Khẳng định vai trò kinh tế tập thể trong phát triển KT-XH
Kinh tế tập thể (KTTT), nòng cốt là hợp tác xã (HTX), hoạt động trên nhiều lĩnh vực là một trong những thành phần kinh tế quan trọng của nền kinh tế. Tuy có những lúc thăng trầm, nhưng KTTT luôn được các cấp, ngành quan tâm xây dựng, củng cố, phát triển và ngày càng đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương nói riêng và toàn tỉnh nói chung.
Phát triển KTTT là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, được xác định nhất quán và xuyên suốt trong quá trình xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, phát triển đất nước. Đặc biệt, những năm gần đây, vấn đề phát huy và nâng cao hiệu quả hoạt động của KTTT được quan tâm, đề cập nhiều.
Xác định rõ vai trò và tầm quan trọng của KTTT trong phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua, các cấp, ngành của tỉnh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các giải pháp phát triển thành phần kinh tế này. Vì vậy, cùng với việc thực hiện tốt các quy định của pháp luật, các chính sách phát triển HTX như Luật HTX, chiến lược phát triển KTTT, HTX giai đoạn 2021 – 2030 của Chính phủ, tỉnh cũng đã xây dựng kế hoạch thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW (ngày 16/6/2022) của Ban Chấp hành TW Đảng về “tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT trong giai đoạn mới”. Các ngành, địa phương triển khai các chương trình, chính sách hỗ trợ về vốn, đào tạo nguồn nhân lực, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, kỹ thuật công nghệ mới để giúp HTX phát triển. Từ đó, KTTT, HTX trên địa bàn tỉnh ta đã có những bước khởi sắc.
|
|
Điều này được thể hiện qua từng con số được nêu ra tại cuộc họp đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển KTTT, HTX của Ban Chỉ đạo Phát triển KTTT tỉnh diễn ra vào trung tuần tháng 10/2023. Đến nay, toàn tỉnh có 279 HTX, trong đó có 237 HTX đang hoạt động, với 10.572 thành viên, đạt 112% so với kế hoạch năm 2023. Riêng trong 9 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn tỉnh đã có 52 HTX được thành lập mới.
Tổng nguồn vốn của HTX trên tất cả các lĩnh vực là 290 tỷ đồng, doanh thu bình quân khoảng 1,3 tỷ đồng/HTX/năm; lợi nhuận bình quân khoảng 290 triệu đồng/HTX/năm. Thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong HTX là 50 triệu đồng/người/năm.
KTTT phát triển trong nhiều ngành nghề, nhưng nổi bật là trong nông nghiệp, nông thôn, chiếm gần 70% số lượng HTX của tỉnh, số lượng thành viên là 3.091 người.
Ban Chỉ đạo Phát triển KTTT tỉnh đã khẳng định, sự hình thành các hình thức KTTT trong thời gian qua đã tập hợp, quy tụ được các hộ sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ... cùng liên kết, hợp tác để cùng có lợi. Những mô hình KTTT, HTX hoạt động hiệu quả ngày càng được nhân rộng, mang lại nhiều lợi ích cho thành viên, người lao động, góp phần giảm nghèo, giải quyết việc làm. Bên cạnh đó, HTX cũng đóng vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy liên kết giữa người sản xuất/hộ nông dân và doanh nghiệp, giúp đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Bên cạnh đó, nhiều HTX còn tham gia vào các hoạt động phúc lợi xã hội như đóng góp quỹ vì người nghèo, hỗ trợ giáo dục, đền ơn đáp nghĩa, xây dựng trường học, trạm xá góp phần thực hiện chính sách xã hội.
Có thể nói, những hiệu quả về mặt kinh tế và xã hội của khu vực KTTT trong thời gian qua đã làm thay đổi tư duy, nhận thức của người dân đối với việc tham gia HTX, tổ hợp tác. Qua đó, khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của KTTT, HTX đối với sự phát triển kinh tế – xã hội.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, Ban Chỉ đạo Phát triển KTTT tỉnh cũng thẳng thắn nhìn nhận, khu vực KTTT vẫn còn nhiều hạn chế, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của mình. Số lượng HTX nhiều, phát triển đều đặn qua các năm, nhưng số lượng các thành viên thu hút được chưa nhiều. Đa phần các HTX đều có quy mô hoạt động nhỏ, gặp nhiều khó khăn về vốn, khoa học công nghệ, đất đai; sản xuất chưa ổn định, liên kết trong sản xuất chưa bền vững. Một số HTX tuy đã được củng cố về mặt tổ chức, nhưng chưa thật sự đổi mới về nội dung, cách thức hoạt động, quá trình chuyển đổi số diễn ra chậm. Các hoạt động liên doanh, liên kết giữa các HTX với nhau hay giữa HTX với các tổ chức kinh tế khác còn nhiều hạn chế. Vì vậy, hiệu quả kinh tế mang lại chưa cao, thu nhập của các thành viên còn thấp. Một số địa phương vẫn có tình trạng thiếu quan tâm, định hướng, tạo điều kiện cho HTX phát triển; một số nơi có tiềm năng thế mạnh về phát triển kinh tế nhưng sự chỉ đạo, hướng dẫn thành lập HTX còn hạn chế.
Từ thực tế đó đặt ra vấn đề cần tiếp tục củng cố, phát triển KTTT năng động, hiệu quả, bền vững như tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 khóa XIII của Đảng khẳng định “KTTT là thành phần kinh tế quan trọng, phải được củng cố và phát triển cùng kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân”. Mục tiêu phấn đấu là đến năm 2024, toàn tỉnh có 297 HTX, trong đó, đảm bảo có 254 HTX hoạt động với tổng số thành viên khoảng 10.800 người.
KTTT có vai trò, ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần phát triển kinh tế chung của tỉnh trong giai đoạn hiện nay và nhiều năm tiếp theo. Vì vậy, để tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của thành phần kinh tế này, đòi hỏi sự nỗ lực của các cấp, các ngành và sự chủ động, tích cực của mỗi người dân.
Thùy Hương