Đừng để cháy, nổ trở thành thảm họa
Nếu như mọi người dân đều có ý thức tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp về phòng cháy chữa cháy (PCCC) thì cháy, nổ sẽ không trở thành thảm họa, không gây nỗi đau cho nạn nhân, thân nhân và không để lại gánh nặng cho xã hội.
Mới đây, Bộ Công an tổ chức Hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành trong cả nước để triển khai các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn cháy lớn. Đây là lần đầu tiên Bộ Công an tổ chức riêng một Hội nghị để bàn về các biện pháp phòng ngừa và ngăn chặn thảm họa cháy lớn xảy ra trên phạm vi cả nước.
Liên tục trong những năm gần đây và những tháng đầu năm 2021, nhiều vụ cháy lớn, đặc biệt nghiêm trọng đã xảy ra tại các địa phương trong nước, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Theo báo cáo của Bộ Công an, giai đoạn 2018-2020, số vụ cháy lớn trên phạm vi cả nước mặc dù chỉ chiếm 1,08% (118/10.930 vụ cháy) nhưng thiệt hại về người và tài sản rất nghiêm trọng, ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội, gây tổn thất lớn về kinh tế và môi trường. Số người chết do cháy lớn gây ra chiếm 12,7% (30/235 người); số người bị thương chiếm 14,17% (72/508 người), đặc biệt thiệt hại về tài sản chiếm 82,18% tổng thiệt hại do cháy gây ra.
Đơn cử là vào lúc 1 giờ sáng ngày 30/3/2021 tại phường Cát Lái, thành phố Thủ Đức (TP. Hồ Chí Minh) đã xảy ra vụ cháy nhà dân làm 6 người tử vong và 1 người bị thương, đều là những người trong một gia đình. Vụ cháy này cũng làm nhiều đồ dùng và 5 xe máy trong căn nhà cấp 4 bị thiêu rụi. Hoặc là trước đó vào rạng sáng 25/3/2021, một ngôi nhà dân ở trong hẻm 123 Cao Lỗ (phường 4, quận 8, TP. Hồ Chí Minh) bất ngờ bốc cháy dữ dội, làm chết 3 người trong một gia đình.
|
Thảm họa cháy, nổ có thể xảy ra bất cứ ở thời điểm nào, bất cứ nơi nào và thiệt hại do nó gây ra là khôn lường. Một lý do dễ hiểu là hiện nay tại các địa phương tốc độ đô thị hóa tăng nhanh, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, công trình xây dựng với quy mô lớn ngày càng nhiều, tiềm ẩn nguy cơ về cháy, nổ cao, trong khi đó ý thức của người dân vẫn có lúc, có nơi lơ là, chủ quan trong việc quản lý và dùng lửa, dùng điện cũng như các loại hóa chất dễ cháy, nổ khác. Những hồi chuông cảnh báo về thảm họa cháy, nổ, đặc biệt là các đám cháy lớn, cần được tiếp tục gióng lên, nhất là trong mùa khô nếu như ý thức tự bảo vệ tính mạng và tài sản của mỗi người dân chưa được nâng lên.
Đối với Kon Tum, tuy tình hình cháy nổ có chiều hướng giảm về mức độ nghiêm trọng, nhưng con số 20 vụ cháy trong năm 2020 (tăng 3 vụ so với năm 2019) và 9 vụ cháy từ đầu năm đến nay (tăng 3 vụ so với cùng kỳ năm 2020) dù không có thiệt hại về người và tài sản thiệt hại ít nghiêm trọng, nhưng cho thấy tình hình cháy có xu hướng gia tăng. Nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời, thì dễ phát sinh ra cháy lớn và hậu quả sẽ rất nghiêm trọng.
Kiên quyết không để thảm họa cháy lớn xảy ra, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, Công an tỉnh đã có kế hoạch tập trung tuyên truyền, vận động cán bộ, nhân dân nêu cao ý thức cảnh giác, phòng ngừa cháy, nổ cũng như trách nhiệm vì cộng đồng trong hoạt động PCCC; xây dựng các nội quy, quy định về PCCC, các mô hình “cụm dân cư an toàn PCCC”; “khu tự quản bảo đảm an ninh trật tự và PCCC”... tạo nên phong trào hoạt động PCCC có hiệu quả tại khu dân cư.
