Giáo dục đạo đức cho học sinh: Không để các em “tự bơi”
Tình trạng học sinh vi phạm đạo đức: Nhẹ thì nói dối, quay cóp bài, nặng thì ăn cắp, đánh đập nhau, chửi thề, thậm chí chửi và đánh cả thầy cô giáo… đã khiến nhiều người lo ngại về sự xuống cấp của đạo đức trong thế hệ trẻ. Lỗi ở nhà trường? Lỗi ở gia đình? Không thể trông chờ từ một phía nào, vì chỉ thầy cô, chỉ gia đình nỗ lực thì hiệu quả mang lại cũng không cao.
Lo ngại
Sơ kết học kỳ I năm học 2016 – 2017, ở cấp tiểu học, học sinh đạt yêu cầu về phẩm chất 96,9%; cấp THCS, học sinh có hạnh kiểm xếp loại khá, tốt chiếm 93,6%; cấp THPT, học sinh đạt hạnh kiểm khá, tốt chiếm gần 91%.
Những con số biết nói đó cho thấy đa số học sinh có nhiều biểu hiện tích cực về đạo đức lối sống, chấp hành nghiêm nội quy quy chế của nhà trường, tích cực tham gia các hoạt động tập thể, có ý thức vươn lên trong học tập, rèn luyện.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, số học sinh hạnh kiểm chưa tốt cũng không phải là ít. Điều đáng nói là càng lên cấp học cao thì số học sinh có hạnh kiểm khá, tốt càng giảm dần, gia tăng số học sinh hạnh kiểm trung bình, yếu kém. Đó là chưa kể có những học sinh chỉ tỏ ra ngoan trước mặt thầy cô, bố mẹ…
Không ít thầy cô, phụ huynh than vãn rằng, bên cạnh những học sinh ngoan thì ngày càng nhiều học sinh có những biểu hiện tiêu cực đáng lo ngại, nhất là các hành vi lệch chuẩn về đạo đức.
Còn nhớ cách đây không lâu, không chỉ mình tôi mà nhiều phụ huynh khác khi đứng chờ đón con trước cổng trường, nghe đoạn hội thoại của nhóm học sinh đang học ở một trường THCS trên địa bàn thành phố Kon Tum đều lắc đầu ngao ngán. Nếu chỉ nghe mà không nhìn vào những gương mặt còn non nớt, nhìn vào bộ quần xanh, áo trắng, vai mang cặp sách học sinh… thì hẳn rằng có người đã nhầm tưởng các em là những tay anh chị của giới chợ búa.
Có riêng gì kiểu nói tục tĩu, đao búa, tỏ ra sành điệu khi trò chuyện với nhau như vừa kể, lứa tuổi học sinh, đặc biệt ở bậc THCS trở lên thường có những biểu hiện tính cách dễ nổi loạn. Lúc ở trường thì vi phạm nội quy nhà trường, nề nếp: hút thuốc, thủ dao trong cặp, quay cóp bài, mắng chửi bạn bè, thầy cô, tỏ thái độ bất cần, bất hợp tác. Lúc ở nhà các em thể hiện sự lười biếng, ỷ lại, sống thiếu trách nhiệm với gia đình và người thân trong gia đình. Khi ra ngoài xã hội thì các em biểu hiện rõ nhất là vi phạm Luật Giao thông đường bộ, kế nữa đón lõng bạn dọc đường để xử bạn không vừa ý, hết giờ không vội về nhà mà la cà ở quán game, trộm cắp để có tiền tiêu xài, đánh đập nhau rồi quay video cổ vũ tung lên mạng xã hội… Thậm chí, có nhóm học sinh, học sinh bắt các bạn cùng trường phải nộp tiền hàng ngày. Để yên thân, thoát khỏi cảnh bắt nạt, học sinh bị bắt nạt về xin cha mẹ chuyển trường mà còn buộc bố mẹ không được báo cáo giáo viên chủ nhiệm vì sợ trả thù…
Thực trạng này thật sự đáng lo ngại. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, chủ quan từ phía các em đang ở độ tuổi hình thành và phát triển nhân cách. Các em thích thể hiện bản thân, thích tỏ ra mình là người lớn nên rất dễ tiếp thu, đua đòi, bắt chước theo những hành vi không tốt… Những em vi phạm đạo đức thường là những em sinh ra trong gia đình khó khăn, thiếu sự quan tâm từ phía gia đình hoặc được nuông chiều thái quá. Cùng với đó là sự lỏng lẻo của mối quan hệ "ba nhà" (gia đình – nhà trường – xã hội) được xác định là một trong những lý do cơ bản dẫn đến thực trạng xuống cấp về đạo đức, lối sống của một bộ phận học sinh.
