Hết lòng tri ân thầy cô giáo
Vậy là một mùa tri ân nữa lại đến - mùa tri ân đối với thầy, cô giáo, những người luôn được xã hội tôn vinh và coi trọng bởi sự cống hiến, hy sinh thầm lặng cho sự nghiệp trồng người.
Ngày 20/11 hằng năm đã trở thành ngày hội truyền thống của những người chăm lo sự nghiệp trồng người và được tổ chức kỷ niệm trọng thể ở khắp các địa phương trong cả nước, nhằm tôn vinh các nhà giáo, tôn vinh sự học và ngành Giáo dục nước nhà.
Với truyền thống “tôn sư trọng đạo”, những người làm thầy được dân tộc ta coi trọng, tôn vinh và coi là một nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý trong xã hội. Bởi mỗi thầy, cô giáo chính là tấm gương sáng cho học sinh noi theo về nhân cách làm người. Phát huy truyền thống đó, từ lâu, Đảng, Nhà nước ta coi giáo dục là quốc sách hàng đầu để phát triển đất nước và đội ngũ những thầy, cô giáo chính là nhân tố quyết định tới chất lượng và sự phát triển của sự nghiệp giáo dục.
Cùng với phát triển của sự nghiệp giáo dục - đào tạo của đất nước, nhiều năm qua, sự nghiệp trồng người ở tỉnh ta cũng chuyển biến hết sức mạnh mẽ. Nhờ sự quan tâm sâu sắc của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh mà cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, đồ dùng dạy học ở hầu hết các bậc học không ngừng được đầu tư nâng cấp, tạo tiền đề quan trọng cho việc đổi mới, nâng cao chất lượng dạy và học, kể cả ở những vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới còn gian khó.
|
Sự nghiệp giáo dục ở tỉnh có được những chuyển biến tích cực đó, bên cạnh sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước, của tỉnh, còn là nhờ những nỗ lực không biết mệt mỏi của đội ngũ những thầy, cô giáo đang ngày đêm vượt khó, bám trường, bám lớp và tâm huyết với nghề nghiệp. Không chỉ ở vùng có điều kiện thuận lợi, những thầy, cô giáo ở những vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn đã không quản ngại gian lao, thử thách, luôn vượt qua khó khăn của cuộc sống đời thường, ngày đêm cần mẫn truyền đạt con chữ, dìu dắt các em, thắp sáng lên ngọn lửa tri thức cho các em.
Những thầy, cô giáo đang dạy học dù ở Ngọc Tem, Măng Bút, Đăk Ring (huyện Kon Plông); Đăk Plô, Mường Hoong, Ngọc Linh (huyện Đăk Glei) hay ở Ngọc Yêu, Măng Ri, Tê Xăng (huyện Tu Mơ Rông)… đều rất trẻ, nhưng rất yêu nghề, họ đang ngày đêm âm thầm cống hiến cho sự nghiệp giáo dục tỉnh nhà.
Trong những chuyến đi công tác về vùng sâu, vùng xa, chúng tôi gặp nhiều những thầy, cô giáo quê tận ở vùng Tây Bắc hay duyên hải miền Trung… tạm biệt quê nhà, tình nguyện lên Tây Nguyên dạy học. Có rất nhiều cô giáo tuổi đời còn trẻ, nhưng lại có hơn mười mấy năm gắn bó nghề dạy học ở vùng sâu, trên cánh tay chi chít nốt cắn ruồi vàng, đêm vò võ ngủ một mình nơi điểm trường của thôn, vẫn vô tư tươi cười khi kể chuyện dạy và học cho các em đồng bào DTTS.
Với đặc thù các địa bàn vùng sâu, vùng xa tại tỉnh ta có địa hình cách trở, hầu hết các thôn, làng đều ở lưng chừng núi, sườn đồi; có những điểm trường giao thông khó khăn, phải đi bộ đường rừng từ 1-2 tiếng đồng hồ…, nên để đến được điểm trường, thầy và trò cùng phải leo dốc, vượt suối. Vào mùa mưa bão, việc đi lại càng khó khăn hơn bởi những khe, suối nước lớn đi lại nguy hiểm, nhưng bất chấp thời tiết, địa hình, thầy và trò vẫn đến lớp đều đặn, không sao nhãng.
