Gốc có vững, cây mới bền
Gốc có vững, cây mới bền – nhiều người dân trên địa bàn tỉnh đã bày tỏ sự tin tưởng, kỳ vọng sau khi kết thúc Hội nghị Trung ương 7, khóa XII như vậy. Bởi, những vấn đề được đưa ra tại Hội nghị lần này: công tác cán bộ, cải cách chính sách tiền lương, cải cách chính sách bảo hiểm xã hội là hết sức quan trọng, có mối liên hệ mật thiết với nhau và đều cùng hướng tới mục tiêu đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ - cái gốc của mọi công việc.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong phát biểu bế mạc Hội nghị đã khẳng định: Kiên quyết hủy bỏ, thu hồi các quyết định không đúng về công tác cán bộ, đồng thời xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân sai phạm có hành vi tham nhũng trong công tác cán bộ; từng bước thực hiện việc bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương… Điều này cho thấy Hội nghị đã nhận diện những mâu thuẫn, những bất cập trong công tác cán bộ bấy lâu nay và đề ra các giải pháp để tìm cách khắc phục trên cơ sở kế thừa kinh nghiệm quản lý từ lịch sử và thực tiễn.
Lấy đơn cử từ những câu chuyện phiếm trong các cuộc trà dư tửu hậu: Phân chia chức vụ kiểu “cả họ làm quan”, “gia đình trị”, “con cháu các cụ”; hay ưu ái, bè phái, cánh hẩu kiểu “nhất quan hệ, nhì tiền tệ, ba hậu duệ, bốn trí tuệ”, cục bộ vùng miền, cha sắp xếp cho con làm lãnh đạo theo kiểu “cha truyền con nối”, “chọn người nhà, không chọn người tài”… tưởng chỉ đùa vui, tưởng chuyện chỉ từ thời xa xưa lại trở nên thật, rất thật...
Ngậm ngùi có, quan ngại có, thiếu niềm tin có…, đủ mọi cung bậc cảm xúc. Không ít người còn nói rằng: Ngẫu nhiên và đúng quy trình cả mà thôi!
Nhưng rồi, nói như ông cha ta xưa, “cố đấm ăn xôi” nên “xôi lại hỏng”. Hàng loạt vụ án lớn, hàng loạt các vụ việc liên quan đến tham nhũng trong công tác cán bộ thời gian gần đã được phát giác, xử lý nghiêm minh.
Người dân nức lòng khi nghe Tổng Bí thư nhấn mạnh “Lò nóng lên rồi thì củi tươi vào cũng phải cháy”, “ai nhụt chí thì đứng sang một bên để cho người khác làm”…
Và đi liền với lời nói, người dân đã tận mắt chứng kiến một số trường hợp cán bộ bị mất chức, thậm chí bị khai trừ khỏi Đảng, phải ra trước vành móng ngựa, dù cán bộ đó ở chức vụ đứng đầu một địa phương, một đơn vị lớn, dù “đồng chí đó là con cháu đồng chí nào” và dù cán bộ đó có về hưu nhưng cũng không thể “hạ cánh an toàn”…
Điều đó thể hiện rõ quyết tâm của Đảng trong việc loại bỏ những cán bộ thoái hóa biến chất, những cán bộ được bổ nhiệm đúng quy trình nhưng kết quả sai để làm trong sạch đội ngũ cán bộ, lấy lại lòng tin của nhân dân.
Tiếp tục mạch nguồn, sức chiến đấu của các nghị quyết về công tác xây dựng Đảng, Hội nghị Trung ương 7 lần này nhận diện rõ các kiểu “chạy”, kiểu bí thư là người địa phương nên ưu ái người nơi mình trưởng thành… một lần nữa nhận được sự đồng tình của xã hội.
Bởi, lòng tham luôn vô cùng, phải tạo ra các cơ chế hãm lòng tham, phải loại trừ những người không có đạo đức, không có năng lực để bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả là yêu cầu hết sức cấp thiết trong bối cảnh hiện nay.
Bác Hồ từng nói: “Cán bộ là gốc của mọi công việc”, “Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù có tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”; “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hay kém”...
Chủ trương, đường lối của Đảng được thể hiện chủ yếu, trực tiếp qua hệ thống công vụ. Trong khi đó, những người thực thi công vụ - đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đang là khía cạnh có nhiều bất cập, tất yếu sẽ ảnh hưởng đến uy tín, thanh danh của Đảng, đến sự phát triển của đất nước.
Gốc có vững, cây mới bền. Chăm lo cho cái “gốc”, cùng với việc chỉ ra được những căn nguyên, những giải pháp đi kèm với chế độ đãi ngộ tốt: cải cách tiền lương, cải cách bảo hiểm xã hội… để cán bộ không muốn, không cần, không thể tiêu cực, tham nhũng, dành hết tâm huyết, trí tuệ cho công việc chung là những vấn đề được Hội nghị Trung ương 7 bàn bạc, thông qua.
Điều quan trọng sau Hội nghị được nhiều người kỳ vọng và quan tâm hơn cả, chính là việc cụ thể hóa những nghị quyết, quyết tâm của Đảng vào thực tiễn cuộc sống. Ai cũng mong rằng, từ những vấn đề Hội nghị đặt ra, sẽ có nhiều hành động cụ thể, không để những câu chuyện phiếm, những câu cửa miệng: “cả họ làm quan”, “nhất hậu duệ, nhì tiền tệ, ba quan hệ, bốn trí tuệ”, “con cháu các cụ”, “con ông, cháu cha”… “có đất” tái diễn!
Liễu Hạnh