Trách nhiệm không của riêng ai
Trước thực trạng đáng báo động về tình trạng xuống cấp về đạo đức, lối sống, tội phạm và bạo lực trong một bộ phận học sinh, thì giáo dục đạo đức cho học sinh là vấn đề hết sức cần thiết và cấp bách. Vì như đã nói, các em đang ở lứa tuổi thích thể hiện bản thân, dễ nổi loạn nên nếu thiếu đi sự quan tâm của gia đình, của nhà trường, của xã hội thì các em dễ ngày càng trượt dài. Và vì thực tế trong thời gian qua, liên tục có những vụ việc, vụ án xảy ra hết sức nghiêm trọng mà đối tượng gây ra là những người trẻ tuổi thậm chí còn đang ngồi trên ghế nhà trường.
Từ phía gia đình, không ít bậc phụ huynh mải mê làm ăn hoặc nuông chiều thái quá mà thiếu đi sự giáo dục, giám sát. Những trường hợp có con em vi phạm thì gia đình thường phó mặc, khoán trắng việc dạy dỗ cho nhà trường. Có những trường hợp phụ huynh khi nhà trường tìm gặp trao đổi hay có chuyện xảy ra mới vỡ lẽ ra con mình hư, con mình vi phạm. Có phụ huynh vẫn đều đặn đưa, đón con đi học thêm nhưng các em chẳng hề học lấy một chữ, cha mẹ quay lưng đi, đứa con ngoan hiền liền bỏ đi chơi game, bạn bè đến hết giờ học quay trở lại cho cha mẹ đón về…
Ở trường thì môn giáo dục công dân cũng chỉ là môn phụ. Giáo viên cũng than phiền rằng, lắm lúc học sinh có lỗi, muốn có hình phạt ngay lập tức thì sẽ bị lên án. Thậm chí, có học sinh còn lên mạng xã hội rêu rao về thầy cô với những từ ngữ chẳng lấy gì làm đẹp mắt, khiến không ít thầy cô chùn bước. Trong khi đó, vai trò của các tổ chức, đoàn thể ở địa phương chưa được phát huy đúng mức. Nói như thế để thấy giáo dục đạo đức cho học trò có lẽ không phải là chuyện dễ.
Thế nhưng, trong mối quan hệ “3 nhà” đó, vai trò của gia đình, nhà trường – đặc biệt là gia đình trong giáo dục đạo đức, nhân cách cho con trẻ là hết sức quan trọng. Vì thời gian các em ở với gia đình nhiều hơn, nếu cha mẹ không trang bị những kỹ năng tối thiểu cũng như uốn nắn cách ứng xử trong cuộc sống cho các em hàng ngày thì khó có thể thay đổi được mọi chuyện trong ngày một ngày hai. Và cũng không phải ngẫu nhiên mà trong hầu hết các trường học đều có câu “Tiên học lễ, hậu học văn”, nghĩa là học sinh phải học lễ nghĩa trước, sau đó mới học văn hóa.
Các em vì thế cần lắm sự định hướng, sự gương mẫu từ người lớn. Các em cũng cần lắm sự quan tâm, phối hợp, trao đổi thường xuyên liên tục giữa gia đình – nhà trường để tăng kỹ năng sống, sự định hướng. Bởi một khi các em được giáo dục, định hướng đúng đắn cũng đồng nghĩa với việc các em được trang bị “văcxin” tự ngăn ngừa, không dễ bị cái xấu, cái ác lôi kéo, điều khiển.
Nếu chúng ta để các em “tự bơi” thì rất dễ “xôi hỏng bỏng không”!
Nguyên Phúc