Đồng thời, tổ chức kiểm tra và yêu cầu các hộ gia đình, nhất là nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh hàng hóa dễ cháy nằm trong khu dân cư cam kết thực hiện nghiêm các quy định về PCCC. Lực lượng Cảnh sát PCCC trực tiếp đến từng nhà dân để hướng dẫn, phổ biến các biện pháp phòng cháy trong hộ gia đình, đặc biệt là việc sử dụng điện, đun nấu và thắp hương thờ cúng; quản lý chặt chẽ việc sử dụng nguồn lửa, nguồn điện, chất cháy vào thời điểm có nguy cơ cháy cao và trước khi đi ngủ…
Các lực lượng khác như dân phòng, ban bảo vệ dân phố, đội PCCC cơ sở… tổ chức tuần tra canh gác vào ban đêm để kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp cháy, nổ, không để xảy ra cháy lớn, bị động. Các lực lượng này còn vận động hộ gia đình tự giác dỡ bỏ các bộ phận cơi nới, lều lán, mái bằng các vật liệu dễ cháy sát nhau để thay thế bằng các vật liệu khó cháy hoặc không cháy, trước hết làm theo từng dãy tạo thành khoảng cách để ngăn cháy lan; tiến hành tháo dỡ các vật cản trên các đường làng, ngõ xóm để tạo điều kiện cho việc chữa cháy, cứu người, cứu tài sản được dễ dàng.
Lực lượng PCCC của tỉnh cũng khuyến cáo các hộ gia đình có nhà ở kết hợp với sản xuất, kinh doanh có dạng nhà ống, nhà liên kế, chia lô tuyệt đối không sắp xếp vật dụng che chắn, cản trở lối thoát nạn; không lắp đặt biển quảng cáo, lồng sắt, lưới sắt tại các ban công, lô gia của nhà; tầng sân thượng, mái cần bố trí thông thoáng và có lối lên qua các thang cố định và cửa đi, không khóa cửa lối lên mái, trường hợp cửa có khóa, cần quy định vị trí để chìa khóa trong nhà. Đối với hàng hóa là chất nguy hiểm về cháy, nổ nên bố trí tách biệt với nơi ở, sinh hoạt; không sản xuất, kinh doanh chất, hàng hóa dễ cháy, nổ như xăng, dầu, hóa chất... trong nhà ở.
Cũng qua đợt triển khai các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn cháy lớn này, lực lượng PCCC tỉnh cũng có kế hoạch đẩy mạnh tuyên truyền và hướng dẫn người dân về cách quản lý chặt chẽ nguồn lửa, nguồn nhiệt. Theo đó, hướng dẫn, tuyên truyền và vận động người dân nên tắt bếp và đóng bình gas khi không sử dụng; thường xuyên kiểm tra ống dẫn gas, van khóa, van an toàn để kịp thời thay thế khi bị hư hỏng. Vị trí đặt bình gas, bếp gas cần bảo đảm thông thoáng và không để gần các thiết bị điện, thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt; nên lắp đặt đầu báo rò khí gas tại khu vực đặt bình gas, bếp gas…
Đối với trường hợp sử dụng điện cần thiết kế, lắp đặt bảo đảm đủ công suất cho các thiết bị sử dụng, có thiết bị đóng, ngắt, bảo vệ cho hệ thống điện chung toàn nhà, từng tầng, nhánh và thiết bị tiêu thụ điện có công suất lớn phải có cầu dao, aptomat nên lắp đặt tại vị trí thuận tiện cho việc ngắt điện…
Thảm họa cháy nổ thường để lại những hậu quả đau lòng. Nếu như mọi người dân đều nhận thức tốt về nguy cơ cũng như hậu quả của cháy, nổ và có ý thức tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp về PCCC thì sẽ không để xảy ra cháy nổ, không gây ra những hậu quả đau lòng và không để lại gánh nặng cho xã hội.
Dương Đức Nhuận