Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”
Nhiều người đã không khỏi đau lòng, bức xúc trước những clip bạo hành trẻ ở các cơ sở mầm non tư thục, nhóm trẻ gia đình được các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội đăng tải trong thời gian gần đây. Nơi này cô giáo, bảo mẫu đánh đập, nơi kia dùng cả dao dọa dẫm trẻ…
Ai làm cha, làm mẹ, ai có con nhỏ cứ nghĩ, nếu như đó là con mình, sẽ phải như thế nào? Nhưng rồi, nếu như đó là con mình, liệu mình có biết được không, vì các con còn quá nhỏ chưa có năng lực hành vi, chưa thể nói lại cho cha mẹ biết chuyện cô giáo, bảo mẫu đánh đập mình?
Còn nhớ cách đây không lâu, tại một nhóm trẻ trên địa bàn thành phố Kon Tum đã xảy ra chuyện một cô giáo “nựng” trẻ 4 tuổi đến bầm mông. Có dấu vết lạ, phụ huynh xót con, giận dữ. Cô giáo giải thích, trong thời gian chờ phụ huynh đến đón con, vì cưng cháu quá nên cô “nựng”, cắn hai cái vào hai bên mông khiến mông cháu bầm tím, phụ huynh hiểu nhầm. Nhưng, dù cho cô giáo “cưng” cháu quá mức thì sự hiểu nhầm của phụ huynh cũng có cơ sở. Vì như đã nói, từ trước đến nay chuyện cô giáo, bảo mẫu, người trông coi trẻ “mạnh tay” không phải là hiếm.
Chưa bàn đến chuyện đạo đức của các cô giáo, của các bảo mẫu và những ảnh hưởng về lâu dài đối với các cháu, điều khiến nhiều người quan tâm hơn cả là vì sao các vụ việc lại thường rơi vào các nhóm trẻ ngoài công lập? Và, sau những vụ việc này, liệu tiếp tục còn bao nhiêu đứa trẻ khác đang và sẽ bị hành hạ như vậy ở các cơ sở giữ trẻ?
Dễ dàng nhận thấy rằng, các nhóm trẻ gia đình, các trường mầm non tư thục, dân lập ra đời là nhu cầu tất yếu theo chủ trương xã hội hóa giáo dục, giảm gánh nặng cho các trường mầm non công lập trong việc chăm sóc, nuôi dạy trẻ. Không ít trường mầm non tư thục, nhóm trẻ đã lắp đặt camera để phụ huynh dễ dàng quan sát trẻ khi ở trường, đầu tư cơ sở vật chất hiện đại, quan tâm chất lượng đội ngũ giáo viên… nên trở thành địa chỉ tin cậy của các ông bố, bà mẹ có con nhỏ.
Nhưng, không phải trường mầm non tư thục, dân lập, nhóm trẻ nào cũng đủ nguồn lực để đầu tư như vậy. Chạy theo lợi nhuận theo kiểu đếm đầu trẻ để thu tiền, không ít cơ sở xem nhẹ công tác tuyển chọn nhân sự, nhất là giáo viên, bảo mẫu; không mấy quan tâm đến chất lượng giáo dục, chăm sóc trẻ. Các cơ sở cũng không đầu tư kinh phí để mua sắm đồ chơi, đảm bảo diện tích trung bình tối thiểu, thiết bị vệ sinh phù hợp với trẻ…
Không ít cơ sở giữ trẻ “nhiều không”: không có nghiệp vụ về nuôi dạy trẻ, không được khám sức khỏe định kỳ, không được cấp phép, không đảm bảo về diện tích… nhưng phụ huynh vẫn đánh liều gửi con. Vì với những người có mức thu nhập thấp, trung bình, cuộc sống bộn bề lo toan với hàng trăm khoản phải chi nên dù biết trường nọ tốt, trường kia hay cũng đành chịu, muốn ráng mà không thể ráng nổi. Mức đóng nộp hàng tháng vừa phải, giờ giấc linh hoạt…, nhiều người chọn gửi con vào các nhà trẻ tự phát như là giải pháp tối ưu.
Và, hậu quả lại xảy ra… Dư luận cũng ầm ĩ một thời gian sau đó. Nhưng rồi, các vụ bạo hành trẻ ở các trường mầm non tư thục, dân lập, nhóm trẻ gia đình vẫn cứ thế mà diễn ra, thậm chí có phần nghiêm trọng hơn, tinh vi hơn trước. Phải chăng vì bạo hành trẻ em, ngoài yếu tố chủ quan (thuộc về mặt tính cách của giáo viên, bảo mẫu), còn có nguyên nhân khách quan (quản lý lỏng lẻo, thiếu thanh tra, kiểm tra của các cấp, ngành liên quan) trong đó?
Khi nói đến vấn đề này, ngành chức năng, chính quyền địa phương than khó. Khó vì mọi chuyện được sắp xếp đâu vào đấy khi có kiểm tra; khó vì có thành lập đoàn kiểm tra thì chủ các nhóm trẻ khóa cửa nên không thể vào; khó vì mọi chuyện đâu vẫn vào đấy dù đã kiểm tra, nhắc nhở …
Biết là khó, nhưng không vì khó mà để rơi vào cảnh “mất bò mới lo làm chuồng”. Nếu vẫn còn kiểu quản lý, cấp phép các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập nể nang; nếu vẫn còn kiểu kiểm tra, giám sát qua loa, chiếu lệ … thì chắc hẳn vẫn còn xảy ra các vụ trẻ mầm non bị bạo hành.
Nguyên Phúc