Hồi chuông cảnh báo về đạo đức xã hội
Mới đây, dư luận cả nước lại xôn xao khi một vụ thảm án xảy ra vào sáng 1/9/2019 tại thôn Bồng, xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội - người anh dùng dao chém chết 4 người trong gia đình em trai của mình.
Trong bài viết này, chúng tôi không đề cập tình tiết, nội dung vụ án, bởi nó tràn ngập trên các trang mạng xã hội và các báo điện tử. Vấn đề ở đây cần bàn luận, đó là về đạo đức xã hội cũng như trách nhiệm của công dân đối với sự việc xảy ra.
Trước hết, xin được đề cập vấn đề đạo đức xã hội.
Dân gian ta có câu “Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”, hay “Anh em như thể tay chân, rách lành đùm bọc hai thân vui vầy”. Đó chính là đạo lý của dân tộc Việt Nam được hun đúc qua ngàn đời về đạo đức xã hội, tình cảm gia đình giữa những người thân ruột thịt cũng như hàng xóm láng giềng, phải yêu thương, đùm bọc lẫn nhau khi hoạn nạn, “tối lửa, tắt đèn”.
Thế nhưng, thời gian qua đã không ít các vụ án mạng liên quan đến những người hàng xóm láng giềng, người thân chỉ vì một chút mâu thuẫn nhỏ mà dẫn đến xô xát, thậm chí gây án mạng… Vụ án nói trên là một dẫn chứng đau lòng.
Nếu ở họ, chỉ cần biết “nhẫn” một chút, biết nghĩ đến tình thân, máu mủ ruột rà, biết kìm nén những bất mãn, cơn giận dữ đối với người thân của mình, giải quyết những mâu thuẫn trong thuận hòa thì sẽ tốt đẹp biết bao.
Và cũng chính vì không kìm nén được bản thân, dẫn đến mất hết lý trí, quên đi ý nghĩa tươi đẹp của cuộc sống, của tình cảm ruột thịt mà cái giá phải trả thật đắt biết chừng nào.
Người thì bị tước đi mạng sống, người thì bị pháp luật trừng phạt, để lại nỗi đau cho những người thân ở lại cũng như sự chê cười của người đời, của dòng tộc, xóm giềng.
Cái “nhẫn”, “nhịn” đó được người đời gọi là đạo lý làm người, đạo đức của mỗi bản thân khi hòa mình vào trong đạo đức của cộng đồng, của xã hội.
|
Vấn đề tiếp theo, sau khi sự việc xảy ra, lập tức các trang mạng xã hội và báo điện tử đã đưa tràn lan các thông tin về vụ án.
Nếu nhìn ở góc độ xã hội, việc thông tin như vậy là kịp thời và chính xác; kịp thời định hướng dư luận để mọi người dân hiểu rõ về tính chất nghiêm trọng của vụ án, bản chất sự việc…
Thế nhưng, nhìn ở góc độ giáo dục và tuyên truyền, thì có một số trang mạng xã hội đã đưa những tít giật gân, “câu like”; những nội dung, hình ảnh phản cảm, thậm chí phản tác dụng đối với xã hội khi thông tin quá chi tiết, rõ ràng về hành vi, động cơ của kẻ sát nhân… nhằm mục đích thương mại hoặc những động cơ không trong sáng khác, làm cho người đọc, người nghe rối mù về thông tin, lệch lạc định hướng…
Trong vụ án nói trên, không ít độc giả bức xúc, thậm chí phẫn nộ về đoạn video clip trên mạng xã hội khi đưa toàn bộ lời khai của kẻ sát nhân mô tả một cách bình thản, chi tiết về từng hành vi man rợ của mình. Điều đó thật sự phản cảm, phản giáo dục, đáng bị phê phán, lên án.
Nhiều người tự đặt câu hỏi, đoạn video clip đó ở đâu ra, ai là người quay nó và tung lên mạng.
Pháp luật không nghiêm cấm việc đưa thông tin các vụ án vừa mới xảy ra, nhưng người đưa thông tin phải biết cách chắt lọc, làm thế nào để thông tin đến người đọc vừa kịp thời, đầy đủ, chính xác, có tác dụng giáo dục, răn đe, phòng ngừa chung.
Thế nhưng, đoạn video clip trên vô hình trung có thể làm cho một số đối tượng xấu lợi dụng, giống như kiểu “vẽ đường cho hươu chạy”, để rồi tiêm nhiễm những thói quen, hành vi xấu, không những không có tác dụng giáo dục mà còn phản cảm, phản tuyên truyền.
Thực tế cho thấy, một số vụ việc, vụ án khi xảy ra, những người xung quanh thường rất thờ ơ, vô cảm đối với chính nạn nhân. Ngoài lý do sợ liên lụy, còn có nhiều người vẫn bình thản đứng xem để thỏa mãn sự tò mò hay thản nhiên đưa điện thoại ghi âm, ghi hình… sau đó tung lên mạng, để nhận được sự “tung hô” trong thế giới ảo.
Sự việc vừa xảy ra trên cho thấy, một lần nữa hồi chuông về đạo đức xã hội lại gióng lên.
Vì cuộc sống bình yên, tươi đẹp, mỗi người hãy biết làm chủ bản thân, kìm chế những bức xúc không đáng có; xử lý những mâu thuẫn trong hòa thuận, vì tình làng nghĩa xóm, tình thân ruột thịt, tình người, tôn trọng pháp luật. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần có những quy định chặt chẽ trong quản lý nhà nước về việc đưa thông tin; có biện pháp “mạnh tay” đối với những trường hợp lợi dụng những vụ việc, vụ án để “câu like”, câu khách... gây nhiễu loạn thông tin.
Dương Đức Nhuận