Hành động để bảo vệ trẻ em
Từ năm 2015, tháng 6 hằng năm được chọn là Tháng hành động vì trẻ em. Với chủ đề “Chung tay bảo vệ trẻ em, hãy lên tiếng phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em”, Tháng hành động vì trẻ em năm nay tiếp tục nhắc nhở về trách nhiệm các ngành, các cấp và kêu gọi cả xã hội quan tâm nhiều hơn nữa đến các vấn đề của trẻ em, nhất là việc đấu tranh, ngăn chặn tình trạng xâm hại, bạo hành để xây dựng môi trường an toàn, yêu thương dành cho trẻ.
Hiện, toàn tỉnh có trên 198.300 trẻ em (dưới 16 tuổi), chiếm gần 35% tổng dân số toàn tỉnh. Trước hết, phải nói rằng, thời gian qua, cùng với việc hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về trẻ em của Nhà nước, Chính phủ, công tác chăm sóc, bảo vệ, thực hiện các quyền trẻ em ngày càng được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát. Các tổ chức đoàn thể, địa phương chú trọng thực hiện quyền trẻ em và được thể hiện trên nhiều lĩnh vực.
Đó là, các đơn vị, địa phương đã duy trì tốt công tác phối hợp trong triển khai thực hiện các chính sách, pháp luật có liên quan đến trẻ em; tăng cường theo dõi, giám sát trong quá trình bảo vệ, can thiệp và trợ giúp trẻ em bị xâm hại, cần sự bảo vệ. Toàn tỉnh duy trì hoạt động của 42 mô hình hệ thống bảo vệ trẻ em tại cộng đồng, 2 mô hình phòng điều tra thân thiện tại Công an tỉnh; 1 mô hình Hội đồng tư vấn công tác xã hội cấp tỉnh tư vấn trợ giúp trẻ em; 1 mô hình dịch vụ công tác xã hội trẻ em cấp tỉnh.
Việc huy động sử dụng nguồn lực để thực hiện các mục tiêu vì trẻ em ngày càng có hiệu quả. Hàng năm, Qũy bảo vệ trẻ em các cấp kịp thời hỗ trợ hơn 20.000 lượt trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, giúp giảm tỷ lệ trẻ lang thang, cơ nhỡ.
|
Công tác giáo dục, chăm sóc sức khỏe cho trẻ em cũng được cải thiện đáng kể. Việc xây dựng môi trường sống an toàn và lành mạnh cho trẻ em được chú trọng. Đời sống văn hóa tinh thần, vui chơi giải trí, phúc lợi xã hội và các quyền dành cho trẻ em ngày càng được nâng lên.
Các địa phương, tổ chức đoàn thể cũng tích cực truyền thông nâng cao nhận thức trong nhân dân, mỗi gia đình về công tác bảo vệ trẻ em, phòng chống xâm hại trẻ em. Nhờ đó, nhận thức của gia đình, cộng đồng và xã hội về bảo vệ trẻ em đã từng bước được nâng lên.
Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành chức năng, tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục, bạo hành vẫn còn xảy ra và có chiều hướng gia tăng, số trẻ em thuộc hộ nghèo và trẻ sống trong gia đình có vấn đề xã hội còn cao. Toàn tỉnh hiện có 2.399 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt như mồ côi, bị bỏ rơi, khuyết tật, trẻ em nhiễm HIV, vi phạm pháp luật, sử dụng ma túy; có 45.054 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Chỉ riêng năm 2021, toàn tỉnh có 17 trẻ em bị xâm hại, 3 trẻ em bị bạo hành. Đây chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”, con số này chưa thể phản ánh một cách đầy đủ số vụ xâm hại trẻ em.
Bởi, có nhiều vụ việc trẻ bị bạo hành, ngược đãi, xâm hại tình dục, nhưng chưa được các cơ quan, địa phương phát hiện, không ít gia đình vì những lý do khác nhau mà không khai báo, tố cáo. Mặt khác, một bộ phận không nhỏ những người có trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ trẻ em còn có quan niệm “yêu cho roi, cho vọt”, nên thường có hành vi quát mắng, dùng roi để dạy dỗ khi trẻ không nghe lời và xem đó là chuyện đương nhiên, không phải là bạo hành.
Rõ ràng, bạo hành, xâm hại trẻ em-một vấn đề không mới, nhưng vẫn khiến những người có trách nhiệm và cả xã hội lo lắng. Bởi, điều này đã tồn tại từ rất lâu và diễn ra ngày càng phức tạp, từ thành thị đến nông thôn, từ trong gia đình đến ngoài xã hội, ở trong nhà trường và cả trên môi trường mạng internet; tác động tiêu cực tới mỗi nạn nhân, các gia đình và cả xã hội.
Nhiều nguyên nhân đã được các ngành chức năng chỉ ra, đó là một số địa phương, đơn vị chưa thực sự quan tâm đúng mức đến vấn đề này; các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức cho người dân chưa thường xuyên liên tục, hiệu quả chưa cao. Không ít gia đình, một bộ phận cha mẹ nhận thức chưa đầy đủ, còn thờ ơ, thiếu quan tâm đến việc phòng, chống bạo lực, xâm hại cho con trẻ. Những ảnh hưởng từ môi trường phim ảnh, văn hóa đồi trụy, thông tin độc hại tràn lan trên môi trường mạng Internet cũng đã tác động tiêu cực đến hành vi, lối sống của trẻ em. Trong khi đó, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm liên quan đến quyền trẻ em của các ngành chức năng đôi lúc cũng chưa được thường xuyên, kịp thời và đủ sức răn đe…Điều đó cho thấy, chúng ta cần có những giải pháp tích cực, kịp thời hơn nữa để ngăn chặn và bảo vệ trẻ em trước các hành vi gây hại.
Tháng hành động vì trẻ em chính là đợt cao điểm để tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức, trách nhiệm và tăng cường công tác phối hợp của các cấp, các ngành, cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp để bảo vệ trẻ em kịp thời, hiệu quả, nhất là trong gia đình và thúc đẩy phong trào toàn dân bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; quan tâm, tạo điều kiện, vận động nguồn lực để chăm lo tốt hơn cho trẻ em, trước hết là để có một mùa hè an toàn.
Có thể nói, cùng với chăm sóc, giáo dục thì bảo vệ trẻ em có tính chất quan trọng trong việc tạo lập môi trường phát triển an toàn, lành mạnh cho mỗi đứa trẻ. Trong đó, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em đang thực sự trở thành mối quan tâm của toàn xã hội.
|
Tất nhiên, công tác bảo vệ trẻ em không chỉ trong tháng 6 - Tháng hành động vì trẻ em mà phải thực hiện thường xuyên, liên tục; là nghĩa vụ, trách nhiệm của tất cả các cấp, các ngành và toàn xã hội.
Thùy Hương