Đón Tết an toàn trong “bình thường mới”
Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 đang đến rất gần, mỗi gia đình, đơn vị, địa phương đều đang háo hức đón một mùa Xuân mới. Tuy nhiên, trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid -19 thì việc đón Tết an toàn trong trạng thái “bình thường mới” là nhiệm vụ được các cấp, các ngành quan tâm hàng đầu.
Tết là thời gian sum vầy, ngày đoàn tụ của các gia đình, là dịp để bạn bè gặp gỡ, giao lưu, du xuân... vì vậy, lượng người đi lại sẽ tăng mạnh, các hoạt động văn hóa - xã hội, liên hoan cũng sẽ diễn ra dày đặc. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, cả nước vẫn đang đối diện với nhiều khó khăn thì việc đón Tết và đảm bảo an toàn phòng, chống dịch là vấn đề rất quan trọng.
Với mục tiêu cao nhất là để người dân đón Tết và có một mùa Xuân bình an, ngày 31/12/2021 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 35/CT-TTg về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm. Theo đó, cùng với các nhiệm vụ đảm bảo an sinh xã hội, cung ứng hàng hóa, chăm lo Tết cho người dân, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc và hiệu quả Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ; tập trung, nỗ lực cao nhất cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 và các dịch bệnh có nguy cơ bùng phát trong mùa Đông-Xuân. Tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, sẵn sàng ứng phó mọi tình huống. Tạm dừng tổ chức các loại hình lễ hội và bắn pháo hoa nổ trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần; các hoạt động tập trung đông người không cần thiết và tăng cường giám sát dịch bệnh tại các địa bàn, khu vực có nguy cơ cao.
|
Với tâm thế “thích nghi chủ động”, cả hệ thống chính trị tỉnh ta đang dần thích ứng với trạng thái “bình thường mới” bằng việc triển khai các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19. Tuy nhiên, một thực tế đáng lo ngại là thời gian gần đây, nhất từ sau lễ Noel và Tết Dương lịch 2022 đến nay, số ca mắc Covid-19 trong cộng đồng trên địa bàn tỉnh đang có chiều hướng gia tăng. Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh, tính đến 7 giờ ngày 19/1/2022, tỉnh Kon Tum ghi nhận 1.717 trường hợp mắc Covid-19, trong đó có 1.040 ca phát hiện tại các cơ sở, các nơi cách ly và 677 ca phát hiện tại cộng đồng. Ở nhiều nơi, nhiều lúc, người dân vẫn còn tỏ ra thờ ơ, chủ quan trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, nhất là quy định 5K. Vì thế, dù hiện tại, tỉnh đã đạt tỷ lệ tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 khá cao, nhưng lo ngại về nguy cơ dịch bệnh có thể bùng phát vào các dịp lễ, Tết là hoàn toàn có cơ sở.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn phức tạp, nguy cơ bùng phát dịch do biến chủng mới Omicron thường trực, để đảm bảo vui xuân, đón Tết an toàn, nhiệm vụ phòng, chống dịch càng được tỉnh đặc biệt chú trọng. Theo đó, ngày 14/1, UBND tỉnh có Công văn số 127/UBND-KGVX yêu cầu tăng cường công tác phòng, chống dịch và tiêm vắc xin phòng Covid-19. Tại văn bản này, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu, các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm, quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, nhất là biện pháp 5K, nâng cao ý thức người dân và tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác trong nhiệm vụ phòng, chống dịch.
2 năm qua, chúng ta đã trải qua những tháng ngày chống dịch vất vả và cũng đã phải hy sinh không ít lợi ích về kinh tế. Với sự vào cuộc khẩn trương của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, cho đến thời điểm này, Kon Tum vẫn giữ được vùng xanh an toàn.
Nhưng rõ ràng nguy cơ dịch bùng phát, lan rộng vẫn luôn hiện hữu nếu các biện pháp phòng, chống dịch không được triển khai một cách quyết liệt và kịp thời.
Để bảo vệ thành quả chống dịch và trước hết là có một cái Tết an lành, hạnh phúc, đảm bảo sức khỏe, an toàn cho bản thân, gia đình và cả cộng đồng, cùng với việc chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch từ sớm và từ xa của ngành chức năng thì hơn khi nào hết mỗi người dân cần nêu cao ý thức phòng, chống dịch. Không hoảng hốt, lo âu thái quá, không dừng toàn bộ hoạt động mua sắm, về quê đón Tết, thăm hỏi người thân. Mỗi người hãy tự thay đổi, điều chỉnh thói quen, tác phong sinh hoạt để thích ứng, “sống chung” với Covid-19. Hãy xác định những hoạt động vui chơi, thăm hỏi Tết, liên hoan hay du xuân cho phù hợp, đảm bảo các biện pháp phòng dịch.
Chỉ còn ít ngày nữa, người dân cả nước sẽ đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 với những niềm tin và kỳ vọng mới sau 1 năm đầy khó khăn, biến động vì ảnh hưởng của dịch bệnh. Hiện nay, sau khi đã tiêm phủ vắc xin phòng Covid-19 cho người dân và đang triển khai tiêm mũi bổ sung cho toàn dân, Trung ương và tỉnh ta dần nới lỏng các quy định phòng, chống dịch theo hướng mở để tạo thuận lợi cho cuộc sống của người dân và phục hồi kinh tế. Nhưng nới lỏng nhưng không buông lỏng hay được phép xả hơi, “quên” các biện pháp phòng, chống dịch. Đừng để sau những ngày Tết, tất cả lại phải căng mình chống dịch.
Thùy Hương