Đúng quy trình!
“Đúng quy trình” là cụm từ được truyền thông, mạng xã hội lẫn chuyện vui trong các cuộc trà dư tửu hậu nhắc nhiều đến trong thời gian gần đây. Thủy điện xả nước đúng quy trình; chất thải xả đúng quy trình; bổ nhiệm cán bộ đúng quy trình… Hàng loạt vấn đề “đúng quy trình” nhưng liệu có đúng, có mang lại hiệu quả hay chỉ nhằm biện minh cho những việc làm tắc trách lại là chuyện khác.
Vậy quy trình là gì? Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, quy trình “là trình tự (thứ tự, cách thức) thực hiện một hoạt động đã được quy định, mang tính chất bắt buộc, đáp ứng những mục tiêu cụ thể của hoạt động quản trị (quản lý và cai trị). Quy trình xuất hiện phổ biến trong quá trình tồn tại và phát triển của vạn vật (…). Làm trái quy trình là vi phạm kỷ luật. Quy trình cũng thuộc phạm trù pháp luật của một tổ chức”.
Nói như vậy, khi một việc thực hiện theo quy trình tức là đã tuân theo các quy định mang tính chất bắt buộc. Và một khi đã tuân theo quy trình cũng mặc nhiên sẽ là đúng, là đảm bảo.
Thế nhưng, liệu “đúng quy trình” thì mọi việc được hanh thông, suôn sẻ, mang lại hiệu quả cao? Và, “đúng quy trình” có đồng nghĩa với đảm bảo chất lượng?
Còn nhớ, ngay trong tháng 10, tháng 11 mới đây, người dân các tỉnh miền Trung chìm trong biển nước, thiệt hại nặng nề về tài sản và con người. Nguyên nhân được xác định là do các thủy điện xả lũ. Tuy nhiên, điều đáng nói là lãnh đạo các thủy điện khi trả lời đều cho rằng đã xả lũ “đúng quy trình”.
Hay, lý giải cho tình trạng “cả họ làm quan”, bổ nhiệm cán bộ là “người nhà” ở các tỉnh, thành, đại diện cơ quan chức năng lý giải đã “đúng quy trình”…
Dù được giải thích là vậy nhưng bao người vẫn băn khoăn. Bởi, thực tế như vừa nêu, dù “đúng quy trình” nhưng vẫn sai, hậu quả vẫn xảy ra. “Đúng quy trình” vốn mang ý nghĩa tốt đẹp đang bị lạm dụng, lợi dụng trở thành “bùa hộ mệnh”, là “bảo bối”, là “tấm khiên chống đỡ” để bao biện, che giấu cho những việc làm thiếu minh bạch, tắc trách và giết chết những ý tưởng sáng tạo tích cực. “Đúng quy trình” bị sử dụng như công cụ phục vụ mang lại lợi ích cho một số nhóm, một số đối tượng. “Đúng quy trình” cũng vì thế đã khiến cho không ít người nhắc lại với hàm ý mỉa mai, nghi hoặc.
Vì, thủy điện xả lũ “đúng quy trình” mà khiến bao người dân khốn khó trong lũ lụt thì quy trình đó có mang lại lợi ích cho số đông? Xả thải đúng quy trình nhưng bao nhiêu người dân xung quanh, bao nhiêu cá, tôm phải sống ngụp lặn trong ô nhiễm thì quy trình đó phải chăng chỉ mang lại “lợi ích nhóm” cho một số đối tượng? Bổ nhiệm cán bộ dù “đúng quy trình” nhưng lại bỏ quên căn cứ năng lực, phẩm chất khiến bao lời ra tiếng vào, bao dị nghị. Và cho dù “đúng quy trình” nhưng nếu cán bộ thiếu năng lực, thiếu phẩm chất thì liệu có đủ sức để thực hiện công việc, có tạo dựng được niềm tin trong nhân dân?
Suy cho cùng, quy trình do con người lập ra để quay trở lại phục vụ cho lợi ích của con người. Nhưng khi đã “đúng quy trình” mà không thể phục vụ, không mang lại lợi ích cho con người, cho số đông thì liệu quy trình ấy đã đúng?
Trong một cuộc họp báo định kỳ mới đây, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn đã nói đại ý quy trình là làm đúng pháp luật nhưng có bảo đảm chất lượng không lại là câu chuyện khác, chuyện này phụ thuộc vào trách nhiệm của người đứng đầu và vai trò của tập thể cấp ủy về công tác cán bộ.
Vì thế, “đúng quy trình” nhưng sai tiêu chuẩn; “đúng quy trình” nhưng thiếu đi tấm lòng; “đúng quy trình” nhưng vô trách nhiệm; “đúng quy trình” nhưng sai mục đích, sai hiệu quả… không còn là chuyện hiếm
Sẽ rất sai lầm khi xem những vấn đề “đúng quy trình” được nhắc nhiều trong thời gian gần đây là chuyện phiếm ngoài tai. Bởi câu chuyện ngoài tai đó đang phản ánh thái độ của nhân dân, đang quyết định lòng tin - thứ không thể lấy lại ngày một ngày hai chỉ bằng mấy chữ “đúng quy trình”.
Chính vì vậy, quy trình đúng nhất, quy trình được nhiều người mong đợi nhất vẫn chính là quy trình vì nước, vì dân!
Nguyên Phúc