Hãy là “chiến sĩ” trên trận tuyến chống dịch
Trong “cuộc chiến” chống dịch Covid-19, mỗi công dân phải làm tròn trách nhiệm đối với đất nước, sống có trách nhiệm với cộng đồng, hãy là “chiến sĩ” góp phần đẩy lùi dịch bệnh.
Thời gian gần đây, dư luận trên địa bàn tỉnh nói chung và huyện Đăk Hà nói riêng hết sức bất bình về hành vi tập trung đông người, vi phạm các quy định về phòng, chống dịch Covid-19 của ông Nguyễn Đức Hữu - Linh mục giáo xứ Kon Trang Mơ Nấy, xã Đăk La, huyện Đăk Hà.
Hành vi vi phạm trên của Linh mục Nguyễn Đức Hữu không chỉ xảy ra một lần, mà từ tháng 4/2020 cho đến tháng 6/2021, đã 4 lần không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người được quy định tại điểm c, khoản 3, Điều 12, Nghị định số 117/2020/NĐ-CP, ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế cũng như các quy định khác của tỉnh. Đợt vi phạm lần thứ 4 vào ngày 13/6/2021, sau nhiều lần UBND huyện Đăk Hà mời lên làm việc, Linh mục Nguyễn Đức Hữu nhận lỗi và mãi đến ngày 7/7/2021 mới nộp phạt theo quy định.
Như chúng ta đã biết, tình hình dịch Covid-19 hiện nay trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang diễn biến hết sức phức tạp. Với những biến thể mới có tốc độ lây lan nhanh ở nhiều quốc gia trên thế giới, cùng với hàng trăm ngàn ca nhiễm mới và hàng ngàn ca tử vong mỗi ngày đã đưa nhân loại đến thời khắc phải đối mặt với những khó khăn nhất, thách thức nhất, áp lực nhất để đối phó với đại dịch toàn cầu.
Theo Trang tin về dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 (Bộ Y tế), tính đến sáng 16/7/2021, cả thế giới có trên 190 triệu ca mắc Covid-19, trong đó có trên 4 triệu ca tử vong; tại Việt Nam có 40.757 ca nhiễm và 225 ca tử vong... cho thấy tính chất nguy hiểm của nó và tốc độ lây lan nhanh chóng, hết sức phức tạp, khó lường.
|
Hẳn chúng ta còn nhớ bài học nhãn tiền vào tháng 5/2021 khi mà một nhóm người của cái gọi là “Hội thánh truyền giáo Phục Hưng” tại Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức tụ tập đông người, sinh hoạt tôn giáo nhưng không tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch Covid-19 nên đã làm lây lan dịch Covid-19 cho nhiều người tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận.
Và hiện nay, Thành phố Hồ Chí Minh đã phải thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố để phòng, chống dịch, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế của thành phố và đình trệ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân. Bởi vậy Đảng, Nhà nước và nhân dân cả nước đang chung sức, chung lòng, đoàn kết giúp đỡ, chia sẻ với Thành phố Hồ Chí Minh với phương châm “mỗi người dân là mỗi chiến sĩ; mỗi xã, phường, thôn, xóm, tổ dân phố là một pháo đài chống dịch”, để rồi cùng quyết tâm đẩy lùi dịch Covid-19, đưa cuộc sống của mọi người dân trở lại bình thường.
Riêng tại tỉnh ta, nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận, chia sẻ và giúp đỡ của mọi tầng lớp nhân dân, đến nay trên địa bàn tỉnh chưa ghi nhận có ca dương tính với Covid-19.
Kể từ thời điểm dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 đến nay, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã có hàng chục cuộc họp với hàng chục văn bản chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, các lực lượng vũ trang, các cơ quan, đơn vị, sở, ban, ngành và cả hệ thống chính trị triển khai nhiều biện pháp quyết liệt để thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép” vừa phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh vừa chung tay phòng, chống dịch Covid-19.
