Đừng để “tiền mất, tật mang”
Mùa xuân cũng là mùa gắn kết các lễ hội và các hoạt động văn hóa tâm linh, vui chơi, giải trí. Những hoạt động này là dịp cho người dân vui chơi giải trí sau một năm vất vả, đồng thời góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc tạo sự gắn kết cộng đồng, làm phong phú thêm đời sống tinh thần của nhân dân...
Tuy nhiên, các hoạt động lễ hội, hoạt động tâm linh đã bị một số kẻ xấu lợi dụng nhằm trục lợi cá nhân. Họ lợi dụng niềm tin của người dân để “mua thần, bán thánh”, đẩy các hoạt động văn hóa tín ngưỡng lên quá mức, gây tốn kém, lãng phí, hoặc núp bóng tín ngưỡng hành nghề mê tín dị đoan, cần phải loại bỏ ra khỏi đời sống xã hội. Thậm chí, có hoạt động thời gian kéo dài cho hết mùa xuân, không những gây lãng phí tiền của, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến trật tự xã hội mà còn gây ra nhiều hệ lụy khác; có người “tiền mất tật mang” thêm hoang mang lo sợ từ những lời “phán” của những kẻ “buôn thần, bán thánh”…
Thẳng thắn nhìn nhận, trong những năm gần đây, sự “quá đà” trong hoạt động khôi phục các hoạt động lễ hội, văn hóa tín ngưỡng của chính quyền các địa phương cơ sở và ngành chức năng đã tạo mảnh đất màu mỡ cho các hủ tục, sinh hoạt mê tín dị đoan phát triển. Nổi cộm là việc đốt vàng mã tại nơi miếu mạo, đền chùa và tại gia được phục hồi, phát triển nhanh chóng và lan rộng trên khắp các địa phương trên cả nước.
Phật giáo không có tục đốt vàng mã, nhưng thực tế thì tục đốt vàng mã lại thường diễn ra tại các lễ hội, đình chùa, những dịp cúng tế trong nhân dân gây lãng phí quá mức. Theo thống kê sơ bộ, hàng năm tổng số tiền đốt vàng mã trên toàn quốc có thể nuôi sống hàng triệu người dân trong nước...
Nhiều người quan niệm rằng, dâng cúng càng nhiều vàng mã thì càng được thánh thần hay “người âm” phù hộ nên sẵn sàng bỏ ra hàng triệu, thậm chí hàng chục triệu để mua những “vật dụng” … bằng giấy để cúng mà không quan tâm những việc làm đó đã gây tác hại khôn lường đến môi trường, đặc biệt là ô nhiễm môi trường không khí do ô nhiễm bụi, nhiệt, kim loại nặng…
Đã không ít vụ hỏa hoạn do tục đốt vàng mã gây ra. Theo thống kê chưa đầy đủ, chỉ trong mấy tháng đầu năm 2018 đã có hàng chục vụ cháy nhà do đốt vàng mã trong các dịp tết, rằm, mồng một…; con số thương vong cũng lên tới hàng chục người. Đặc biệt nghiêm trọng nhất là vụ cháy kho sơn tại Đà Nẵng vào ngày 14/2 vừa qua cũng là do đốt vàng mã gây ra…
Ở tỉnh Kon Tum việc đốt vàng mã ở các chùa trong dịp cúng tế, lễ lạt đầu năm hầu như ít xảy ra và đảm bảo giữ gìn vệ sinh môi trường, không gây ra hỏa hoạn. Tuy nhiên, tình trạng đốt vàng mã trong nhân dân trên địa bàn vẫn phổ biến, gây không ít tốn kém tiền của, ảnh hưởng môi trường và tiềm ẩn nguy cơ hỏa hoạn.
Ngoài tục đốt vàng mã, cũng trong những ngày đầu xuân, nhiều người đổ xô đi xem bói, quẻ, xin xăm… để mong biết trước “tương lai, thời vận” trong làm ăn, cưới hỏi, kinh doanh, thăng tiến trong công việc. Họ đâu biết rằng đã vô tình lọt vào “mê hồn trận” mê tín dị đoan mà những người hành nghề “lên đồng, nhập cốt” bày sẵn, hậu quả là tiền mất, tật mang. Thậm chí có khi còn rước họa vào thân, bởi tin theo những lời “phán xét” bịa đặt, thiếu cơ sở khoa học của những người hành nghề bói toán.
Dân gian ta có câu: “Bói ra ma, quét nhà ra rác”. Xét về tâm lý, những người đi xem bói toán chính là những người có “vấn đề” về gia đạo, công danh sự nghiệp hay thiếu niềm tin, lo lắng, sợ hãi một việc gì đó nên mới tìm đến “thần linh” để được “hướng dẫn” cách “thoát nạn”. Một khi tâm lý không ổn định, họ sẽ bị những lời “phán” mượn danh “thần linh” và dễ dàng nghe theo lời bịa đặt của “ông đồng, bà cốt”, để rồi bỏ ra hàng chục triệu đồng để “cúng thầy” và “sắm lễ” cúng “giải hạn”. Trong khi đó, đa phần đời sống kinh tế gia đình của những người đi xem bói đều rất khó khăn.
