Hội chứng đám đông
Chưa hết chuyện “tung hỏa mù” rơi máy bay, thời gian gần đây, người dân lại tiếp tục hoang mang vì thông tin bắt cóc trẻ con tràn ngập các trang mạng xã hội.
Thông tin đăng tải, có địa chỉ, có thời gian tương đối cụ thể ai mà chẳng tin. Đồng cảm, lo lắng cộng với chút tâm lý a dua theo số đông, nhiều người đã bấm nút like (thích), comment (bình luận), chia sẻ (share) cho bạn bè mình cùng biết, cùng tránh. Thông tin ấy cứ thế mà cấp số nhân – dù chưa biết là thực hay ảo.
Trong khi đó, qua xác minh của ngành chức năng, từ chuyện rơi máy bay cho đến bắt cóc trẻ con trong thời gian gần đây (và cả những chuyện trước đây như tung tin đổi tiền, dịch ebola…) được chia sẻ với tốc độ chóng mặt ấy lại hoàn toàn không có thật. Lý do được những người đăng tải thông tin đưa ra hết sức đơn giản, hoặc là “để nhiều người biết và bán được nhiều hàng online”, hoặc là “câu like”, “đùa cho vui”…
Nhưng, có những chuyện không thể khéo đùa để được mọi người khen ngợi hài hước, hóm hỉnh. Vì dù thông tin thất thiệt đã được ngành chức năng giải thích không có thật, nhưng chưa chắc đã có người biết, mà có biết chưa chắc đã tin bởi tính bền vững của thông tin ban đầu. Vì những thông tin đưa ra những tưởng chỉ để “cho vui” này lại tạo nên tâm lý hoang mang, xáo trộn, ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự xã hội.
Không chỉ dừng lại ở kiểu nhằm “câu like” hay trở thành “anh hùng bàn phím”… như trên, lợi dụng thật – giả lẫn lộn và khả năng lan truyền thông tin một cách chóng mặt, không ít cá nhân, tổ chức đã biến mạng xã hội thành công cụ triển khai các âm mưu đen tối gây nhiễu loạn dư luận, lung lạc đời sống tinh thần của xã hội, làm suy giảm niềm tin của nhân dân vào Đảng, chế độ.
Vô vàn “mưu ma chước quỷ” được bày ra: việc nhỏ xé ra to, đổi trắng thay đen, xuyên tạc các sự kiện hoặc cắt xén, biên tập lại các sự kiện (cắt ghép ảnh, clip…) có dụng ý, công bố các tài liệu giả mạo… Những mưu mô này lại được “tiếp sức” qua các bình luận cổ vũ kiểu “thầy bói mù xem voi”, “thấy cây mà không thấy rừng”, vu khống, vu cáo, bôi nhọ, chống phá Đảng, Nhà nước ta đã khiến cho nhiều người xem hiểu sai lệch nội dung, vấn đề và thậm chí là bị mê hoặc, tin theo. Vậy là, trước mê hồn trận thông tin được đưa ra, kẻ tung, người hứng, phê phán người này, tổ chức này, đề cao người kia, tổ chức kia, những “bản án” được kết luận nhanh, gọn chỉ sau vài phím bấm đã gây ra “hội chứng giận dữ”, mâu thuẫn nội bộ.
Điều đáng nói là những thông tin kiểu này (không chính xác, có thể là một nửa của sự thật hoặc không có chút sự thật nào) lại xuất hiện trên mạng một cách công khai và luôn khiến dư luận ồn ào. Chỉ cảm nhận bằng hình ảnh, bằng clip, bằng sự liên kết các ý tưởng, không ít người cảm tính, sẵn sàng hùa theo đám đông, ném đá, lên án, chia sẻ thông tin một cách vô ý thức (có khi là có ý thức). Có người còn giải thích: ảnh đó, clip đó, thông tin đó…, rõ mười mươi rồi, còn gì mà thực với ảo nữa. Nhưng, trong thế giới phẳng hiện nay, bao nhiêu người dùng mạng xã hội là bấy nhiêu người có thể trở thành “người đưa tin”. Mà “tin” ở đây, tức là từ những câu chuyện vô thưởng vô phạt cho đến hình ảnh, clip… đều có thể được cắt ghép, chỉnh sửa, “độ chế” theo dụng ý một cách dễ dàng như trở bàn tay.
Ứng xử như thế nào trước các luồng dư luận quả không phải là chuyện dễ. Hiến pháp thừa nhận quyền tự do thông tin, tự do ngôn luận, nhưng nếu ai đó lợi dụng quyền tự do để bôi nhọ, lăng mạ, xúc phạm người khác hoặc đăng tải thông tin bịa đặt, xuyên tạc, sai sự thật phải bị chế tài thích đáng.
Trong bối cảnh internet, mạng xã hội trở thành môi trường giao tiếp, tiếp nhận thông tin từ của nhiều người, việc kiên quyết đấu tranh chống lại kiểu có dụng ý hoặc không có dụng ý đưa thông tin thất thiệt là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Trong hàng loạt giải pháp được đưa ra thì đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật cho người dân vẫn được xem là giải pháp gốc rễ. Vì ranh giới giữa cảm xúc, lý trí và tâm lý a dua, hùa theo đám đông vốn rất mong manh. Khi mỗi người có thể phân biệt được thật - giả, đúng - sai, xấu - tốt, hay - dở thì chắc chắn sẽ tiếp nhận thông tin một cách bình tĩnh, tỉnh táo, phù hợp tính chất của từng vấn đề, có sức “đề kháng” trước “hội chứng đám đông”.
Liễu Hạnh