Cùng với việc triển khai công tác phòng, chống dịch Covid-19, các cấp ủy, chính quyền địa phương cùng các đoàn thể cũng đã tiến hành vận động, tuyên truyền mọi người dân, các cơ sở tôn giáo, thờ tự… không tụ tập đông người, chấp hành nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch với tinh thần tự giác, vừa bảo vệ bản thân, gia đình và cũng là trách nhiệm đối với cộng đồng. Hết lòng chia sẻ, chung tay, đồng lòng cùng với chính quyền phòng, chống dịch, rất nhiều người dân, các tín đồ tôn giáo trên địa bàn tỉnh nghiêm túc thực hiện các quy định không tập trung đông người, không tổ chức đọc kinh, cầu nguyện tại các cơ sở thờ tự, đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch khi ra đường… Và cũng rất nhiều người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh với nhiều hình thức khác nhau đã tham gia ủng hộ, phòng chống dịch, nhằm chia sẻ gánh nặng cho Nhà nước và nhân dân các vùng tâm dịch.
Qua 4 đợt dịch Covid-19 bùng phát tại nước ta, những bước chân của đội ngũ cán bộ y tế, quân đội, biên phòng, công an - những người trên tuyến đầu chống dịch trên mọi nẻo đường của Tổ quốc nói chung và tỉnh Kon Tum nói riêng, chúng ta mới cảm nhận hết được sự hy sinh quên mình, tinh thần quả cảm, xông pha, không ngại gian nguy, tiếp sức cho nhau để làm tròn bổn phận của người “chiến sĩ” trên tuyến đầu chống dịch để sớm đưa cuộc sống của người dân trở lại bình thường.
Đã có rất nhiều cán bộ, chiến sĩ đang thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch đã phải gác lại niềm vui riêng, hạnh phúc gia đình với phía sau là con thơ, mẹ già, cha yếu… sẵn sàng đi vào tâm dịch, cùng đồng chí, đồng đội hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao. Những con người ấy đã thể hiện trách nhiệm cao nhất, tận tâm, tận lực, hết lòng vì người bệnh và đã được nhân dân hết lòng thương yêu, cảm phục và kính trọng.
Vậy mà, trong khi những giọt mồ hôi thấm đẫm thân mình trong những ngày hè oi ả, những bữa cơm muộn, những đêm thức trắng của những “chiến sĩ” trên tuyến đầu chống dịch để lấy mẫu xét nghiệm, truy vết, đưa người bệnh đi cách ly… thì lại có những người suy nghĩ ích kỷ, cố chấp và thiếu trách nhiệm với cộng đồng.
Trở lại câu chuyện nói trên, Linh mục Nguyễn Đức Hữu giáo xứ Kon Trang Mơ Nấy là người có kiến thức về tôn giáo và xã hội, chí ít ra ông cũng là người được lựa chọn để chăm sóc về đời sống tâm linh của các tín đồ. Xét ở khía cạnh xã hội, ông cũng là người có trách nhiệm trong việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho mọi giáo dân. Thế nhưng, trước diễn biến hết sức phức tạp của dịch Covid-19 với nguy cơ lây nhiễm cao, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của mọi người dân và cả cộng đồng, Linh mục Nguyễn Đức Hữu lại cố tình nhiều lần vi phạm các quy định về phòng, chống dịch Covid-19.
Trong khi các địa phương trên cả nước đang thực hiện phương châm “mỗi người dân là mỗi chiến sĩ; mỗi xã, phường, thôn, xóm, tổ dân phố là một pháo đài chống dịch”, các chức sắc, tín đồ, các tôn giáo trong cả nước đều tích cực thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về phòng, chống dịch, thì hành vi của ông Nguyễn Đức Hữu lại đi ngược phương châm đó. Cho dù ông có ở vị trí nào, đức độ và uy tín của ông được mọi người kính trọng như thế nào, thì trước hết ông phải gương mẫu làm tròn trách nhiệm công dân đối với đất nước, có trách nhiệm với cộng đồng.
Trách nhiệm phòng chống dịch Covid-19 không của riêng ai, mỗi người hãy là “chiến sĩ” trên trận tuyến chống dịch, khi đó chúng ta mới cùng nhau đẩy lùi được dịch bệnh.
Dương Đức Nhuận