Đột phá từ nhận thức
Ngày 24/2/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kết luận số 08 về chủ trương triển khai Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững” trên địa bàn tỉnh.
Trước hết khẳng định, đây là một chủ trương hết sức đúng đắn và phù hợp của Tỉnh ủy nhằm đột phá về tư duy, thay đổi cung cách làm ăn, phát triển kinh tế của đồng bào DTTS, “tự lực cánh sinh” để vươn lên thoát nghèo bền vững, hướng tới làm giàu bằng chính sức lao động của mình.
Như chúng ta đã biết, từ lâu, Đảng và Nhà nước ta đã có rất nhiều chủ trương, chính sách chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, đối tượng chính sách, người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và nhu cầu của thị trường; hướng dẫn chi tiêu hợp lý để tích lũy vốn đầu tư tái sản xuất, xóa bỏ dần các hủ tục... góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, giúp đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững, trở thành hộ khá và giàu.
Tuy nhiên, những kết quả đạt được vẫn chưa như mong muốn, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế về thay đổi diện mạo vùng đồng bào DTTS, chưa thay đổi căn bản nếp nghĩ, cách làm của bà con. Vẫn còn đâu đó, nhận thức của bà con còn hạn chế, còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ, hỗ trợ của Nhà nước; chưa chú trọng áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chưa lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi phù hợp…
|
Theo số liệu thống kê của tỉnh, tính đến cuối năm 2020, trên địa bàn tỉnh còn 13.688 hộ nghèo là người DTTS, chiếm 93,74% so với tổng số hộ nghèo toàn tỉnh và 7.569 hộ cận nghèo là người DTTS, chiếm 90,4% so với tổng số hộ cận nghèo toàn tỉnh.
Do đó, vấn đề đặt ra hiện nay là tiếp tục làm thay đổi hoàn toàn nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS trên địa bàn, tạo sự đột phá về sự nhận thức, thay đổi tư duy trong lao động sản xuất, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật, sản xuất ra sản phẩm hàng hóa có chất lượng cao… để cải thiện cuộc sống, phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Trong những chuyến công tác về các xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng DTTS đặc biệt khó khăn, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang luôn đặc biệt quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần của người dân ở những nơi này. Tại các buổi họp, tiếp xúc với bà con ở cơ sở, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy luôn hỏi han chuyện làm ăn, phát triển kinh tế của từng hộ gia đình, động viên bà con phải biết thay đổi cung cách sản xuất cũ, kém hiệu quả, chuyển sang trồng, nuôi những cây, con có hiệu quả, chất lượng, có giá trị kinh tế cao, phù hợp với đặc thù khí hậu, thổ nhưỡng ở địa phương mình.
Cũng trong những chuyến đi đó, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang còn chỉ đạo, nhắc nhở các cán bộ lãnh đạo ở cơ sở phải hết sức năng động, thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhắc nhở, cán bộ phải thật sự sâu sát, gần dân, hiểu dân để nắm rõ tâm tư, nguyện vọng của nhân dân mà có định hướng, phương thức lãnh đạo, điều hành đúng trọng tâm, mang tính đột phá để giúp người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi tạo ra sản phẩm hàng hóa có chất lượng, giá trị kinh tế cao… nhằm từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, làm thay đổi diện mạo nông thôn một cách rõ nét, góp phần đưa chất lượng nông thôn mới ngày càng cao.
Và để Cuộc vận động nói trên thực chất đi vào cuộc sống, trước hết cần phải đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, vận động giảm nghèo bền vững trong đồng bào DTTS; cụ thể hóa nội dung Cuộc vận động gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”... nhằm tạo sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội cùng tham gia.
Đồng thời, kịp thời tham mưu, đề xuất và tranh thủ sự quan tâm, chỉ đạo của cấp ủy đảng; sự phối hợp của chính quyền, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, các cơ quan có liên quan trong thực hiện Cuộc vận động; phát huy nội lực, vận động nguồn lực tổng hợp xây dựng thôn, làng vùng đồng bào DTTS ngày một phát triển, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá của từng dân tộc, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Việc triển khai thực hiện Cuộc vận động cần phải đi sâu, bám sát cơ sở vùng đồng bào DTTS, bằng cách thông qua việc tổ chức tuyên truyền, vận động làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm song hành cùng với việc triển khai xây dựng, nhân rộng các mô hình hỗ trợ phát triển kinh tế trong vùng đồng bào DTTS.
Bên cạnh đó, phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên ở cơ sở, khu dân cư; các già làng, người uy tín trong cộng đồng là lực lượng xung kích, đầu tàu trong việc triển khai thực hiện Cuộc vận động. Các cấp ủy, chính quyền địa phương và các cấp, ngành tập trung tuyên truyền các mô hình hay, cách làm hiệu quả, gương đồng bào DTTS điển hình trong lao động sản xuất nhằm thay đổi nhận thức, nếp nghĩ, cách làm để vươn lên thoát nghèo bền vững. Hướng dẫn đồng bào DTTS nghèo và cận nghèo sử dụng có hiệu quả nguồn lực của gia đình, nguồn vốn vay để phát triển kinh tế, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chi tiêu hợp lý để tích lũy vốn tái đầu tư sản xuất, triển khai các mô hình sản xuất kinh doanh có hiệu quả; chuyển đổi các loại cây trồng kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị cao gắn với đề án mỗi xã một sản phẩm; tham gia các tổ hợp tác, hợp tác xã trồng dược liệu, phát triển nông nghiệp sạch, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, trồng rừng, bảo vệ và quản lý rừng…
Cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự chung tay vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương, Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững” trên địa bàn tỉnh do Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phát động sẽ thật sự là một động lực mạnh mẽ, mở ra một hướng đi mới, đột phá để bà con DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững, hướng tới làm giàu trên chính mảnh đất quê hương của mình.
Dương Đức Nhuận