Bói toán đã trở thành một vấn nạn của xã hội. Người ta không những đi xem bói đầu năm để xem thời vận, mà nạn bói toán còn kéo dài hết cả mùa xuân. Nhiều người bỏ bê công việc, lao động sản xuất để đi xem bói, mặc cho phải chờ chực hàng ngày trời để được tới lượt…
Nói đâu cho xa, ngay địa bàn tỉnh Kon Tum, vấn nạn bói toán lâu nay đã trở thành tệ nạn nhức nhối trong xã hội nhưng vẫn chưa hề bị xóa bỏ triệt để.
Mới đây, sau Tết Nguyên đán, trên địa bàn thành phố Kon Tum và một số huyện, bùng phát tình trạng một số đối tượng lén lút hành nghề mê tín dị đoan, bói toán, gây ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn. Mặc dù, những điểm tổ chức bói toán, hành nghề mê tín dị đoan trái phép này đã bị cơ quan công an và chính quyền địa phương nhắc nhở, xử phạt nhiều lần, song họ vẫn ngoan cố hoạt động nhằm thu lợi bất chính hàng triệu đồng, thậm chí lên tới chục triệu mỗi ngày.
Các tụ điểm xem bói ở xã Đăk Cấm, xã Hòa Bình… (thành phố Kon Tum) là những nơi mà những kẻ hành nghề bói toán lén lút hoạt động, lôi kéo người dân các địa phương đến xem bói nhiều nhất trong tháng Giêng, cũng chỉ bởi những lời rỉ tai đồn thổi “linh thiêng”- như Báo Kon Tum Cuối tuần đã phản ánh. Số tiền mà các “thầy phán” thu vào hàng ngày lên tới hàng chục triệu đồng.
Điều đáng nói là, mục đích của những kẻ hành nghề mê tín dị đoan đều lợi dụng lòng nhẹ dạ cả tin, mê tín dị đoan của những người đến xem bói để hù dọa, làm cho người đến xem bói bất an, lo lắng. Qua đó thu lợi bất chính bằng cách nhờ “hóa giải kiếp nạn” thông qua sắm lễ vật, cúng tế…
Nhiều người đã không tiếc thời gian, công sức để đi xem bói. Có nhiều người ở mãi tận huyện cũng về thành phố xem bói. Ngày hôm trước không xem được, do đông người chưa tới lượt, thì ngày hôm sau lại dậy thật sớm, tiếp tục về thành phố để được xem bói…
Chuyện bói toán có thể ban đầu chỉ là chút tò mò của những người dân “nhẹ dạ cả tin” trước những lời phán về “hậu vận”- cái mà người ta chưa biết được để nuôi hy vọng mong manh. Và, sau đó, chính họ rơi vào cõi “u mê” của “ông đồng bà cốt”, bởi bị tác động đến tâm lý tạo nên sự hoang mà những người làm nghề bói toán hù dọa và vẽ vời, dẫn dắt phải sắm lễ vật cúng kính giải hạn, đập phá, sửa chữa nhà cửa, cổng vào nhà…; càng phán tai họa khủng khiếp từ “thần linh” gây ra do phạm vào những điều cấm kỵ thì họ càng dễ dàng trục lợi từ những người đến xem bói. Chính tâm lý hoảng sợ sẽ làm cho những người sẵn mang tâm lý mê tín không những tiêu tiền vào những việc không đáng mà có những hành động vô thức, thậm chí có kết cục bi thảm bởi mê tín…
Mê tín đem lại những tai hại không thể lường trước được. Nó có thể làm hại cuộc đời con người, làm tan nát gia đình và cả những hệ lụy khôn lường cho xã hội. Như trường hợp một người vợ ghen bóng ghen gió, đi xem bói. Thầy bói nói chồng có nhân tình, trong lá số có sao đào hoa chiếu mệnh. Thế là người vợ tin ngay, không cần suy xét, không chịu tìm hiểu thực hư mà ghen bong, ghen gió với người tình không có thực của chồng. Và hai vợ chồng cãi nhau, đưa đến hậu quả là gia đình tan nát...
Thực tế trong thế giới tự thiên vẫn còn tồn tại những bí ẩn mà khoa học chưa lý giải hết. Chúng ta không chối bỏ điều đó. Nhưng chuyện mê tín dị đoan, tin vào những “ông đồng, bà cốt”, “người trần mắt thịt” để “tiên đoán” hậu vận của mỗi người là tệ nạn cần phê phán. Sự giàu nghèo của mỗi người hoàn toàn phụ thuộc vào nỗ lực vươn lên trong học tập, lao động của chính bản thân họ chứ không phụ thuộc vào những lời phán của những kẻ “buôn thần, bán thánh” kia.
Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng vào cuộc xử lý triệt để hơn những kẻ hành nghề mê tín dị đoan ở các địa phương cơ sở, bảo đảm an ninh trật tự xã hội, bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân. Bên cạnh đó, người dân cũng cần cảnh trước những chiêu trò lừa đảo lấy tiền của những “ông đồng, bà cốt”, không để họ lợi dụng niềm tin của mình nhằm trục lợi dẫn đến hậu quả “tiền mất, tật mang”.
Dương Đức Nhuận