Đừng để biến tướng quà Tết
Mấy ngày qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng và khắp nơi người dân đều quan tâm và bàn luận rất nhiều xung quanh chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc Tết Đinh Dậu sắp tới, tất cả hệ thống hành chính không chúc tết lãnh đạo, không biếu xén, không phong bao phong bì. Thông điệp của Thủ tướng đã nhận được sự đồng tình của dư luận và nhân dân.
Theo đó, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11 mới đây, Thủ tướng đã nói rõ: “Ngay trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, tôi đề nghị tất cả hệ thống hành chính không chúc tết lãnh đạo, không biếu xén, không phong bao, phong bì. Tôi yêu cầu không chúc tết Thủ tướng, lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành. Yêu cầu các tỉnh không về Hà Nội chúc tết. Ở các địa phương cũng vậy. Cần thực hiện nghiêm việc này...”. Yêu cầu không chúc tết lãnh đạo của Thủ tướng là để tập trung thời gian, công sức vào việc chăm lo tết cho nhân dân, thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí và quan trọng hơn đó là thông điệp nhằm ngăn chặn tình trạng biến tướng quà tết.
Trên thực tế, không phải đến bây giờ yêu cầu không tặng quà cho cấp trên mới được nhắc đến, mà đã có từ các năm trước. Chẳng hạn như ngay từ năm 2007, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định 64/2007/QĐ-TTg (10/5/2007) ban hành về quy chế tặng quà, nhận quà và nộp lại quà tặng của cơ quan, tổ chức, đơn vị có sử dụng ngân sách nhà nước và của cán bộ, công chức, viên chức nhằm ngăn chặn tình trạng tặng, nhận quà không đúng quy định, mục đích và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm. Việc cấm biếu, tặng quà tết cũng đã được nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai, trong đó tỉnh Kon Tum cũng đã thực hiện rất nghiêm túc.
Công bằng mà nói, việc biếu, tặng quà ngày tết mang nhiều ý nghĩa. Tết đến, xuân về người ta đến tặng nhau món quà, vài câu chúc là một nét văn hoá truyền thống của dân tộc ta, bởi gói trong mỗi món quà tết là những giá trị về tình cảm, thể hiện sự quý mến, biết ơn của người tặng quà đối với người nhận quà. Cũng vì thế mà quà tết chỉ mang ý nghĩa về mặt tinh thần chứ không ai tính toán về mặt vật chất. Cả người tặng và người nhận đều cảm thấy vui, hạnh phúc và có sự trân trọng, lịch thiệp gửi gắm qua mỗi món quà.
Tặng quà tết còn mang ý nghĩa như một phép ứng xử thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, chia sẻ khó khăn, động viên khích lệ kịp thời cho những người xứng đáng trong xã hội. Do đó, vào dịp Tết Nguyên đán hàng năm, Chủ tịch nước luôn ký quyết định tặng quà cho các gia đình chính sách, người có công với cách mạng. Các cơ quan, đoàn thể, tổ chức từ thiện cũng tặng quà vào dịp tết cho những đối tượng có hoàn cảnh khó khăn...
Trên địa bàn tỉnh, từ trung tuần tháng Chạp, các cấp, các ngành đã rục rịch thăm, tặng quà tết cho các đơn vị lực lượng vũ trang; các cơ sở y tế, bệnh viện; các đối tượng chính sách, người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS, trẻ mồ côi, đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn... Đó là những hành động ý nghĩa với những món quà đầy nhân văn.
Tuy nhiên, thời gian qua, bên cạnh những món quà tết đơn thuần để bày tỏ tình cảm, đã có những món quà tết bị biến tướng, trở thành công cụ, bức bình phong để người ta thực hiện những tính toán cá nhân... đi ngược lại thuần phong mĩ tục. Không ít trường hợp, người ta mượn cớ thăm hỏi, chúc tết quà để mưu cầu danh lợi, hay nói cách khác đây cũng một dạng chạy chọt, hối lộ. Chẳng thế mà có những món quà trị giá đến hàng chục, hàng trăm triệu đồng được đưa và nhận công khai.
Rồi cũng có không ít người coi việc quà cáp như một thông lệ “đến hẹn lại lên” vào dịp tết. Người ta chạy theo việc tặng quà mà không cần quan tâm, để ý xem người biếu có thực lòng muốn gửi và người được biếu tặng có thực tâm muốn nhận hay không. Những món quà vì thế mà cũng không còn ý nghĩa nữa bởi nó chỉ còn mang tính hình thức.
Khi những món quà không xuất phát từ tấm lòng mà nó đã mang màu sắc khác thì chuyện xóa bỏ, nghiêm cấm là điều cần làm. Song để thực hiện được điều này không phải dễ, bởi ranh giới giữa những món quà thực tâm và những món quà được núp bóng các loại vật phẩm để thực hiện những mục đích không trong sáng rất mong manh, khó chỉ tên, gọi rõ từng loại.
Từ trước đến nay, Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng cũng đã có nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn tình trạng mượn cớ, biến tướng của quà tết để hối lộ, chạy chức, chạy quyền...Tuy nhiên, điều quan trọng là phải được sự hưởng ứng và thái độ nghiêm túc thực hiện của những người trong cuộc.
Nói như thế, không có nghĩa là đến tết người ta không được đến thăm hỏi, chúc tết nhau, không được tặng quà cho nhau. Tết là một dịp để con người ta thể hiện sự quan tâm và dành tình cảm cho nhau, việc tặng quà như một hành động thay cho những lời cảm ơn, sự tôn trọng của cấp dưới dành cho cấp trên một cách đúng nghĩa, có văn hoá thì cũng không có gì đáng bàn, nhưng đừng để những món quà kèm theo một điều kiện nào.
Thuỳ Hương