Không chỉ là chuyện phiếm
Sẽ rất sai lầm nếu chúng ta coi những câu chuyện, những đàm tiếu về công tác cán bộ trong các cuộc trà dư tửu hậu chỉ là chuyện phiếm ngoài tai. Chính những câu chuyện phiếm đó đang phản ánh thái độ của nhân dân, đang quyết định lòng tin của nhân dân, thứ không thể lấy lại chỉ xuê xoa bằng mấy chữ “ngẫu nhiên” hay “đúng quy trình”...
Chuyện cán bộ 26 tuổi được bổ nhiệm vụ phó của Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ khi đang đi học… bỗng chốc trở thành đề tài trong các cuộc trà dư tửu hậu gần đây. Nhiều người “ném đá” cho quyết định bổ nhiệm “thần tốc” này không thương tiếc. Bởi, học hành, bằng cấp nhiều như vậy thời này không còn là chuyện hiếm. Thậm chí, theo bản tin thị trường lao động quý III, trên cả nước có tới 202.300 người có trình độ đại học trở lên đang rơi vào cảnh thất nghiệp hoặc buộc phải chọn công việc như bốc vác, rửa bát, phụ hồ… để kiếm sống qua ngày. Kiếm được một công việc đúng ngành học đã khó huống hồ được bổ nhiệm vụ phó khi vẫn còn đang đi học, dân tình xôn xao cũng là thường tình.
Nhưng, liên quan đến những bất cập trong công tác cán bộ không chỉ dừng lại ở hiện tượng cá biệt này. Dù không muốn nhưng thực tế trong thời gian gần đây có bao dị nghị trong công tác cán bộ. Chuyện một huyện “cả họ làm quan” ở ngay thủ đô được giải thích chỉ là “ngẫu nhiên”; rồi, một doanh nhân ở Thái Nguyên, rẽ tắt sang làm lãnh đạo và chưa đầy một nhiệm kỳ đã ba lần được bổ nhiệm; chuyện một sở ở Hải Dương có 46 người thì có tới 44 người làm lãnh đạo; chuyện Trịnh Xuân Thanh với hàng loạt sai phạm trong bổ nhiệm, quản lý, khen thưởng được phát giác chỉ bắt đầu từ chiếc xe sang biển số công…
Đó là chưa kể đến vô số các tình trạng cục bộ, vùng miền. Chưa kể đến hiện tượng mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ngay tại hội nghị của ngành Tổ chức xây dựng Đảng đầu năm 2016 đã nhấn mạnh: Hiện nay, trong dư luận xã hội vẫn râm ran chuyện chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy bằng cấp, chạy chế độ, chạy luân chuyển...
Ngậm ngùi có, quan ngại có… đủ mọi cung bậc cảm xúc. Không ít người còn nói rằng: Ngẫu nhiên và đúng quy trình cả mà thôi.
Thế nhưng, dù cho có ngẫu nhiên, có đúng quy trình thì cũng chưa phản ánh hết được thực chất của con người. Đúng quy trình đấy, ngẫu nhiên đấy nhưng đi vào công việc cụ thể, có làm việc được hay không lại là cả một vấn đề. Quy trình đúng mà đưa ra những con người vào vị trí sai, nên kết quả sai, không đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân là điều khó tránh khỏi.
Và cho dù chỉ là ngẫu nhiên, đúng quy trình, đảm bảo đúng các điều kiện nhưng cán bộ có đủ năng lực để thực hiện bản chất “do dân, vì dân” của Nhà nước ta hay không lại là chuyện khác…
Nhưng rồi, nói như ông cha ta xưa, “cố đấm ăn xôi” nên “xôi lại hỏng”. Hàng loạt vụ việc về công tác cán bộ trong thời gian gần đã được phát giác, xử lý nghiêm minh, thể hiện rõ quyết tâm của Đảng trong việc loại bỏ những cán bộ thoái hóa biến chất, những cán bộ được bổ nhiệm đúng quy trình nhưng kết quả sai để làm trong sạch đội ngũ cán bộ, lấy lại lòng tin của nhân dân.
Còn nhớ, đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng XI, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết Trung ương 4 “Một số vấn đề cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay” đã nhận được sự đồng tình của các tầng lớp nhân dân vì chỉ rõ “một bộ phận không nhỏ suy thoái về tư tưởng, đạo đức lối sống”. Và, sau gần một nhiệm kỳ, Đảng ta đã thi hành kỷ luật hàng nghìn cán bộ, đảng viên. Chỉ tính riêng trên địa bàn tỉnh, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp trong toàn Đảng bộ qua kiểm tra, giám sát đã thi hành kỷ luật 506 đảng viên; đình chỉ sinh hoạt đảng 11 trường hợp.
Tiếp tục mạch nguồn, sức chiến đấu Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), mới đây, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ” được ban hành. Không né tránh, không che giấu, Nghị quyết nhận diện rõ biểu hiện: “Thao túng trong công tác cán bộ; chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy tội... Sử dụng quyền lực được giao để phục vụ lợi ích cá nhân hoặc để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi” một lần nữa đã nhận được sự đồng tình của xã hội.
Bởi vậy, sẽ rất sai lầm nếu chúng ta coi những câu chuyện, những đàm tiếu về công tác cán bộ trong các cuộc trà dư tửu hậu chỉ là chuyện phiếm ngoài tai. Chính những câu chuyện phiếm đó đang phản ánh thái độ của nhân dân, đang quyết định lòng tin của nhân dân, thứ không thể lấy lại chỉ xuê xoa bằng mấy chữ “ngẫu nhiên” hay “đúng quy trình”.
Công tác cán bộ vì thế mà rất cần sự minh bạch, dân chủ. Đừng để những câu chuyện phiếm, những câu cửa miệng của dân gian “nhất hậu duệ, nhì tiền tệ, ba quan hệ, bốn trí tuệ” trở thành sự thật. Đừng để niềm tin trong dân – thứ không thể có được trong ngày một ngày hai bị suy giảm!
Nguyên Phúc