Có những nơi vùng xa, vùng sâu điều kiện kinh tế của đồng bào DTTS còn khó khăn, trang phục đến trường các em học sinh nghèo vẫn chưa được đủ ấm, thương các em, các thầy, cô giáo ở đây lại phải trích đồng lương ít ỏi của mình để mua áo ấm tặng các em, những mong sao các em đến trường được đầy đủ, không một em học sinh nào chịu lạnh và thiếu vắng trong giờ nghe giảng bài…
Rồi có cặp vợ chồng đều là thầy, cô giáo dạy học ở vùng sâu, con thơ phải gửi ở quê nhà, một vài tuần, thậm chí có khi cả vài tháng mới được gặp con một lần trong những ngày nghỉ. Xót con, thương con, nhưng các thầy, cô giáo không bao giờ bỏ bê nhiệm vụ. Có những cặp vợ chồng đều là thầy, cô giáo, chồng dạy học một nơi, vợ một nơi đều ở những vùng sâu, vùng xa, ròng rã hàng tháng trời hai người mới có được bữa cơm sum họp… Những câu chuyện cảm động này đã làm xốn xang lòng người với lời gọi biết bao thân thương: “Ơi người cõng chữ lên non!”
Tôi có dịp tiếp xúc với nhiều thầy, cô giáo ở những vùng sâu, vùng xa, khi được hỏi về mong ước của mình, nhiều thầy, cô giáo chỉ mỉm cười và nói: hạnh phúc lớn nhất của họ chính là các em học sinh đến trường đều đặn, chuyên cần, ra sức học tập và ngày càng trở nên con ngoan, trò giỏi. Hạnh phúc nào hơn, niềm tri ân nào hơn khi các thầy, cô giáo thấy các thế hệ học sinh của mình ngày càng trưởng thành, có nhiều đóng góp cho sự phát triển của xã hội, của địa phương.
Đó cũng chính là những tâm sự tận đáy lòng của các thầy, cô giáo bởi một lẽ tất cả vì học sinh thân yêu, vì sự phát triển của sự nghiệp giáo dục, họ vẫn ngày ngày thầm lặng hy sinh, ươm mầm cho thế hệ tương lai.
Với sự tận tụy, tâm huyết, hết lòng vì học sinh của những thầy, cô giáo, những năm qua, chất lượng giáo dục ở tỉnh ta nói chung, những vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới khó khăn nói riêng ngày càng nâng lên rõ rệt. Nhiều thế hệ học sinh là con em đồng bào DTTS đã thực sự thành đạt, đạt điểm cao vào các trường chuyên nghiệp. Có nhiều em đã trở thành thầy, cô giáo, trở lại dạy học ngay trên mảnh đất đã sinh ra và lớn lên. Có những em học sinh trở thành bác sĩ, trở về địa phương chăm sóc sức khỏe cho nhân dân mình hay trở thành những cán bộ, chiến sĩ Biên phòng đang ngày đêm bảo vệ sự bình yên trên mảnh đất biên cương đầy gian khó.
Đó chính là nhờ những đóng góp, hy sinh thầm lặng của những thầy, cô giáo đang ngày đêm bám trụ nơi những thôn, làng xa xôi nhất. Chính họ đã chắp cánh ước mơ cho nhiều thế hệ học sinh thân yêu của mình, để rồi chính dòng tri thức ấy trở thành hành trang cho các em học sinh trên con đường làm thay đổi diện mạo ở những vùng đất vốn dĩ còn nhiều gian khó... Sự hy sinh thầm lặng đó xứng đáng được xã hội tôn vinh, trân trọng.
Phần lớn chúng ta, ai cũng đều được các thầy, cô giáo dạy dỗ. Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam sắp tới, chúng ta xin gửi đến các các thầy, cô giáo sự tri ân với tất cả tấm lòng.
Dương Đức Nhuận