trước đã; nghỉ học để lấy vợ, lấy chồng…
Thậm chí, trong những năm gần đây, có người lý luận rằng, học để làm gì khi mà thực tế không ít gia đình đầu tư bao nhiêu công, bao nhiêu của cho con ăn học, hết phổ thông, đến đại học nhưng rồi cũng có xin được việc làm ở các cơ quan Nhà nước đâu, lại cũng loanh quanh với ruộng đồng. Nhìn xung quanh, nhìn ngay trong nhà mình, vậy là không ít học sinh vùng sâu, vùng xa nản lòng chuyện học.
Con chữ “cõng” về vùng khó chưa được bao nhiêu đã vùi quên theo những lo toan. Khó khăn đó, suy nghĩ đó đã khiến cho con đường đến trường của các em trở nên gập ghềnh và chuyện học tập suốt đời của mỗi người ở miền núi cũng trở nên gian khó.
Nhưng, đâu phải học chỉ để vào làm các cơ quan Nhà nước? Cái chữ về cây lúa sẽ thêm bông, cây cà phê sẽ thêm hạt; cái chữ về sẽ xóa đi những hủ tục lạc hậu vốn ăn sâu vào tiềm thức của bao người; cái chữ về sẽ bớt đi những nhọc nhằn gian khó...
Vì thế, chưa nói đến chuyện học tập từ phía những người lớn, để các em nêu cao ý thức học tập, yên tâm mà học tập thì cần lắm sự động viên, sự khích lệ, sự hỗ trợ.
Còn nhớ năm 2016, ở xã nghèo Mường Hoong, huyện Đăk Glei, lần đầu tiên có có tới 2 học sinh (A Vang và Y Hồng) trúng tuyển nguyện vọng 1 vào đại học (Đại học Quy Nhơn). Các em mừng, gia đình mừng, dân làng cũng mừng theo. Nhưng, niềm vui chưa kịp nhen lên thì nỗi buồn ập đến. Tiền đâu để đi, tiền đâu để nộp học ban đầu… Những câu hỏi khó ấy khiến ước mơ được ngồi trên giảng đường của các em nếu không có sự hỗ trợ, giúp đỡ sẽ trở nên xa vời…
Và qua mỗi đầu năm học, bức tranh màu tối ấy có lẽ không là của riêng A Vang và Y Hồng, mà còn nhiều, rất nhiều học sinh khác. Tiền đâu để mua quần áo mới, mua sách vở, nộp học, trọ học? Cho con đi học lấy đâu lao động để đảm đương việc nhà, nuôi sống cho cả gia đình?...
|
Không để các em là khách bộ hành đơn độc trên con đường tìm kiếm tri thức, ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, nhiều tập thể, cá nhân với nhiều việc làm, dù nhỏ: tặng chục quyển vở, trao suất học bổng, phần quà hay chỉ là sự động viên, chia sẻ… đã đồng hành với các em vượt qua khó khăn.
Điều đáng nói là phần lớn các hoạt động khuyến học khuyến tài, hỗ trợ xây dựng xã hội học tập lâu nay vẫn trông chờ chủ yếu vào các doanh nghiệp. Nhưng, những năm gần đây, tình hình sản xuất kinh doanh khó khăn, các doanh nghiệp lo đơn vị mình đã khó, nói gì đến chuyện trích kinh phí dành cho hoạt động này.
Bởi vậy, không thể chỉ trông chờ từ các doanh nghiệp, mỗi đơn vị, mỗi cá nhân đều có thể tiếp sức cho các em bằng nhiều cách. Đó có thể là những bộ sách giáo khoa, những bộ quần áo cũ mà các học sinh vùng thuận lợi gom góp lại. Đó cũng có thể là thư viện giúp trẻ nghèo như của cô cán bộ xã Ngô Thị Ly ở thôn Kon Nhên, xã Đăk Ruồng, huyện Kon Rẫy. Đó cũng có thể là lớp học của người phụ nữ bị khuyết tật Y Tiên ở làng Đăk Rao Lớn, thị trấn Đăk Tô, huyện Đăk Tô. Đó cũng có thể là nghĩa cử đẹp như của già A Blếch ở thôn Kon Rá, xã Đăk Tờ Lùng, huyện Kon Rẫy đã không chút suy tính thiệt hơn, hiến 3000m2 đất xây dựng trường học cho con em trong vùng…
Tự hào về truyền thống hiếu học, chăm lo cho sự học bao đời nay của dân tộc càng thấy góp sức xây dựng một xã hội học tập - trước hết dành cho đối tượng học sinh - cần lắm sự chung sức của toàn xã hội. Và, việc làm đó có lẽ không chỉ dừng lại trong một ngày Khuyến học hay trong một Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời này…
Bình Toàn